Viêm não virus là bệnh nguy hiểm do nhiều loại virus gây ra, trong đó có 8 - 10% các trường hợp mắc là do virus viêm não Nhật Bản. Bệnh xuất hiện quanh năm và thường có xu hướng tăng cao vào các tháng mùa hè.
Theo Bản tin 115 ngày 10/6, đến đầu tháng 6, nguy cơ bùng phát dịch tại TP.HCM đang ở mức báo động. Ghi nhận tại bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh), các bác sĩ cho biết, từ tháng 01 - 5/2015, mỗi ngày bình quân có khoảng 5 bệnh nhi nằm điều trị viêm não, nhưng bắt đầu từ tháng 6 số lượng đã tăng đến 12 bệnh nhi mỗi ngày.
Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng trong trường hợp tỉ lệ mắc viêm não tăng cao. Điều đáng nói là số trẻ biến chứng nặng cũng đang tăng lên, tại bệnh viện Nhi đồng 1, 5/12 trẻ đang điều trị viêm não do virus phải thở bằng máy.
Vậy bệnh viêm não do virus là gì? Làm thế nào để nhận biết trẻ bị mắc bệnh này? Cách điều trị và phòng tránh ra sao? Bác sĩ của bạn sẽ giúp các bạn có những kiến thức cơ bạn về căn bệnh này.
Bệnh viêm não do virus có thể lây qua đường muỗi đốt (viêm não Nhật Bản)
Trong số các bệnh lý nhiễm khuẩn hệ thần kinh thì viêm não virus là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính gây hậu quả nghiêm trọng nhất.
Viêm não virus là bệnh nguy hiểm do nhiều loại virus gây ra, trong đó có 8 - 10% các trường hợp mắc là do virus viêm não Nhật Bản. Bệnh xuất hiện quanh năm và thường có xu hướng tăng cao vào các tháng mùa hè.
Các virus gây viêm não gồm quai bị, nhóm virus đường ruột (Enterovirus), thủy đậu, Herpes, Arbovirus gây viêm não Nhật Bản,... trong đó các virus thường gây viêm não ở trẻ em là viêm não Nhật Bản, Enterovirus, Herpes simplex. Tùy loại virus, bệnh có thể lây qua đường muỗi đốt (viêm não Nhật Bản, đường hô hấp (Herpes) hoặc đường tiêu hóa (Enterovirus).
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất là trẻ từ 2 - 8 tuổi. Giai đoạn khởi phát, trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục khó hạ, đau đầu hoặc ở trẻ còn bú có cơn khóc thét, buồn nôn, nôn không liên quan đến bữa ăn, có thể kèm theo đi ngoài phân lỏng, ho, chảy mũi. Ở giai đoạn này dễ nhầm với cảm cúm, viêm họng hoặc các sốt virus thông thường khác. Sau đó, trẻ nhanh chóng xuất hiện các triệu chứng thần kinh như rối loạn tri giác (ngủ gà, li bì), co giật, hôn mê, HC màng não, tăng trương lực cơ, dấu hiệu thần kinh khu trú, rối loạn hô hấp, sốc và tử vong.
Chọc dịch não tủy là cần thiết để xác định chẩn đoán. Bệnh nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể để lại di chứng và hậu quả nặng nề như hôn mê sâu, liệt, chậm phát triển tinh thần vận động.
Khi trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục khó hạ, nôn vọt, đau đầu, khóc thét, li bì, bỏ bú, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Để phòng bệnh, cần chú ý giữ vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại, diệt muỗi, diệt bọ gậy, nằm màn tránh muỗi đốt. Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện ăn chín uống sôi. Tiêm phòng đầy đủ đúng lịch các vaccine viêm não Nhật Bản, sởi, bại liệt, quai bị, thủy đậu.