Năm 2013, một năm đầy bươn trải đã qua, có thể nhận thấy sự cải thiện tích cực của nền kinh tế Việt Nam, nhất là những tháng cuối năm, kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhờ những chính sách hỗ trợ, điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Nhưng ở góc độ tổng thể, kinh tế Việt Nam vẫn trong giai đoạn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
Năm 2013, hé lộ những “điểm sáng”
Có thể khẳng định, năm 2013 đất nước vẫn tiếp tục phát triển, đời sống nhân dân vẫn được quan tâm, cho dù có khó khăn, có trì trệ; lạm phát tiếp tục được kiềm chế ở mức thấp. Kinh tế vĩ mô có xu hướng ổn định tái lập với mức độ tin cậy cao hơn và đang đi vào ổn định. Cán cân thương mại thâm hụt thấp. Cán cân tổng thể thặng dư lớn đã tạo điều kiện ổn định tỷ giá và thực hiện được một bước tiến quan trọng trong việc chống “đô la hóa” và “vàng hóa”. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 96,5 tỷ đôla Mỹ với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt 15,7%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế (5,14%).
Năm 2013 ghi nhận sự cải thiện tích cực của nền kinh tế
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tầm kiểm soát và nhiều khả năng đạt mức mong muốn. CPI tháng 9 năm 2013 tăng 4,63% và là mức tăng thấp nhất trong vòng 4 năm qua. An sinh xã hội, đặc biệt là đối với người nghèo được đảm bảo… Theo công bố gần đây của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam năm 2013-2014 đã tăng 5 bậc so với năm 2012, xếp thứ 70/148 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, có tiến bộ rõ rệt về xếp hạng môi trường kinh tế vĩ mô, cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng, cũng như về hiệu quả thị trường hàng hóa.
Nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi nhờ những chính sách hỗ trợ, điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và thực tế, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong những tháng gần đây liên tục tăng. Ðồng thời, số doanh nghiệp gặp khó khăn có xu hướng chững lại. Các doanh nghiệp không còn dựa quá nhiều vào lao động giá rẻ và tài nguyên có sẵn, mà đã coi trọng công nghệ, sáng tạo và thay đổi hệ thống quản trị. Trong 8 tháng đầu năm 2013, cả nước có hơn 52.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2012. Đó là tín hiệu đáng mừng dù các doanh nghiệp mới thành lập sẽ phải đối mặt ngay với những khó khăn và thách thức.
Tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức
Mặc dù đạt được nhiều kết quả, song kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng chậm trong ngắn đến trung hạn do những vấn đề mang tính cơ cấu của nền kinh tế chưa được giải quyết, dẫn đến sự tiếp diễn của tình trạng tỷ lệ nợ xấu cao, tồn kho lớn với lĩnh vực bất động sản; suy giảm niềm tin của nhà đầu tư. Nhìn từ thực trạng kinh tế Việt Nam năm 2013, các chuyên gia kinh tế nhận định, phía trước còn không ít khó khăn nhưng bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2014 sẽ tươi sáng hơn năm 2013. Để đạt được điều đó giải pháp là tiếp tục củng cố và tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô thông qua việc thực hiện các chính sách vĩ mô (đặc biệt là chính sách tiền tệ và tài khóa) một cách chặt chẽ và thận trọng. Bởi đây là điều kiện, là tiền đề cơ sở để tăng trưởng hợp lý cũng như khôi phục tăng trưởng, tạo ra những bước phát triển mới cho những năm tới. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng để giải quyết triệt để các yếu kém mang tính cơ cấu của nền kinh tế đã được tích tụ trọng một giai đoạn dài.
Cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc chúng ta cố gắng ổn định tỷ giá trong bối cảnh lạm phát và thắt chặt đầu tư công làm cho nhiều doanh nghiệp rơi vào trạng thái kinh doanh khó khăn, một số buộc phải đóng cửa hay phá sản, kể cả các doanh nghiệp không hoạt động đầu cơ tài sản. Nên chăng, Nhà nước, Chính phủ cần có chính sách linh hoạt trong xử lý nợ xấu. Nhà nước nên quan tâm khôi phục ngắn hạn theo cơ chế cũ hay ưu tiên cải cách thể chế, và đẩy mạnh tái cơ cấu?
Đồng quan điểm này, Tiến sỹ Trần Du Lịch nhận định, năm 2013 là năm thứ sáu và là giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài nhất, tính từ đầu thập niên 1990 đến nay. Hiện tại, kinh tế nước ta vẫn chưa thoát khỏi tình trạng trì trệ mà nguyên nhân sâu xa vẫn là từ nội tại nền kinh tế; xuất phát từ sự bất cập của cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng; sự nhận thức không đúng với "căn bệnh" của nền kinh tế; sự thực thi các giải pháp ngắn hạn nhằm đối phó với tình hình đã làm cho thị trường mất phương hướng.
Do vậy, năm 2014, việc điều hành kinh tế không nên đặt nặng mục tiêu phấn đấu tăng trưởng, mà vẫn là giữ ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế; xây dựng niềm tin thị trường.
Kim Ngân