Sáng 12/8, TAND tỉnh Khánh Hòa đã mở lại phiên tòa sơ thẩm (lần 2) đưa vụ ăn chặn kỳ nam của phu trầm ra xét xử đối với bị cáo bị cáo Nguyễn Thành Trung (nguyên Trưởng Công an huyện Khánh Sơn) về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Ba đồng sự của Trung và một tài xế bị xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gồm Nguyễn Hồng Hà (SN 1967, HKTT: TDP Hạp Phú, TT Tô Hạp, Khánh Sơn, chỗ ở 17B TDP Lợi Hiệp, phường Cam Lợi, Cam Ranh), Vũ Anh Trung (SN 1978, trú TDP Hạp Cường, TT Tô Hạp, Khánh Sơn), Trần Lệ Kiên (SN 1984, trú TDP Hạp Phú, TT Tô Hạp, Khánh Sơn), Luân Văn Nam (SN 1985, trú thôn Dốc Gạo, TT Tô Hạp, Khánh Sơn). Lần này, Tòa triệu tập thêm các ông Nguyễn Thành Phấn (Chánh án TAND huyện Khánh Sơn), Nguyễn Văn Phương (Viện trưởng VKSND huyện Khánh Sơn) và 2 Phó trưởng Công an huyện này trong số 44 người làm chứng nhưng chỉ có 8 nhân chứng có mặt.
Bị cáo Trung, Hà, Nam, Kiên và Anh Trung trước vành móng ngựa.
Trước đó, ngày 20/6/2014 TAND huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thành Trung 10 năm tù về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, Nguyễn Hồng Hà (Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông) và Vũ Anh Trung (Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế - môi trường) mỗi bị cáo 5 năm 6 tháng tù, Trần Lệ Kiên (Phó đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án hình sự - hỗ trợ tư pháp, thuộc Công an huyện Khánh Sơn) 5 năm tù, Luân Văn Nam 3 năm tù cùng về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Sau đó, Tòa phúc thẩm TAND tỉnh Khánh Hòa đã quyết định hủy bản án sơ thẩm của TAND huyện Khánh Sơn trả hồ sơ cho Viện này để điều tra bổ sung. Do bị cáo Trung kêu oan và lời khai của người làm chứng Phan Hồng Ngọc khẳng đình thời điểm từ 19h đến 22h ngày 27/9/2012 Thành Trung có mặt tại nhà hàng “Quê Hương” TP Cam Ranh cùng ngồi nhậu có các ông Nguyễn Thành Phấn (Chánh án TAND huyện Khánh Sơn), Nguyễn Văn Phương (Viện trưởng VKSND huyện Khánh Sơn) nên TAND tỉnh Khánh Hòa đã rút vụ án lên để xét xử.
Hồ sơ vụ án thể hiện, đầu tháng 9.2012, từ một nguồn tin của những phu trầm ở Quảng Nam rằng họ vừa trúng đậm kỳ nam tại rừng Gộp Ngà, thôn Ma O, xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, lập tức hàng ngàn người đổ về đây để tìm vận may. Trước tình trạng quá lộn xộn, gây mất an ninh trật tự tại vùng cao này, UBND huyện Khánh Sơn thành lập Đội liên ngành gồm nhiều cơ quan chức năng trong huyện do Công an huyện Khánh Sơn làm thường trực.
Nhiệm vụ của Đội liên ngành là ngăn chặn dòng người đổ về Khánh Sơn, giải thích cho phu trầm hiểu rõ về các quy định của chính quyền chứ không phải tịch thu trầm của họ. Thế nhưng, một số thành viên của đội này đã “làm khác” với tinh thần chung nói trên. Để cho giới tìm trầm “an tâm” đào bới, một số thành viên là công an thuộc Đội liên ngành, đã bật đèn xanh với cam kết bằng miệng: “Nếu đào được trầm sẽ ăn chia theo tỷ lệ 50/50”. Thấy phương án này có thể “chịu được”, các phu trầm đã đồng ý.
Ngày 29/9/2012, hay tin có một nhóm người đào được 1,5 kg trầm, lập tức Đội liên ngành có mặt. Các sĩ quan công an - thành viên trong đội đã thu toàn bộ số trầm trên với lời hứa, sau khi bán được sẽ “cưa đôi” số tiền. Tuy nhiên, nhiều ngày sau đó, các phu trầm đợi mãi tiền bán trầm như thỏa thuận mà vẫn không thấy đâu. Họ làm đơn tố cáo 3 sĩ quan công an trong Đội liên ngành, gồm Vũ Anh Trung; Nguyễn Hồng Hà và Trần Lệ Kiên. Sau thời gian điều tra, ngày 4/4/2013, Công an tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 sĩ quan công an nói trên, đồng thời mở rộng điều tra đến những người liên quan, trong đó có ông Thành Trung và Nam.
Tại phiên tòa, sau khi vị đại diện Viện kiểm sát công bố cáo trạng, Tòa cho thẩm vấn bị cáo Thành Trung trước, 4 bị cáo còn lại tòa cho cách ly. Trung vẫn một mực cho rằng mình bị truy tố oan, bị bức cung, không liên quan gì đến vụ “ăn chặn” kỳ nam của các phu trầm. Theo bị cáo Trung thì mình có “chứng cứ” ngoại phạm: “Hôm đó (ngày 27/9/2012) từ 18h đến 22h bị cáo ngồi nhậu với các ông Phấn, Phương, Dũng, Tuấn, Ngọc, Thanh ở nhà hàng Quê Hương” Trung khai.
Tòa hỏi ai mời bị cáo đi nhậu và ai trả tiền thì Trung khai ông Thanh gọi điện thoại mời mình đi nhậu và ông Phương trả tiền, ông này rút ra 3 tờ giấy bạc loại 500.000 đồng đưa cho chủ quán.
Tòa truy, ông Phương trả tiền sao trong sổ của nhà hàng lại ghi tên của bị cáo thì Trung bảo vì mình là khách quen của quán nên họ ghi để lần sau có đến thì họ khuyến mãi. Lúc này, Tòa công bố lời khai của chủ quán xác định chính Trung là người trả tiền.
Tòa tiếp tục công bố lời khai của nhân chứng Hoàng Xuân Vương (bảo kê bãi trầm): “Khoảng 16h chiều ngày 30/9/2012 tại quán cà phê Điểm Hẹn thị trấn Tô Hạp, Thành Trung gọi cho Nam, Vương đến để hỏi về đoạn trầm kỳ mà nhóm Nam đã cất giữ và yêu cầu giao cho Trung mang đi bán. Vương gọi điện thoại cho Luân mang đoạn trầm kỳ đến giao cho Thành Trung, đồng thời Nam báo lại cho Hà biết sự việc.
Thành Trung đã thông qua Phạm Thanh Túc, Phạm Thanh Tùng để trực tiếp mang đi bán cho Bùi Khắc Dũng tại quán Đại Long ở Cầu Ba TP Cam Ranh với giá 350 triệu đồng. Bán xong đoạn trầm kỳ trên Thành Trung nói với nhóm Nam, Luân, Vương đến nhà Túc ở thôn Tân Lập, Cam Phước Tây, Cam Lâm để lấy tiền. Nhóm Luân, Nam, Vương sau khi lấy tiền xong đã giao lại toàn bộ số tiền 350 triệu cho Hà tại quán cà phê Ngọc Lan thị trấn Tô Hạp. Hà chia trước cho nhóm của Luân, Nam, Vương 20 triệu đồng tiêu xài, còn 330 triệu đồng Hà giữ lại đợi tình hình ổn định sẽ chia sau”.
Vương cho biết lý do mình khai trước đây khác là do "anh Trung là Trưởng Công an huyện có mối quan hệ tốt với tôi, tôi không khai ra anh Trung để anh thoát tội". Trung cũng cho rằng lời khai của Vương không trung thực và đề nghị Công an Khánh Hòa khởi tố Hoàng Xuân Vương về tội khai báo gian dối, cũng theo Trung thì do áp lực Vương mới khai lại.
Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong 2 ngày 12-13/8.