Bức tranh toàn cảnh về tham nhũng trên thế giới và 8 kinh nghiệm phòng, chống

Ngọc Quyên| 31/01/2014 09:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 3/12/2013, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã công bố xếp hạng thường niên về tham nhũng trên thế giới. TI là tổ chức phi chính phủ ra đời từ năm 1995, hiện đóng trụ sở tại CHLB Đức.

Hàng năm, TI đều tiến hành khảo sát “Chỉ số nhận thức tham nhũng trên thế giới” để đánh giá mức độ tham nhũng trong chính giới, lực lượng cảnh sát, cơ quan tư pháp, các dịch vụ dân sự vì hiện tượng này đang phá hoại sự phát triển và cuộc chiến chống nghèo đói trên toàn cầu… 

 

"Bức tranh tham nhũng" trên thế giới 

 

Chỉ số của TI dựa trên đánh giá của các chuyên gia làm việc tại các định chế tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Phi, Cơ quan Tình báo Kinh tế và nhiều tổ chức khác.

 

Theo báo cáo năm 2013, 177 quốc gia được TI xếp hạng theo thang điểm từ 0-100. Trong đó, điểm 0 thể hiện mức tham nhũng cao nhất và điểm 100 cho thấy quốc gia đó không có tham nhũng. Các nước càng nằm ở cuối xếp hạng càng có mức độ tham nhũng cao. Việt Nam đứng ở vị trí thứ 116/177 quốc gia với điểm số 31. 

 

Bức tranh toàn cảnh về tham nhũng trên thế giới và 8 kinh nghiệm phòng, chống

 

Lào được 26 điểm, xếp thứ 140 (tăng 5 điểm so với năm 2012). Campuchia được 20 điểm, giảm 2 điểm so với năm 2012, xếp ở vị trí 160. Thái Lan được 35 điểm, giảm 2 điểm, xếp thứ 102. Trung Quốc được 40 điểm, tăng 1 điểm, đứng ở vị trí 80, đồng hạng với Hy Lạp.

 

Những quốc gia bị cho là có nạn tham nhũng nghiêm trọng nhất bao gồm Afghanistan, Triều Tiên và Somalia, mỗi nước chỉ được vỏn vẹn 8 điểm. Tại Afghanistan, liên quân do Mỹ chỉ huy không chỉ quan tâm tới an ninh mà còn tìm cách thiết lập sự cai trị của luật pháp, song tỷ lệ người dân phải hối lộ giới chức vẫn nằm trong "top" đầu của thế giới. 

 

 Hai quốc gia có mức độ tham nhũng thấp nhất năm nay theo xếp hạng của TI là: Đan Mạch và New Zealand, cùng được 91 điểm.

 

Ông Huguette Labelle, Chủ tịch TI, nhận định, báo cáo năm 2013 “cho thấy tất cả các quốc gia vẫn đối mặt với mối đe dọa tham nhũng ở mọi cấp của chính phủ, từ hoạt động cấp phép ở địa phương cho tới thực thi luật và các quy định”.

 

Bức tranh toàn cảnh về tham nhũng trên thế giới và 8 kinh nghiệm phòng, chống

 

TI cho biết cuộc khảo sát gần đây nhất đã vẽ lên bức tranh đáng lo ngại về vấn nạn tham nhũng trên thế giới. Gần 70% trong số 177 nước nằm trong diện khảo sát "có vấn đề nghiêm trọng" liên quan tham nhũng, không nước nào đạt điểm tuyệt đối và hơn 50% đạt điểm trung bình về mức độ trong sạch. Ngay cả những quốc gia có độ minh bạch cao nhất cũng phải đối mặt với những thế lực có ảnh hưởng tới chính phủ thông qua các giao dịch sân sau, tài chính vận động, và giành giật các hợp đồng chính phủ. “Tham nhũng vẫn rất khó điều tra và đưa ra pháp luật” và sẽ cản trở những nỗ lực quốc tế về xóa đói giảm nghèo, chống biến đổi khí hậu và khủng hoảng kinh tế. Tổ chức này cũng kêu gọi các tổ chức quốc tế như nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất (G20) mạnh tay hơn trong “chống rửa tiền, đưa các doanh nghiệp trở nên minh bạch hơn, và tìm kiếm những tài sản bị đánh cắp”.

 

Kinh nghiệm toàn cầu

 

Qua phân tích thực tiễn hoạt động phòng, chống tham nhũng ở một số quốc gia trên thế giới, giới nghiên cứu đã chỉ ra nhiều kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng hiệu quả.

 

- Thứ nhất, trong đấu tranh chống tham nhũng phải đặc biệt coi trọng công tác phòng ngừa trên cơ sở kết hợp chặt chẽ với trừng trị nghiêm khắc những kẻ tham nhũng.

 

Ở Trung Quốc, trong công tác phòng, chống tham nhũng, Chính phủ luôn coi trọng việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, giáo dục chính trị tư tưởng và tác phong liêm chính trong toàn Đảng, bởi theo họ, “giáo dục đạo đức là hàng đầu, tu dưỡng bản thân là cơ bản”. 

 

- Thứ hai, cần chú trọng xây dựng, hoàn thiện các thể chế về phòng, chống tham nhũng, và tăng cường bộ máy nhà nước trên cơ sở kiềm chế, đối trọng về quyền lực.

 

Ở Mỹ và các nước Tây Âu việc chống tham nhũng được nhấn mạnh ở khâu thể chế, tức là việc tổ chức bộ máy nhà nước sao cho các nhánh quyền lực có thể kiểm tra, giám sát lẫn nhau và thiết lập sự kiểm soát từ phía xã hội. 

 

Bức tranh toàn cảnh về tham nhũng trên thế giới và 8 kinh nghiệm phòng, chống

 

- Thứ ba, thực hiện tốt nguyên tắc công khai, minh bạch.

 

Ở Australia, theo pháp luật nước này, Chính phủ có trách nhiệm phải công khai các quy trình, thủ tục, công khai rút thăm làm thủ tục hành chính thông qua máy, mọi người đều biết thứ tự của nhau và ngăn ngừa tham nhũng do chạy chỗ, coi trọng tính công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, mua sắm tài sản công. Trong khi đó, luật pháp của Anh, CHLB Đức, Thụy Điển quy định, tất cả các tài liệu của Chính phủ và các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương (trừ tài liệu thuộc bí mật quốc gia) đều phải được đăng tải công khai trên báo chí và trên mạng Internet, kể cả mức lương của Thủ tướng và các Bộ trưởng.

 

- Thứ tư, phải xây dựng những tổ chức chống tham nhũng đủ mạnh, độc lập trong điều tra và khách quan trong xử lý. Đồng thời, phát huy vai trò của các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan Thanh tra, Giám sát trong việc phát hiện và xử lý tham nhũng.

 

Kinh nghiệm này đã được áp dụng và mang lại những kết quả to lớn tại nhiều quốc gia như: Anh, Mỹ, CHLB Đức, Singapore, Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Hàn Quốc… 

 

- Thứ năm, thực hiện cơ chế giám sát dư luận xã hội và giám sát của công chúng có hiệu quả.

Ở Trung Quốc, đơn tố cáo, tố giác của nhân dân về tham nhũng là nguồn quan trọng nhất để từ đó phát hiện ra tội phạm. 

 

- Thứ sáu, phải xây dựng được một quyết tâm chống tham nhũng thật sự mạnh mẽ trong Đảng, Chính phủ và thu hút được đông đảo quần chúng tham gia.

 

Điển hình như ở Singapore, Chính phủ đã thể hiện một quyết tâm chính trị rõ ràng trong đấu tranh chống tham nhũng, kiên quyết xử lý những người vi phạm, bất kể họ ở cương vị nào, ngay cả đối với người thân cận hay đã từng có cống hiến cho đất nước. Chính nhờ quyết tâm mạnh mẽ chống tham nhũng này, mà nhiều năm nay, Singapore luôn là một trong những nước có tỷ lệ tham nhũng thấp nhất thế giới.

 

Bức tranh toàn cảnh về tham nhũng trên thế giới và 8 kinh nghiệm phòng, chống

 

Ít tham nhũng, nền kinh tế Singapore ngày càng phát triển ổn định

 

- Thứ bảy, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ công chức, nhất là vấn đề tiền lương.

 

Ở các nước phát triển như: Đan Mạch, Anh, Đức… sỡ dĩ ít có tình trạng tham nhũng là bởi mức thu nhập của công chức nhà nước rất cao, làm công chức nhà nước là niềm mơ ước, tự hào đối với mọi người. Bên cạnh đó, mức xử lý đối với tội tham nhũng lại rất nghiêm minh, vì vậy, công chức nhà nước không thể tham nhũng để chấp nhận rủi ro.

 

- Thứ tám, phải phát huy được vai trò và trách nhiệm của báo chí trong phòng, chống tham nhũng.

 

Đây là một kinh nghiệm hết sức quý báu mà các nước phát triển như Mỹ, Tây Âu và nhiều quốc gia ở châu Á đã áp dụng và mang lại những thành công to lớn. Ở Đan Mạch, báo chí có quyền lực rất lớn, giám sát cả ba nhánh quyền lực là lập pháp, hành pháp, tư pháp.

 

- 10 quốc gia ít tham nhũng nhất trên thế giới: Đan Mạch; New Zealand; Phần Lan; Thụy Điển; Na Uy; Singapore; Thụy Sĩ; Hà Lan; Úc; Canada. 

 

- 10 quốc gia tham nhũng nhất thế giới: Somalia; Bắc Triều Tiên; Afghanistan; Sudan; Nam Sudan ; Libya; Iraq; Uzbekistan; Turkmenistan; Syria.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bức tranh toàn cảnh về tham nhũng trên thế giới và 8 kinh nghiệm phòng, chống