Bộ Tư pháp và Chương trình đối tác tư pháp (JPP) vừa tổ chức Hội thảo Định hướng trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Theo báo cáo của Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp sau hơn 5 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cơ quan nhà nước các cấp đã giải quyết xong 228 vụ việc với tổng số tiền bồi thường hơn 65,4 tỉ đồng.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tư pháp nhận xét, số liệu trên chưa phản ánh đúng thực chất tình hình cán bộ, công chức có hành vi trái pháp luật trong khi thi hành công vụ. gây oan sai và Nhà nước phải đứng ra bồi thường và việc bồi thường còn quá chậm do nhiều quy định khó thực hiện.
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện quy định cơ quan có trách nhiệm bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây ra thiệt hại, có thể phát sinh phân tán ở cơ quan nhà nước cả bốn cấp: trung ương, tỉnh, huyện và xã. Quy định này được ví như việc “vừa đá bóng vừa thổi còi” làm công dân kể cả người không bị oan sai cũng thấy không hài lòng.
PGS. TS Hoàng Thế Liên (nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp) nhận xét, chính quy định này là nguyên nhân làm nảy sinh rất nhiều vấn đề rối rắm trong công tác bồi thường nhà nước. Trong công tác này, giữa người dân - Nhà nước phải bình đẳng. Vì vậy TS Liên khẳng định, nếu để cơ quan có hành vi sai trái thương lượng với người bị thiệt hại là bất cập. Phải có cơ quan nằm ngoài cơ quan đó thỏa thuận và chi trả tiền bồi thường cho dân. Dù là Tòa án, Viện kiểm sát, Thi hành án hay cơ quan hành chính thi hành thì việc bồi thường đều nhân danh Nhà nước. Các chuyên gia cũng cho rằng quy định hiện nay, dân phải chờ xem ai chịu trách nhiệm bồi thường rồi mới đi kiện là không ổn. Về nguồn kinh phí, thật có lý khi ĐBQH cho rằng, mỗi năm Nhà nước xử phạt hành chính rất nhiều, riêng phạt vi phạm giao thông mỗi năm thu 3.000 tỉ đồng. Vậy không có lý do gì dân sai thì phạt dân, Nhà nước sai lại cứ viện cớ không có tiền để trả dân.
Được biết, để khắc phục vướng mắc nêu trên, Bộ Tư pháp đề xuất việc sửa luật tới đây đã có quy định chuyển mô hình cơ quan giải quyết bồi thường từ phân tán như hiện nay sang mô hình một cơ quan chuyên trách giải quyết bồi thường. Cơ quan này sẽ tổ chức theo hai cấp gồm cơ quan ở trung ương thực hiện chức năng quản lý và giải quyết bồi thường trong một số trường hợp phức tạp, cơ quan khu vực thực hiện chức năng bồi thường trong phạm vi khu vực mình được giao
Luật hiện hành quy định kinh phí bồi thường nhà nước tập trung ở hai cấp ngân sách là trung ương (Bộ Tài chính) và địa phương (Sở Tài chính) mà không được cấp tiền theo dự toán của cơ quan phải bồi thường. Khi có vụ việc phải bồi thường thì hồ sơ yêu cầu cấp kinh phí mới được chuyển qua một loạt bộ phận tài chính cấp cục, cấp tỉnh, cấp bộ... nên rất nhiêu khê. Đến nay có rất ít vụ việc được thực hiện đúng quy định của pháp luật về thời hạn thẩm định, cấp kinh phí chi trả tiền bồi thường. Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn nhận được 7,2 tỷ bồi thường thực sự là cố gắng của nhiều cơ quan liên quan
Hóa ra vì theo quy định thời hạn cấp phát kinh phí là rất ngắn, kinh phí bồi thường khi được cơ quan tài chính có thẩm quyền chấp thuận thì lại không được tiến hành chi trả ngay cho người được bồi thường thiệt hại mà được trả về cơ quan có trách nhiệm bồi thường, sau đó cơ quan này mới trả cho dân. Từ vướng mắc nêu trên, Bộ Tư pháp đề xuất thành lập Quỹ bồi thường nhà nước từ việc trích một phần tiền xử lý vi phạm hành chính, thu tiền hoàn trả của người thi hành công vụ và từ nguồn ngân sách nhà nước.
Hy vọng với những sửa đổi, bổ sung đó hoạt động bồi thường Nhà nước, một biểu hiện tích cực của Nhà nước pháp quyền XHCN, sẽ dễ thực hiện hơn, dễ đi vào cuộc sống hơn.