Chính trường Anh những ngày qua liên tiếp chứng kiến những thất bại nặng nề của Chính phủ Thủ tướng Boris Johnson tại Hạ viện Anh khi tất cả các đề xuất của Chính phủ đều bị Hạ viện bác lại. Tuy nhiên, Thủ tướng vẫn tỏ ra rất tự tin về tiến trình Brexit.
Thủ tướng Anh tự tin về Brexit
Thủ tướng Boris Johnson cho biết hôm thứ Bảy, ông đang thực hiện một "tiến bộ khổng lồ" đối với thỏa thuận Brexit với EU, trong một cuộc phỏng vấn trong đó ông so sánh Anh với “Người khổng lồ xanh phi thường”.
Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng ông tự tin có thể có được một thỏa thuận Brexit mới
"Sẽ có rất nhiều việc cần phải làm từ bây giờ cho đến 17 tháng 10" khi các nhà lãnh đạo EU tập trung cho Hội nghị thượng đỉnh cuối cùng trước khi Anh rời khỏi khối, ông nói với tờ Mail on Sunday. "Nhưng tôi sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh này và sẽ có được một thỏa thuận, tôi rất tự tin. Và nếu chúng tôi không có được một thỏa thuận, chúng tôi vẫn sẽ ra vào ngày 31 tháng 10." Bình luận của ông được đưa ra trước thềm cuộc hội đàm với người đứng đầu Ủy ban châu Âu (EU) Jean-Claude Juncker và nhà đàm phán Brexit của EU, Michel Barnier, tại Luxembourg sẽ diễn ra vào ngày mai (16/9).
Trong một sự so sánh kỳ lạ, Johnson đã miêu tả Anh giống như nhân vật truyện tranh Hulk. "Hulk điên cuồng hơn, Hulk mạnh mẽ hơn và anh ta luôn trốn thoát, bất kể anh ta có vẻ bị ràng buộc chặt chẽ như thế nào - và đó là trường hợp của đất nước này," ông nói. "Chúng tôi sẽ ra vào ngày 31 tháng 10 và chúng tôi sẽ hoàn thành nó, tin tôi đi."
Cũng trong cuộc phỏng vấn, Thủ tướng Anh đã đề cập tới điều khoản “chốt chặn”, được coi là trở ngại chính để EU và Anh có thể đạt được thỏa thuận Brexit. Điều khoản này nhằm đảm bảo không có sự kiểm soát hành chính hay hải quan nào tại biên giới giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và nước thành viên EU là Cộng hòa Ireland thời hậu Brexit. Ông Johnson cho biết "một cuộc đối thoại rất, rất tốt đẹp" đang diễn ra nhằm thảo luận cách thức giải quyết vấn đề biên giới Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.
Cơ chế "chốt chặn" nhằm duy trì đường biên giới Bắc Ireland mở trong mọi hoàn cảnh hậu Brexit là yếu tố gây tranh cãi nhất của trong thỏa thuận Brexit và EU. Những người mang quan điểm bài châu Âu lo ngại vì điều khoản này, Anh sẽ luôn mắc kẹt trong khu vực thương mại của khối. Nhà lãnh đạo Anh Johnson đang tìm cách sửa đổi điều khoản này trong thỏa thuận mà EU và người tiền nhiệm của ông, bà Theresa May nhất trí hồi tháng 11/2018.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị khu vực miền Bắc ở thành phố Rotherham, vùng York ngày 13/9, Thủ tướng Johnson cho biết ông “lạc quan một cách thận trọng” về các cuộc gặp sắp tới.
Cuộc đối đầu chưa có hồi kết
Cựu thủ tướng Anh David Cameron hôm chủ nhật xuất bản cuốn hồi ký trong đó có những đoạn ông tấn công dồn dập vào nhà lãnh đạo hiện tại của Vương quốc Anh, Thủ tướng Boris Johnson. Ông cáo buộc Thủ tướng ủng hộ Brexit với mục đích để tiếp tục sự nghiệp của mình. Ông nói, Johnson - người nhậm chức vào tháng 7 vừa qua - tin rằng việc vận động Anh rời khỏi Liên minh châu Âu trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 sẽ biến ông thành "con cưng" của đảng Bảo thủ.
David Cameron hầu như không để mắt đến công chúng kể từ khi từ chức sau cuộc bỏ phiếu Brexit lịch sử
Trong các trích đoạn cuốn hồi ký được đăng trên tờ Thời báo Chủ nhật, Cameron viết rằng Johnson và một trong những bộ trưởng hàng đầu của ông là Michael Gove - một người bạn thân trước đây của Cameron - "trở thành đại sứ cho thời đại chuyên gia phá hoại, vặn vẹo chủ nghĩa dân túy" trong chiến dịch này.
Cameron, 52 tuổi, gần như im tiếng đối với công chúng kể từ khi từ chức sau cuộc bỏ phiếu Brexit lịch sử, nhưng việc xuất bản cuốn hồi ký của ông lại rơi đúng vào thời điểm nước Anh sa lầy trong hỗn loạn chính trị trước khi Brexit diễn ra theo lịch trình vào ngày 31 tháng 10.
David Cameron hầu như không xuất hiện trước công chúng kể từ khi bước xuống sau cuộc bỏ phiếu Brexit lịch sử.
Trong khi đó, chính trường Anh những ngày qua liên tiếp chứng kiến những thất bại nặng nề của Chính phủ Thủ tướng Boris Johnson tại Hạ viện Anh khi tất cả các đề xuất của Chính phủ đều bị Hạ viện bác lại. Trong một tuần, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson thất bại trong sáu lần bỏ phiếu tại Hạ viện, mất thế đa số tại Quốc hội, mất một nhóm nghị sỹ và hai bộ trưởng thuộc đảng Bảo thủ. Thậm chí, nhóm 21 nghị sỹ Bảo thủ đã cùng phe liên minh các đảng bỏ phiếu ủng hộ dự luật nhằm ngăn chặn Thủ tướng Johnson thực hiện Brexit không thỏa thuận.
Các nghị sỹ đã thông qua luật ngăn chặn Thủ tướng Johnson đưa nước Anh ra khỏi EU không thỏa thuận vào ngày 31/10, bác lại 2 lần đề xuất kêu gọi tổng tuyển cử sớm vào ngày 15/10 của Thủ tướng Johnson. Thay vào đó, các nghị sỹ muốn ông Johnson tập trung vào thỏa thuận Brexit mới với EU và nếu như ông không đạt được thỏa thuận với EU vào ngày 17/10, thì Thủ tướng Johnson sẽ phải thực thi theo luật mới được Quốc hội thông qua là viết thư đề xuất EU gia hạn lùi ngày nước Anh rời EU tới ngày 31/1/2020.
Các nhà hoạt động chống Brexit vẫy cờ EU trong cuộc biểu tình bên ngoài Tòa nhà Quốc hội
Hiện, ông Johnson đang thúc đẩy cam kết Brexit diễn ra đúng thời hạn ngày 31/10 tới bất kể có hay không có thỏa thuận, tuy nhiên những nỗ lực của ông đang gặp nhiều trở ngại khi không nhận được sự đồng thuận của Quốc hội Anh. Đề xuất tổ chức bầu cử sớm trước hạn chót Brexit cũng bị Quốc hội bác bỏ trong cả 2 cuộc bỏ phiếu gần đây.
Mới đây nhất, ông Johnson lại vấp thêm một trở ngại pháp lý khác khi Tòa án Scotland tuyên bố quyết định của chính phủ đình chỉ lịch làm việc của Quốc hội Anh tới ngày 14/10 là vi phạm luật pháp. Ông Johnson trước đó quyết định đình chỉ lịch làm việc của Quốc hội nhằm ngăn chặn các nghị sỹ "nhúng tay" cản trở quyết tâm "Brexit cứng" vào ngày 31/10 - thời hạn chót Brexit theo thỏa thuận giữa Anh và EU. Dù London khẳng định sẽ khiếu nại phán quyết này lên tòa án tối cao, nhưng diễn biến mới khiến các phe kêu gọi lập tức triệu tập quốc hội trở lại làm việc.
Johnson đang tuyệt vọng tìm kiếm một thỏa thuận ly hôn từ Brussels nhưng khẳng định nước Anh vẫn sẽ ra đi mà không cần ai - ngay cả sau khi quốc hội chặn lối ra "không thỏa thuận".