Mỗi năm khi cận ngày ông Công ông Táo thì cũng là lúc người dân thôn Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, (Cẩm Khê, Phú Thọ) lại thấp thỏm vì cá chép đỏ.
Ăn ngủ cùng cá
Tháng Năm Âm lịch là mùa của những đàn cá chép sinh sôi, lúc này người dân làng Thủy Trầm bắt đầu những tháng ngày “ăn cùng cá”, hơn bảy tháng ròng lo toan, vất vả.
Những cá thể cá chép bố mẹ được chọn để nhân giống phải là cá thể “đặc chủng” của làng nghề, sau đó chúng được thả vào những chiếc bể có sục không khí đợi ngày sinh nở. “Sau khi thả cá xuống bể rồi, mình phải thả bèo xuống để trứng bám vào bèo, sau đó vớt bèo lấy trứng để vào nong đem hong. Phải đảm bảo cho trứng luôn luôn đủ độ ẩm, có nhiệt độ phù hợp thì trứng mấy nở được”, ông Bùi Văn Chữ, trưởng làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm chia sẻ.
Để có đảm bảo trứng ít hỏng người dân phải ăn ngủ cùng những nong trứng, ngày đem ra đêm mang vào, chốc chốc lại kiểm tra, lại vẩy nước. Chỉ cần sơ ý một chút là nong trứng đó hỏng hết, coi như vụ cá đó trắng tay.
Cá nở, chúng được thả xuống bể để tiện chăm sóc, đợi khoảng nửa tháng sau được chuyển xuống ao. Cá con ở bể cũng rất nhạy cảm, vừa khó chăm sóc lại dễ bị vi khuẩn nấm độc tấn công, có khi chểnh mảng một chút thì cả mẻ cá đó chết hết, muốn nhân giống lại từ đầu thì không được nữa vì cá đã qua vụ cá đẻ.
Cá chép đỏ là loại khó nuôi nên công tác chuẩn bị ao nuôi khá kì công, sau khi tát cạn, ao phải được phơi nắng ít nhất 2 ngày, sau đó cày bừa để tạo bùn, tạo tầng dinh dưỡng để sinh vật phù du phát triển tốt nhất.
“Cá chép đỏ là loại không thể nuôi xen kẽ với loại cá khác được, vì chúng sẽ bị cá khác ăn hết thức ăn. Nuôi cá này phải cần mẫn thức khuya dạy sớm, cho nó ăn, xem nó ăn, mới mong kiếm được bát cơm”, ông Chữ hóm hỉnh nói.
Người dân thu hoạch cá chép đỏ
Thấp thỏm vì cá
Tiếp chúng tôi trong căn nhà 2 tầng khang trang, anh Bùi Văn Dũng khu 2 thôn Thủy Trầm lo lắng cho biết: “Năm trước vào thời điểm này các thương lái đã đặt tiền hết rồi, chúng tôi yên tâm chỉ cần đến ngày là người ta về lấy hàng đi. Nhưng năm nay thấy ảm đạm quá, trong thôn ít nhà được thương lái đặt hàng lắm, có được 2 -3 nhà”.
Chính vì thế mà năm nay anh Dũng quyết định thu cá để chở đi các tỉnh xa bán dần, đến ngày 23 (ÂL) đỡ đi phần nào. “Chở cá chép đi bán này cũng phập phù lắm, nhiều năm chở đi các tỉnh khác bán không nổi, lỗ 2 – 3 triệu, chở về cũng chẳng ai mua”, anh Dũng chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Chữ, trưởng làng nghề, thời điểm này năm ngoái thương lái mua rất đông, từ ngày 22 trở đi có nhà đã không có cá bán. Trong thôn Thủy Trầm có 434 hộ nuôi cá chép đỏ, hộ nào nuôi ít nhất cũng phải 6 -7 tạ, nhiều nhất 1- 2 tấn cá.
Vì thế cứ trước ngày 21 tháng Chạp khoảng mười ngày bà con làng Thủy Trầm lại “đếm ngược”, ai ai cũng thấp thỏm ngóng thương lái vào thu mua.
Trong thôn Thủy Trầm, hầu như nhà nào cũng có từ 2 -3 xe máy có giá đèo hàng để chở cá đi các tỉnh bán. Những đôi chân trần ăn ngủ cùng cá lại phải lỉnh kỉnh đồ đoàn, chở những bao nilon cá đi khắp các tỉnh lân cận.
Người dân tất bật thu hoạch cá chép bán cho các tiểu thương
Ông Nguyễn Danh Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc xác nhận, tình hình năm nay có vẻ “buồn” hơn so với năm khác, đợi mãi mà không thấy bóng dáng tiểu thương đâu. “Bà con lo lắm, giờ người ta cúng ông Công, ông Táo không bằng cá chép thật nữa mà toàn bằng giấy, nên ít người mua lắm. Vả lại mô hình cá này nhiều nơi người ta cũng làm, nên thị trường bão hòa dần”, ông Phúc lo lắng.
Theo báo cáo số liệu làng nghề sản xuất cá chép Thủy Trầm của UBND xã Tuy Lộc, cả làng có 434 hộ tham gia nuôi cá chép đỏ, tạo công ăn việc làm cho 434 lao động thường xuyên và 158 lao động thời vụ. Với tổng diện tích ao nuôi là 25ha, năng xuất đạt 103ka/sào, tổng sản lượng đạt 720 tấn cá, và 138 tấn các lọai cá giống khác. Ngoài sản xuất cá giống người dân Thủy Trầm còn trồng rau sạch phục vụ thị trường hầu hết các tỉnh lân cận, sản lượng rau đạt hơn 10 tỷ đồng. |