Cà Mau: Cần xem xét lại việc kết luận nữ thương binh “giả”

Tuyến Trang| 05/12/2015 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tiếp xúc với phóng viên, bà Nguyễn Ngọc Diệp (ngụ ấp 1, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, Cà Mau) trình bày: Do mâu thuẫn gia đình, người thân của bà đã đưa đơn tố giác với nội dung bà là thương binh giả.

Tuy nhiên, không hiểu cơ quan chức năng xác minh thế nào lại bất ngờ ra quyết định hủy chế độ thương binh và thu hồi giấy chứng nhận chất độc hóa học của bà, trong khi lãnh đạo trực tiếp và nhiều người biết sự việc đều xác nhận là vết thương của bà có từ thời chiến…

Bà Diệp cho biết, từ khi bị rút chế độ thương binh đến nay, bà đã gửi đơn trình bày đến nhiều cơ quan chức năng nhưng không cơ quan nào đứng ra giải quyết.

Người tố giác không hề biết nội tình?

Theo trình bày của bà Diệp, vào thời kháng chiến, bà là cơ sở mật của Công an tỉnh, dưới sự chỉ đạo trực tiếp ông Lê Văn Gòng (lúc đó là Trung đội phó Trung đội I, phụ trách Cà Mau Bắc).

Ngày 30/101973, được sự phân công của ông Gòng, bà và người em tên Nguyễn Văn Hòa (lúc đó 11 tuổi) đến nhà ông Lưu Văn Nở (hiện ông Nở vẫn còn sống, ngụ Vàm Cái Tàu, xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau) để lấy tin cung cấp cho lực lượng cách mạng. Trên đường đi, chị em bà đã đạp phải trái nổ do địch gài nên khiến cả hai người bị thương rất nặng.

Rất may, chị em bà được bà Tư Can (Dương Thị Tiến) đưa đến Tắc Thủ gặp bà Năm Hoa (Lưu Thị Hoa, vợ ông Hai Tươi, Tiểu đoàn U Minh II) và bà Hoa đã đưa hai người đến Bệnh viện Cà Mau. Chị em bà nằm viện điều trị đến 25/11/1973 mới ra viện.

Sau khi hòa bình lập lại, bà Diệp được Hội đồng xét duyệt xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình, Cà Mau) cho bà được hưởng chế độ thương binh và bị nhiễm chất độc hóa học do bà bị vô sinh.

Cà Mau: Cần xem xét lại việc kết luận nữ thương binh “giả”

Bà Nguyễn Ngọc Diệp 

Tuy nhiên, do nhầm lẫn vì khi làm hồ sơ báo công, lãnh đạo trực tiếp của bà là ông Lê Văn Gòng chuyển về công tác tại Xã đội xã Hồ Thị Kỷ (Thới Bình) nên bà Diệp đã khai là làm cơ sở cho xã đội và do không xem kỹ hồ sơ nên ông Gòng đã xác nhận trong hồ sơ của bà.

Cách đây hơn 1 năm, do mâu thuẫn gia đình đình nên em ruột và em rể của bà tên Nguyễn Ngọc Thiệp - Nguyễn Hoàng Nam đã gửi đơn đến cơ quan chức năng tố giác, cho rằng vết thương của bà xảy ra sau chiến tranh, do đạp phải trái nổ trong khi đi lao động…

Đầu tháng 4/2015, Sở LĐ-TBXH tỉnh Cà Mau kết luận: Vết thương của bà xảy ra sau 30/4/1975 (không nêu thời gian cụ thể và không có tên người làm chứng - PV) và ra quyết định rút thẻ thương binh, giấy chứng nhận nhiễm chất độc hóa học và các chế độ người có công của bà.

Bà Diệp bức xúc: “Nếu người tố cáo là đồng đội hoặc công tác cùng thời thì không nói làm gì, đằng này, người đứng đơn lại là người thân của tôi và nhỏ tuổi hơn tôi khá nhiều. Đặc biệt, vào thời điểm đó, em rể tôi chưa về địa phương thì làm sao biết nội tình mà đứng ra tố giác?”.

Cần xem xét lại bản kết luận

Nội dung Kết luận số 76/KL-LĐTBXH ngày 9/4/2015 nêu rõ: “Trong thời kỳ kháng chiến, tuy gia đình bà Diệp ở gần nhà ông Gòng nhưng ông không rõ bà có công tác và bị thương hay không. Ông Gòng khẳng định, từ trước tới giờ ông không xác nhận cho bà Diệp, chữ viết và chữ ký trong hồ sơ thương binh của bà Diệp không phải của ông”.

Trong khi đó, tiếp xúc với phóng viên cùng đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng, ông Lê Văn Gòng thừa nhận, chữ ký trong hồ sơ của bà Diệp là của ông Gòng và nội dung xác nhận là hoàn đúng sự thật. “Tôi khẳng định rằng, bà Diệp xưa kia là cơ sở của Công an tỉnh do tôi gầy dựng”, ông Gòng nói.

Ngoài ra, kết luận còn thể hiện, ông Gòng không phải là Xã đội phó nên việc xác nhận cho bà Diệp là không hợp lý…

Ở điểm này, ông Gòng cho rằng, lúc Thanh tra Sở LĐ-TBXH mời làm việc, ông không nhớ rõ mình có làm Xã đội phó hay không, chứ thực tế ông đã giữ chức vụ Xã đội phó xã Hồ Thị Kỷ vào khoảng năm 1989 đến năm 1992 mới chuyển sang công tác tại Công an xã…

Mặt khác, khi hay tin bà Diệp bị thu hồi chế độ thương binh, ông Lưu Văn Nở, bà Năm Hoa, bà Tư Can và một số người biết sự việc đã đồng ký giấy xác nhận gửi cơ quan chức năng cùng nhau kêu oan cho bà Diệp.

Ông Võ Hoàng Hiệp (Giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh Cà Mau) cho biết, quyết định là dựa vào kết luận của Thanh tra Sở, nếu muốn nắm bắt rõ thì liên hệ gặp ông Hà Văn Thắm (Chánh Thanh tra Sở) để tìm hiểu. Trong khi đó, ông Thắm lại từ chối cung cấp thông tin với lý do, vụ việc đã xử lý dứt điểm và ông chỉ trả lời khi có văn bản của cơ quan chức năng yêu cầu…

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau cần xác minh rõ lại một số vấn đề về nội dung trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng, tránh trường hợp nếu bà Diệp là người có công thực sự sẽ dẫn đến oan ức và kéo theo nhiều hệ lụy.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cà Mau: Cần xem xét lại việc kết luận nữ thương binh “giả”