Môi trường

Cà Mau: Đặt mục tiêu 96.000 ha diện tích rừng

Trần An 04/09/2023 - 12:18

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ký quyết định phê duyệt Đề án “Bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, chống xói lở bờ sông, bờ biển và thúc đẩy tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2030”.

Mục tiêu của Đề án hướng đến quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển, sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021 - 2030.

Phát huy hiệu quả vai trò, chức năng của rừng trong phòng hộ, bảo vệ môi trường và hệ thống kết cấu hạ tầng vùng ven biển; chống xói lở, suy thoái đất; bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính; tạo việc làm, thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

sat-bien-ca-mau.jpg
Diện tích rừng phòng hộ bị đe dọa do sạt lở.

Cụ thể là bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo ra trong giai đoạn năm 2021 - 2030. Đến năm 2030, tổng diện tích đất lâm nghiệp là 142.599ha.

Trong đó, đất rừng đặc dụng 20.291ha, đất rừng phòng hộ 30.753ha, đất rừng sản xuất 91.555ha. Diện tích có rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) đến năm 2030 đạt 96.000ha. Xây dựng hoàn thiện hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ ven biển; xác định rõ vị trí, diện tích, ranh giới và hoàn thiện mốc ranh giới đối với từng khu rừng.

Cơ bản hoàn thiện hệ thống kè bờ biển Đông và bờ biển Tây (những vị trí sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao), đủ điều kiện khôi phục rừng ngập mặn. Hoàn thiện công tác di dời, bố trí tái định cư đối với các hộ dân sống trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ theo quy định; khôi phục rừng; đảm bảo sinh kế, tăng thu nhập, ổn định đời sống dân cư đối với các khu vực không phải di dời.

Phát triển cơ sở hạ tầng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí khu vực rừng đặc dụng, phòng hộ ven biển; tăng nguồn thu từ du lịch, dịch vụ môi trường rừng, góp phần tái đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.

Ưu tiên củng cố đai rừng phòng hộ ven biển Đông, ven biển Tây, xây dựng mới và củng cố hệ thống kè cơ bản chống sạt lở để bảo vệ sản xuất bên trong.

z4661731559523_3dff7f69b1ed49ecf4e1cc043ddc23b2.jpg
Sóng biển tác động trực tiếp vào chân Đê biển Tây.

Trong thời gian gần đây, tình hình sạt lở đê biển tại Cà Mau diễn ra phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích rừng phòng hộ và đời sống sản xuất của người dân. Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển.

Theo UBND tỉnh, hiện diễn biến sạt lở ngày càng gia tăng. Với tốc độ sạt lở như hiện nay, nếu không được xử lý kịp thời sẽ có nguy cơ đe dọa đến các khu dân cư tập trung xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), xã Tân Thuận (huyện Đầm Dơi); các trường học, trụ sở cơ quan nhà nước, hệ thống công trình lưới điện, diện tích đất sản xuất của người dân, đặc biệt là công trình hạ tầng quan trọng của tuyến đường Hồ Chí Minh trên địa bàn huyện Ngọc Hiển.

z4661726125653_90e55c48dff9cecf2dd8e2cd6918dff8.jpg
Nước biển xâm nhập sâu vào khu vực rừng phòng hộ.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND các địa phương khoanh vùng khu vực bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm, thiết lập hành lang an toàn; bố trí lực lượng theo dõi diễn biến sạt lở.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan chuyên môn tổ chức khảo sát, lựa chọn giải pháp và lập thủ tục đầu tư các dự án phòng, chống sạt lở nêu trên theo tình huống khẩn cấp, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Đồng thời, đề nghị các địa phương bố trí lực lượng theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; cấm mọi tác động vào các khu vực này, không để xảy ra tình trạng sạt lở diễn ra nhanh và nguy hiểm hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cà Mau: Đặt mục tiêu 96.000 ha diện tích rừng