Cà Mau: Người dân tự phát đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa để nuôi tôm

Tuyến Trang| 14/03/2016 14:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vụ mùa vừa qua, có rất nhiều hộ trồng lúa trong khu vực được quy hoạch cánh đồng mẫu trên địa bàn huyện Thới Bình (Cà Mau) bị mất trắng vì nước bị nhiễm mặn do một số hộ dân trong khu vực này tự ý đưa nước mặn vào nuôi tôm.

Về vấn nạn tự ý đưa nước mặn vào ruộng lúa để nuôi tôm, phá vỡ quy hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo Sở NN&PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường và cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau nói chung, trong đó có UBND huyện Thới Bình xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, tình hình người dân tự ý đưa nước mặn vào nuôi tôm trong vùng quy hoạch canh tác lúa vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí còn có nguy cơ lan rộng, đe dọa, xóa sổ luôn cánh đồng mẫu của xã.

Buộc lòng phải nuôi tôm

Ngồi tiếp chuyện với phóng viên, ông Trần Văn Hà, xã Tân Lộc Bắc chỉ tay vào mấy chục bao lúa còn chất đống sau nhà, cười chua chát: “Đấy, 12 công đất thu hoạch được bấy nhiêu nhưng đem bán không ai mua, cho vịt ăn nó còn chê! Nước bị nhiễm mặn nên lúa thu hoạch toàn lúa lép. Vụ rồi chỉ gặt được 2 công nằm cách xa chỗ người ta nuôi tôm, còn 10 công thằng con nó đi mót được 12 bao lúa, nhưng toàn lúa lép”.

Ông Hà thông tin, do ruộng lúa của ông nằm ngay cạnh vuông tôm của ông Phan Văn Trung, người mới lấy nước mặn vào nuôi tôm từ đầu năm nay nên nước mặn thấm qua, gây thiệt hại gần như toàn bộ diện tích trồng lúa của gia đình.

Cà Mau: Người dân tự phát đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa để nuôi tôm

Tuy chưa có chủ trương chuyển đổi, nhưng diện tích lớn đất trồng lúa ở huyện Thới Bình đã biến thành lúa - tôm

Vụ lúa vừa rồi, gia đình bà Lê Kim Yến (cùng ấp với ông Hà) trồng gần 0,5ha lúa nhưng theo bà Yến, gia đình bà chẳng thu được một bông lúa nào mà còn tốn công, tốn của. Bà Yến cho biết, từ trước tới nay, năm nào gia đình bà cũng thu hoạch trung bình từ 13-15 bao lúa/100m2, có năm lên đến 18 bao nhưng vụ rồi thì tìm một bông lúa cũng không có. “Khi lúa vừa dứt phân thì nhà kế bên bơm nước mặn ầm ầm vào ruộng để nuôi tôm, làm ruộng nhà tôi bị nhiễm mặn nặng thì làm sao mà gặt hái cho được”, bà Yến bức xúc.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khu vực cánh đồng mẫu thuộc ấp 3, xã Tân Lộc Bắc có tổng diện tích hiện tại là 68ha, người dân trồng lúa trong khu vực này đạt năng suất cao, đem lại thu nhập ổn định, chính vì lẽ đó mà việc một số hộ nằm ở khu vực đất ruộng trũng hơn tự ý chuyển sang nuôi tôm đã gây bức xúc cho đa số người dân nơi đây.

Được biết, không chỉ ở cánh đồng mẫu, hiện nay, tình trạng người dân ở huyện Thới Bình bất chấp chủ trương, phớt lờ việc tuyên truyền, vận động, thậm chí là xử phạt hành chính của chính quyền, tự ý đưa nước mặn vào ruộng lúa để nuôi tôm ngày càng nhiều…

Ông Nguyễn Văn Đàng, Trưởng ấp 3 cho biết: “Vận động thì chính quyền địa phương đã vận động rất nhiều lần, xử phạt thì cũng đã xử phạt rồi nhưng người dân không chấp hành, chúng tôi cũng không biết sẽ xử lý ra sao mới dứt điểm…”.

“Chúng tôi đã làm hết cách”

Theo tìm hiểu từ thực tế, trong khi người trồng lúa thì “rầu thúi ruột” do mất mùa, nợ nần chồng chất thì những hộ tự ý đưa nước mặn vào nuôi tôm lại có tâm trạng rất khả quan, thậm chí là phấn khởi.

Cụ thể, ông Phan Văn Trung cho biết, gia đình ông chỉ mới đưa nước mặn vào nuôi tôm chưa lâu, nhưng kinh tế đã phát triển hẳn so với trước đây. “Nuôi tôm hiệu quả hơn trồng lúa nhiều, vụ rồi tôi nuôi tôm quản canh thu hoạch được trên 14 triệu đồng trên diện tích 1,4ha. Nếu trồng lúa trên cùng diện tích thì làm sao có lợi nhuận đến như vậy. Nói chung là nuôi tôm có lợi hơn làm lúa”, ông Trung nhận định.

Dẫn chúng tôi ra vuông tôm đầy ắp nước, kế bên là ruộng lúa của hộ dân khác cạn queo vì khô hạn, ông Phan Văn Trung cùng một số người dân nuôi tôm gần đó phấn khởi đến góp chuyện với phóng viên. Câu chuyện vẫn chủ yếu là xoay quanh vấn đề nuôi tôm “khỏe” hơn trồng lúa.

Thực tế đã chứng minh, với việc người dân hăng hái chuyển sang nuôi tôm trong vùng quy hoạch trồng lúa như hiện nay thì nguy cơ vuông tôm “nuốt dần” ruộng lúa là khó tránh khỏi. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có công văn chỉ đạo Sở NN&PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường kết hợp với cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau, trong đó có huyện Thới Bình xử lý tình trạng tự ý đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa để nuôi tôm. Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo giao cho UBND huyện Thới Bình chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNN, Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân sản xuất nông nghiệp đúng quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, không tự ý đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa để nuôi tôm; đồng thời củng cố hồ sơ, xử lý trường hợp cố ý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Bênh cạnh đó, Sở NN & PTNT tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nhân dân áp dụng mô hình sản xuất phù hợp hệ sinh thái ngọt, có hiệu quả kinh tế cao và bền vững... Tuy nhiên, trên thực tế thì việc hướng người dân canh tác đúng quy hoạch là vô cùng nan giải.

Ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận, việc người dân tự ý đưa nước mặn vào vùng đất trồng lúa để nuôi tôm là vấn đề phát sinh nhiều năm nay chứ không phải mới đây. Chuyện xử phạt thì nhiều địa phương cũng đã làm rồi. “Chúng tôi đã làm hết cách rồi, người dân vẫn giữ quan điểm nuôi tôm hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa nên việc hướng họ từ bỏ con tôm là vấn đề nan giải, Sở NN&PTNT chỉ là cơ quan chuyên ngành nên đâu có chế tài nào để xử lý người ta được”, ông Tranh nói và thông tin thêm, ngành nông nghiệp đã rà soát vùng, đưa ra phương án chuyển đổi quy hoạch và đã có báo cáo, đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh.

Với thực trạng như trên, thiết nghĩ trong tương lai không xa, vùng chuyên canh trồng lúa ở huyện Thới Bình sẽ “được” trồng một vụ lúa, một vụ tôm như ao ước của một số hộ dân trong khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cà Mau: Người dân tự phát đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa để nuôi tôm