Bức xúc nhân viên, chặt đứt cáp quang trạm BTS

Hồ Nguyễn Quân - TAQS Khu vực 1 Quân khu 4| 10/06/2016 13:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tới dự phiên toà ngày hôm đó ngoài bị cáo thì người thân duy nhất là bố của bị cáo. Người đàn ông ngoại lục tuần gầy gò với nước da đen nhưng cũng không che giấu được sự già nua của tuổi tác.

Ngồi dự thán, cặp mắt ông không lúc nào rời khỏi HĐXX và đứa con trai đang đứng trước vành móng ngựa. 

Sinh ra trong một gia đình nghèo có 6 anh chị em, bố mẹ quanh năm làm ruộng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà vẫn không đủ ăn, bản thân không có nghề nghiệp ổn định, mới cưới vợ lại đang có con nhỏ mới được bảy tháng rưỡi nhưng Trương Công Bát Rô (tên thường gọi là Trương Công Toán, sinh ngày 02/8/1985 trú tại: thôn Khánh Mỹ, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã thiếu sự rèn luyện, tu dưỡng bản thân, có hành vi vi phạm pháp luật, trực tiếp xâm hại tới hoạt động thông tin liên lạc, ảnh hưởng tới sự an toàn của công trình quan trọng về an ninh quốc gia được pháp luật bảo vệ. 

Bức xúc nhân viên, chặt đứt cáp quang trạm BTS

Ảnh minh họa

Năm 2009, Chi nhánh Viettel tỉnh Thừa Thiên Huế lắp đặt trạm BTS TTH284 nằm trên phần đất nhà ông Trương Công Bảo (ở thôn Khánh Mỹ, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế). Quá trình lắp đặt trạm có kéo hai dây cáp quang ADSS24 và một dây điện AC 2x10 chạy song song trên mái nhà của gia đình Trương Công Toán.

Qua quá trình sử dụng dây cáp quang và dây điện có chùng xuống sát với phần mái nhà của gia đình Toán nhưng chưa gây ảnh hưởng gì. Khoảng 15 giờ 30 phút ngày 19/02/2013, Trương Công Bát Rô trong quá trình sửa mái nhà cho gia đình, nhìn thấy hai dây cáp quang và dây điện chùng xuống sát với phần mái ngói, lại bức xúc việc nhân viên Viettel không di chuyển ba sợi dây trên đi chỗ khác nên Bát Rô đã leo xuống lấy cây dao mác  rồi leo lên mái nhà phụ bên trái nhà chính chặt đứt hai dây cáp quang và một dây điện của trạm BTS TTH284.

Hậu quả, làm trạm BTS TTH284 bị mất điện, mất tín hiệu, phải dừng hoạt động về dịch vụ 2G và 3G, dẫn đến trạm ngừng hoạt động trong thời gian 4 giờ 26 phút và gây mất 7 link truyền dẫn SDH và Metro, ảnh hưởng đến việc bảo đảm an ninh quốc phòng.

Tại phiên toà, bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình nguyên nhân là do bức xúc, thiếu kiềm chế việc nhân viên Chi nhánh Viettel Thừa Thiên Huế không di dời dây cáp quang đi chỗ khác nên đã có hành vi xâm phạm tới công trình quan trọng về an ninh quốc gia được pháp luật bảo vệ.

Khi được chủ toạ phiên toà hỏi: “Bị cáo nhận thức như thế nào về hành vi của mình?” Bị cáo cúi mặt xuống trả lời lí nhí: “Thưa toà, bị cáo biết hành vi của mình là sai, bị cáo xin chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật, mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ tội cho bị cáo để bị cáo sớm trở về với gia đình, xã hội”.

Qua các tài liệu, chứng cứ thu thập trong hồ sơ vụ án cũng như kết quả thẩm vấn công khai tại phiên toà, hội đồng xét xử nhận định: hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo là rất nghiêm trọng, gây gián đoạn về thông tin liên lạc, làm ảnh hưởng đến công trình quan trọng về an ninh quốc gia. Nguyên nhân phạm tội xuất phát từ ý thức coi thường pháp luật của bị cáo…nên đã áp dụng khoản 1 Điều 231; điểm b, p khoản 1 Điều 46; khoản 1, khoản 2 Điều 60 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Trương Công Bát Rô 3 năm tù cho hưởng án treo về tội: “phá huỷ công trình quan trọng về an ninh quốc gia”, thời gian thử thách 05 (năm) năm tính từ ngày tuyên án.

Thời gian qua, không ít công trình viễn thông liên quan đến an ninh quốc gia đã bị xâm phạm, trong đó có những trường hợp vi phạm do thiếu hiểu biết về tầm quan trọng của công trình và không có sự bảo vệ đúng mức đối với công trình.

Căn cứ vào văn bản số 7117/BQP-TM ngày 28/12/2009 của Bộ Quốc phòng quy định về danh mục Công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia thì hai dây cáp quang ADSS24 do Trương Công Bát Rô dùng dao mác chặt đứt là dây cáp quang trục chính cung cấp tín hiệu cho trạm BTS TTH 284, do đó là Công trình quan trọng liên quan tới an ninh quốc gia.

Vụ án khép lại với bản án nghiêm minh dành cho bị cáo cũng là lời cảnh tỉnh cho những đối tượng đang còn có ý định xâm phạm tới hoạt động thông tin liên lạc nói chung và hoạt động động thông tin liên lạc của quân đội nói riêng.

Khoản 1, Điều 231 Bộ luật hình sự quy định: “Người nào phá huỷ công trình hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin -  liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thuỷ lợi hoặc công trình quan trọng khác về an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học – kỹ thuật, văn hoá và xã hội, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 85 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm”.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bức xúc nhân viên, chặt đứt cáp quang trạm BTS