Giá như có thể quay ngược lại quá khứ thay đổi một chút gì nho nhỏ thôi thì có lẽ sẽ không có những câu chuyện buồn, những thảm án đau lòng như thế. Và hẳn nhiên sẽ chẳng có những tội ác, không có cả những ăn năn, ân hận sau mỗi phiên tòa.
Khi tội ác nhân danh tình yêu
24 tuổi - Nguyễn Hải Dương đã tự mình “chấm dứt cuộc đời” chỉ vì một phút suy nghĩ nông nổi, một kế hoạch điên rồ chợt hiện ra. Gã thanh niên 24 tuổi ấy, cái tuổi không còn nhỏ, cái tuổi có thể nói đã có đủ độ chín để quyết định tương lai của mình, nhưng thật tiếc, gã đã chọn sai. Lý giải cho tội ác điên rồ của mình, gã nói là vì tình yêu, vì gã hận khi tình yêu bị ngăn cản.
Nguyễn Hải Dương và nạn nhân yêu nhau, nhưng rồi sau 2 năm, câu chuyện tình yêu đẹp đẽ ấy cũng kết thúc. Có yêu, có xa và đôi khi xa nhau mới là thứ tình yêu đẹp. Tuy nhiên, Dương đã không chấp nhận việc đó và để chứng minh cho sự cuồng si của mình, Dương lạnh lùng lên kế hoạch rồi cướp đi mạng sống của người con gái mình từng yêu thương, cả cha mẹ và các em của cô gái cũng “tức tưởi” ra đi mà không hiểu vì sao mình phải chết?
Trong cái đêm Dương gây tội ác, một đứa trẻ may mắn thoát chết. Phải chăng lúc đó “phần người” trong kẻ sát nhân thức tỉnh hay lúc đó gã chùn tay bởi tiếng khóc? Cũng chả biết nữa, chả ai có thể lý giải nổi. Chỉ biết rằng, đứa bé kia đã sống. Nhưng có ai dám chắc rằng trong ký ức non nớt của đứa trẻ không có những hình ảnh kinh hoàng. Bố, mẹ, chị, em và cả gương mặt của gã đã cố ru nó vào giấc ngủ, liệu có ai khẳng định rằng nó không hiện về trong giấc mơ của đứa trẻ ấy?
Trong hành trình thực hiện tội ác, có đôi lúc đồng bọn của Dương “run sợ” muốn dừng tay, nhưng tất cả đã quá muộn. 6 con người “ra đi” bởi một lý do được cho là “nhân danh tình yêu” điên rồ của kẻ sát nhân.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử thảm án tại Bình Phước do Nguyễn Hải Dương và đồng bọn gây ra diễn ra ngày 17/12/2015 có lẽ ám ảnh nhiều người, bởi nó gần như đạt “kỷ lục” về số người dự phiên tòa. Hàng ngàn người dân không chỉ ở Chơn Thành (Bình Phước) hôm đó đã có mặt từ rất sớm để chứng kiến ngày tội ác phải trả giá.
Ông Lê Đức Xuân - Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước
Đứng trước vành móng ngựa, khi được hỏi rằng vì sao giết cả gia đình cô gái, Dương nói rằng vì hận mẹ cô gái đã ngăn cản tình yêu của mình và Dương cho rằng mình vẫn còn “lương tri” khi tha tội cho đứa trẻ 18 tháng tuổi.
Bên dưới, những tiếng khóc thút thít, những tiếng chửi bới, phẫn nộ xen lẫn nhau khi nghe lại hành trình gây tội ác của Dương và đồng bọn. Và rồi hàng ngàn tiếng ồ à, tiếng vỗ tay đồng tình vang lên khi HĐXX đọc bản án dành cho những kẻ phạm tội ác tày trời.
Án đã tuyên, tội ác của Dương và đồng bọn phải trả giá, nhưng có lẽ ám ảnh mãi vẫn là khuôn mặt lạnh lùng của Dương khi nói về hành vi của mình. Không một giọt nước mắt, không một tiếng ăn năn, Dương vẫn “cười tươi” tại phiên tòa, có lẽ đến lúc đó Dương tự hiểu rằng không còn cơ hội nào cho mình trở lại để sám hối và Dương chấp nhận. Nhưng đến khi nghe HĐXX nhận định, hành vi giết người của Dương là đặc biệt nghiêm trọng, mang tính chất man rợ, động cơ đe hèn và tuyên án tử hình, lúc đó Dương ngã quỵ xuống.
Sau phiên tòa, ông Lê Đức Xuân - Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước, người giữ quyền công tố tại phiên xét xử cho hay, trong 10 năm nghiên cứu 12.301 vụ phạm pháp hình sự, chưa thấy vụ nào tàn độc như hành vi của các bị cáo này gây ra. Mất hết tính người và không còn khả năng cải tạo, giáo dục để trở thành con người có ích cho xã hội. Chính vì vậy, cần thiết loại 2 bị cáo Dương và Tiến ra khỏi đời sống xã hội, Thoại lãnh mức án tương xứng với hành vi. Bản án sơ thẩm đã xét xử đúng người, đúng tội. Phiên tòa kéo dài thời gian khiến mọi người có mệt mỏi đôi chút nhưng cũng đã thỏa mãn, hài lòng vì cái chung nhất.
Nỗi đớn đau ê chề của mẹ già, vợ dại, con thơ
Thẩm phán Lê Thành Trung - TAND tỉnh Khánh Hòa, Chủ tọa phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Quế Lâm (SN 1979, ở xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh, Khánh Hòa) về hai tội Hiếp dâm trẻ em và Giết người kể lại: “Hành vi của Trương Quế Lâm đối với nạn nhân là quá tàn ác khiến cho dư luận xã hội hết sức căm phẫn. Với tội danh của bị cáo, VKSND đề nghị án tử hình. Tuy nhiên, tước đi mạng sống của một con người còn mẹ già, vợ dại, con thơ là điều hết sức đắn đo. Tôi đã phải dành nhiều đêm để đọc từng trang bút lục, xem xét từng chi tiết của vụ án, để khi xét xử đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật”.
Vậy nhưng trăn trở đó có mấy ai hiểu. Đứng trước việc phán quyết một con người, dù đó là kẻ sát nhân máu lạnh hay một kẻ trí thức phạm tội thì những người được gọi là “cầm cân nảy mực” luôn cần một sự tỉnh táo, “một trái tim nóng và cái đầu phải lạnh”.
Bị cáo Trương Quế Lâm được thuê trông coi đìa nuôi hải sản cho ông Trần Đức Tú ở xã Cam Thịnh Đông. Đến tối 12/4/2012, Lâm phát hiện cháu L.T.T.N (sinh năm 1996) đang bắt ốc dưới mương nước gần nơi Lâm làm việc nên Lâm đã nảy sinh ý định hiếp dâm. Sau đó Lâm đã dùng áo thun bịt miệng rồi khống chế cháu N vào trại trong đìa nuôi hải sản và giở trò đồi bại.
Sau khi thỏa mãn thú tính, Lâm dẫn cháu N đi tắm rửa rồi mặc lại quần áo. Lúc này, Lâm nghe cháu N van xin tha về và hứa không báo Công an, Lâm đã dùng sợi cước siết cổ, dùng chân đạp vào vùng cổ và ngực, dùng cục san hô đập vào đầu N, rồi bế N giấu vào cống thoát nước của đìa hải sản rồi đi ngủ.
Gần 1 tháng sau, các phần thi thể của N lần lượt được phát hiện và Công an vào cuộc điều tra. Ngay sau đó, Lâm bị bắt giữ.
Đầu tháng 12/2014, TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm, tuyên án tử hình đối với Trương Quế Lâm. Đến ngày 18/9/2015, TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm đã tuyên y án tử hình. Tại phiên tòa phúc thẩm, mẹ của Lâm ngồi lặng lẽ hàng ghế phía sau và len lén đưa tay gạt giọt nước lăn dài trên đôi mắt thẳm sâu, mờ đục.
Bị cáo Trương Quế Lâm phải trả giá cho hành vi của mình, nhưng còn đó mẹ già, vợ dại, con thơ và bia miệng của đời
Chồng gây tội ác, vợ của Lâm đã phải chịu biết bao ê chề và đã có lần định uống thuốc tự tử, song vì mẹ già, vì con dại chị vẫn tiếp tục phải sống, rồi bươn chải đi làm thuê kiếm tiền chăm lo cho cả gia đình.
Cha đi tù, bà nội già yếu, mẹ nặng gánh mưu sinh, đứa con lớn của Lâm cũng bỏ học, bỏ nhà theo người quen lên Đà Lạt kiếm sống. Kể từ ngày Lâm bị bắt, trong con mắt của hai đứa con Lâm, cha của chúng đã không còn trên đời.
Trong căn nhà vắng bóng người giờ đây chỉ còn người mẹ già gần 80 tuổi của Lâm, hàng ngày ngồi trước hiên nhà ngóng đứa cháu nhỏ đi học về. Mỗi khi có người nhắc đến đứa con trai “tội lỗi”, đôi mắt bà lại đỏ hoe.
“Việc làm ý nghĩa đầu tiên trong cuộc đời”
Ngày 26/7/2016, TAND TP Hà Nội đã đưa Nguyễn Văn Kỳ - kẻ gây ra cái chết cho hai cha con trong gia đình tại huyện Thạch Thất vào cuối năm 2015, ra xét xử và tuyên án tử hình về tội Giết người và Cướp tài sản.
Không người thân, không bạn bè, không nhà cửa, Kỳ là kẻ nghiện ma túy, nay đây mai đó, thi thoảng trở về trong chiếc lều được dựng tạm bợ ngoài cánh đồng để che nắng, che mưa.
Trước khi phạm tội lần này, Kỳ đã từng có tiền án về các tội liên quan đến ma túy, trộm cắp tài sản. Tháng 5/2015, Kỳ được ra tù và 7 tháng sau gã tiếp tục gây án.
Vụ án xảy ra vào khuya ngày 6/12/2015, Kỳ trèo tường vào nhà ông Nguyễn Lương Chuân (xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội) để trộm cắp thì bị anh Nguyễn Lương Chỉnh (con trai ông Chuân) phát hiện và tri hô.
Kỳ leo lên tường để bỏ trốn thì liên tiếp bị anh Chỉnh kéo xuống, Kỳ đã rút dao đâm hai cha con ông Chuân tử vong, vợ và con trai cả của ông Chuân bị thương nặng. Sau hai ngày tập trung điều tra, truy xét, Nguyễn Văn Kỳ bị bắt. Tại Cơ quan điều tra, Kỳ đã khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Khai tại phiên tòa xét xử, Kỳ nói: “Bị cáo đã nói với bị hại, tao chỉ là thằng trộm vặt, mày bỏ tao ra nếu không sẽ xảy ra án mạng, nhưng bị hại vẫn không buông bị cáo ra. Bị họ đánh đau khiến bị cáo khua dao lung tung”.
Có lẽ đến tận lúc này, khi mà không có bất kỳ người thân nào thừa nhận Kỳ mới thấm thía thế nào là nỗi cô đơn và tội lỗi bấy lâu của mình. Trước khi ra Tòa và trong giờ nghị án, Kỳ nói: “Những ngày trong trại giam, tôi đã vô cùng hối hận về hành vi của mình. Tôi mong được hiến xác cho y học nghiên cứu để chuộc lại lỗi lầm. Đó là việc làm ý nghĩa đầu tiên trong cuộc đời của tôi mà tôi có thể làm”.
Sự thật thì tôi cũng chẳng biết được rằng ý nguyện của gã có trở thành hiện thực hay không, nhưng có lẽ chúng ta vẫn ghi nhận một “chút lòng” của kẻ tử tội, nhưng giá như gã sớm biết thức tỉnh, giá như gã làm nhiều việc làm có ý nghĩa hơn và giá như gã nên hiểu rằng “ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống” thì có lẽ cuộc đời gã sẽ đẹp hơn rất nhiều.
Sau mỗi phiên tòa sẽ là một câu chuyện, chắc chắn là như vậy. Và có lẽ không ở đâu, con người ta có thể cảm nhận rõ ràng ranh giới thiện và ác, sự sống và cái chết như ở chốn công đường, có như vậy để ta thấy rằng, cuộc đời thật đẹp, ta nên trân trọng sự tự do, lòng hướng thiện cũng như từng giây phút sống.