Làm hồ sơ chất độc da cam rồi được hưởng chế độ gần 8 năm trời nhưng “bỗng nhiên” nhà chức trách thông báo cắt với lý do là không có hồ sơ và kế toán nhầm lẫn.
Theo tường trình của bà Nguyễn Thị Tiến (SN 1950, trú tại thôn 5, xã Hoằng Minh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho biết, tháng 12/1970 bà tham gia nhập ngũ tại đơn vị C13, D77, E6, Sư 473 thuộc Binh chủng công binh Đoàn 559, tham gia tại chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế), đến tháng 2/1976, bà phục viên trở về quê hương sinh sống.
Cho đến năm 2007, nghe thông tin được biết nhà nước có chính sách chế độ cho người bị ảnh hưởng chất độc da cam, nên bà đã làm hồ sơ để được công nhận. Đến tháng 10/2008 bà chính thức được nhận chế độ da cam (mỗi tháng vài trăm nghìn).
Bất ngờ, sau gần 8 năm được hưởng, đến tháng 5/2015 bà nhận được thông báo bị cắt chế độ do không có hồ sơ lưu trữ tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Thanh Hóa.
Bà Nguyễn Thị Tiến (phải) bất ngờ khi bị cắt chế độ chất độc da cam sau 8 năm được lĩnh
Bà Tiến cho biết: "Sau khi có quyết định cắt chế độ của tôi thì họ (ý nói Sở LĐTB&XH – PV) bảo rằng phải tìm được lại hồ sơ gốc mới tiến hành chi trả theo quy định. Tuy nhiên tôi có nói, hồ sơ gốc tôi nộp hết cho các anh, giờ bị mất tôi biết tìm đâu ra. Họ còn nói, trên Sở giờ không có hồ sơ của tôi nên dừng việc chi trả. Nếu tôi không có hồ sơ sao họ vẫn chi trả chế độ cho tôi gần 8 năm liền".
Khi đến Phòng LĐTB&XH huyện Hoằng Hóa hỏi thì nhận được câu trả lời, họ cấp nhầm do tại địa phương cũng có một người tên Nguyễn Thị Tiến (SN 1944, trú tại thôn 6, xã Hoằng Minh).
"Về việc này tôi không đồng ý, bởi lẽ tôi sinh năm 1950, còn bà Tiến kia sinh năm 1944 và chúng tôi ở 2 thôn khác nhau. Như vậy thì khó có thể cấp nhầm người được, dù cho có cùng họ tên", bà Tiến cho biết thêm.
Trao đổi về sự việc, ông Vũ Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Hoằng Minh cho biết: "Chúng tôi cũng đã nhận được đơn thư kiến nghị của bà Nguyễn Thị Tiến (SN 1950, trú tại thôn 5). Trước đây, bà cũng tham gia kháng chiến chống Mỹ nhiều năm liền, khi trở về địa phương cũng thường xuyên đau ốm, vừa qua cậu con trai duy nhất cũng mới qua đời, hoàn cảnh rất tội. Việc tự nhiên bà bị dừng cấp chế độ da cam thì chúng tôi cũng chỉ biết là không có hồ sơ trên Sở nên dừng chi trả. Sắp tới chúng tôi sẽ mời bà Tiến lên để họp bàn tìm cách giải quyết".
Huân chương Chiến sỹ giải phóng bà Tiến (SN 1950) được Nhà nước trao tặng vào năm 1975
Ông Nguyễn Hùng Thao - Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Hoằng Hóa thông tin: "Vào năm 2015, phòng phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tỉnh tiến hành rà soát các đối tượng được hưởng trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc trên địa bàn thì phát hiện có 2 trường hợp cùng tên được hưởng chế độ như nhau. Trong khi đó chỉ có một người có hồ sơ gốc và được lưu ở Sở LĐ-TB&XH nên sau đó chúng tôi đã đề xuất cắt chế độ chất độc da cam mà bà Nguyễn Thị Tiến (SN 1950) đang được hưởng do không có hồ sơ gốc".
Trả lời nguyên nhân vì sao không có hồ sơ mà bà Tiến (SN 1950) vẫn được chi tra chế độ trong vòng gần 8 năm, ông Thao nói: “Thời điểm đó có thể là do 2 người trùng tên nên anh Lê Văn Kỳ (kế toán đã nghỉ hưu) đã lập dự toán 2 lần xét duyệt. Tiến tới, nếu bà Tiến không xuất trình được hồ sơ gốc sẽ đề nghị truy thu lại số tiền bà đã hưởng từ năm 2008 đến nay".
Ông Dương Văn Huệ - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Chúng tôi đã tiếp nhận đơn thư và có đối thoại với bà Tiến, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn đang chờ Phòng LĐTB&XH huyện Hoằng Hóa xác minh và báo cáo cụ thể để có hướng xử lý.
Có thể là do ở dưới lập dự toán đưa lên và Sở không kiểm soát kỹ các hồ sơ, sau đó căn cứ trên hệ thống, tiến hành chi trả. Lỗi này do Phòng LĐ-TB&XH huyện Hoằng Hóa chứ không phải do Sở.
Những căn cứ để cấp chế độ chất độc da cam như: Chứng nhận bị bệnh do cơ Sở Y tế cấp, trường hợp vô sinh do nhiễm chất độc da cam, chứng nhận của hội đồng chính sách xã và đặc biệt là chứng cứ chiến trường (các loại huân, huy chương được tặng). Để từ đó căn cứ vào tình trạng bệnh và đã tham gia kháng chiến trong vùng có bị nhiễm chất độc da cam không".
Huân chương Chiến sỹ giải phóng có cùng số hiệu, ngày tháng của bà Tiến (SN 1950) lại có trong hồ sơ của bà Tiến (SN 1944)
Tuy nhiên, trong khi tìm hiểu và thu thập các hồ sơ tài liệu liên quan, có một điều khó hiểu, trong hồ sơ lưu tại Phòng LĐTB&XH huyện Hoằng Hóa của bà Nguyễn Thị Tiến (SN 1944) có kèm theo một Huân chương Chiến sỹ giải phóng hạng 3 (bản phô tô công chứng) mang tên Nguyễn Thị Tiến (không có năm sinh), địa chỉ ở xã Hoằng Minh, huyện Hoằng Hóa, được tặng ngày 2/12/1975, lại trùng y nguyên bản gốc (từ số hiệu, ngày tháng) mà bà Tiến (SN 1950) đang treo ở nhà.
Trong khi đó, bà Tiến (SN 1944) khẳng định: "Do không phải là bộ đội và chỉ tham gia dân công hỏa tuyến nên không có Huân chương Chiến sỹ giải phóng mà chỉ có giấy chứng nhận Huy hiệu chiến sĩ Trường Sơn do Bộ Quốc phòng tặng".
Như vậy có thể hiểu rằng, hồ sơ của người này đã được “đánh tráo” sang cho người kia và liệu hồ sơ của bà Tiến (SN 1950) có bị đánh mất hoặc tráo đổi? Sự việc này cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần nhanh chóng vào cuộc nhằm đảm bảo quyền lợi cho người có công cũng như ổn định cuộc sống của họ.