Bộ Tài chính cho biết đến hết tháng 10/2017, bội chi ngân sách trung ương khoảng 69,6% dự toán năm; ngân sách địa phương chênh lệch thu lớn hơn chi.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy thực hiện thu cân đối ngân sách nhà nước tháng 10 ước đạt 126 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 10 tháng đạt 972,6 nghìn tỷ đồng, bằng 80,2% dự toán năm, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó thu nội địa thực hiện tháng 10 ước đạt 109 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 47 nghìn tỷ đồng so với tháng 9, chủ yếu do đến hạn doanh nghiệp kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền cổ tức từ các công ty cổ phần do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ phát sinh trong quý III/2017 theo chế độ quy định. Đồng thời, cơ quan thuế tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý thu thuế nợ đọng.
Lũy kế thu 10 tháng đạt 776,8 nghìn tỷ đồng, bằng 78,4% dự toán năm, tăng 12,7% so cùng kỳ năm 2016, trong đó số thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh , ước đạt 605,7 nghìn tỷ đồng, bằng 77,4% dự toán năm, tăng 10,1% so cùng kỳ năm 2016.
Thu NSNN 10 tháng đạt 972,6 nghìn tỷ đồng, bằng 80,2% dự toán năm.
Tiến độ thu ngân sách của các địa phương cơ bản đạt khá so dự toán và cùng kỳ năm trước. Ước tính có 47/63 địa phương thu đạt trên 81% dự toán năm và 58/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2016, 5 địa phương thu thấp hơn so cùng kỳ chủ yếu do nguyên nhân khách quan.
Thu ngân sách từ dầu thô tháng 10 ước đạt 4,09 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 10 tháng thu đạt 37,86 nghìn tỷ đồng, bằng 98,8% dự toán năm, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2016, trên cơ sở sản lượng dầu thanh toán đạt 11,26 triệu tấn, bằng 91,8% kế hoạch, giá dầu thanh toán bình quân đạt 53,9 USD/thùng, cao hơn 3,9 USD/thùng so với giá tính dự toán năm.
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu thực hiện tháng 10 ước đạt 23 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 10 tháng đạt 237 nghìn tỷ đồng, bằng 83,2% dự toán năm, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016, chủ yếu nhờ hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu 10 tháng ước đạt 346,2 tỷ USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng có đóng góp số thu lớn cho NSNN tăng mạnh. Sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 81,6 nghìn tỷ đồng, thu cân đối NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 155,3 nghìn tỷ đồng, bằng 86,3% dự toán năm, tăng 20,9% so cùng kỳ năm 2016.
Bộ Tài chính cho biết tổng chi NSNN tháng 10 ước 108,6 nghìn tỷ đồng, luỹ kế chi 10 tháng đạt 1.013,2 nghìn tỷ đồng, bằng 72,9% dự toán năm, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó chi đầu tư phát triển thực hiện tháng 10 ước 25,3 nghìn tỷ đồng, lũy kế chi 10 tháng đạt 191,9 nghìn tỷ đồng, bằng 53,7% dự toán năm, tăng 8,2% cùng kỳ năm 2016. Riêng giải ngân vốn đầu tư XDCB 10 tháng đạt 53,3% dự toán năm, trong đó vốn đầu tư từ nguồn NSNN đạt 61,1% dự toán năm (9 tháng 2017 đạt 53,1% dự toán năm; cùng kỳ 10 tháng năm 2016 đạt 61,4% dự toán năm); vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch giải ngân chỉ đạt 4,2 nghìn tỷ đồng, bằng 8,5% dự toán năm. Ngoài ra, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch 2016 được chuyển sang năm 2017 theo nghị quyết của Quốc hội giải ngân đến nay đạt xấp xỉ 3 nghìn tỷ đồng, bằng 17,2% số chuyển nguồn.
Chi trả nợ lãi thực hiện tháng 10 ước 5,5 nghìn tỷ đồng, lũy kế chi 10 tháng đạt 80,9 nghìn tỷ đồng, bằng 81,8% dự toán năm, tăng 13,9% so cùng kỳ năm 2016, đảm bảo thanh toán kịp thời các nghĩa vụ nợ đến hạn theo cam kết.
Chi thường xuyên thực hiện tháng 10 ước 76,67 nghìn tỷ đồng, lũy kế chi 10 tháng đạt 735,9 nghìn tỷ đồng, bằng 82,1% dự toán năm, tăng 6,7% so cùng kỳ năm 2016; cơ bản đáp ứng kịp thời đầy đủ các nhiệm vụ chi theo dự toán và tiến độ triển khai của đơn vị sử dụng ngân sách. Trong tháng 10/2017, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ cho phép trích 550 tỷ đồng dự phòng ngân sách trung ương để hỗ trợ 15 địa phương khắc phục hậu quả của do bão số 10 và mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 10/2017.
Tính đến hết tháng 10/2017, bội chi ngân sách trung ương khoảng 69,6% dự toán năm; ngân sách địa phương chênh lệch thu lớn hơn chi. Cơ quan Kho bạc Nhà nước đã thực hiện phát hành 155,1 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trên thị trường với kỳ hạn từ 5 năm trở lên , lãi suất bình quân 6,1%/năm, đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi ngân sách và trả nợ gốc tiền vay của ngân sách trung ương theo dự toán.
Liên quan đến công tác huy động vốn, theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/10/2017, tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh phát hành là 236,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ là 218,1 nghìn tỷ đồng, bao gồm 155,1 nghìn tỷ đồng phát hành trên thị trường, đạt 84,6% kế hoạch phát hành (183,3 nghìn tỷ đồng), 63.000 phát hành cho Bảo hiểm xã hội, đạt 84% kế hoạch phát hành (75 nghìn tỷ đồng); đối với trái phiếu Chính phủ bảo lãnh là 18,2 nghìn tỷ đồng.