Bộ Y tế: Tuyệt đối không tự ý dùng bia để giải độc rượu

Thảo Nguyên| 11/01/2019 19:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc truyền bia rượu để lọc máu để điều trị cho bệnh nhân ngộ độc rượu phải có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ chuyên môn. Không thể hiểu đơn giản là "uống bia để giải rượu" như một số thông tin đùa vui trên mạng như hiện nay.

Chiều 11/1, Bộ Y tế họp thông tin về trường hợp điều trị ngộ độc rượu methanol tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trịnh đang gây xôn xao dư luận khi truyền 15 lon bia để giải độc rượu. Tham dự có lãnh đạo của Quản lý Khám chữa bệnh, Vụ Pháp chế và lãnh đạo Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Nhận định về hành động của các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho rằng: “Trong trường hợp bệnh nhân phải cấp cứu, các bác sĩ luôn tìm mọi cách để bảo toàn sự sống cho bệnh nhân. Chúng tôi rất ghi nhận những cố gắng, đóng góp của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng trị khi đã tìm mọi cách cấp cứu bệnh nhân”.

Tuy nhiên, BS Nguyên đặc biệt nhấn mạnh, việc truyền bia rượu để lọc máu để điều trị cho bệnh nhân ngộ độc rượu phải có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ chuyên môn. Không thể hiểu đơn giản là "uống bia để giải rượu" như một số thông tin đùa vui trên mạng như hiện nay. Nếu đã ngộ độc rượu mà uống thêm bia chỉ khiến tình trạng ngộ độc nặng hơn. Người dân khi phát hiện người nhà, bạn bè có biểu hiện nghi ngộ độc rượu nên đưa đến cơ sở y tế để được chăm sóc chứ tuyệt đối không tự ý dùng, áp dụng, bắt chước bất kỳ một trường hợp ngộ độc rượu nào.


Bộ Y tế: Tuyệt đối không tự ý dùng bia để giải độc rượu

ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai phát biểu tại họp báo

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng hoan nghênh sáng kiến của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị.

“Chúng ta có thể tính được liều lượng và áp dụng được trong điều kiện hiện nay. Theo tôi, đây là biện pháp hợp lý. Nhưng tôi nhấn mạnh, đây chỉ là biện pháp hỗ trợ còn biện pháp chính vẫn là lọc máu loại trừ methanol khỏi cơ thể”, ông Khoa nói.

Cũng theo ông Khoa, theo hướng dẫn xử trí ngộ độc Methanol của Bộ Y tế, lọc máu cấp cứu là biện pháp quan trọng hàng đầu và quyết định việc đào thải Methanol ra khỏi cơ thể người bệnh. 

Lý giải vì sao các bác sĩ không dùng thuốc mà lại thay thế bằng bia? BS Nguyên phân tích, hiện nay, chúng ta chưa có điều kiện để dùng loại thuốc tốt và an toàn, thứ hai là về vấn đề thuốc giải độc Ethanol hiện nay còn nhiều khó khăn.

“Ethanol có cách cách dùng khác nhau, một là tiêm truyền đường tĩnh mạch là tốt nhất – đó là Ethanol y tế là thuốc giải độc đặc biệt và chúng ta đang đang cố gắng nhập thuốc này về để dùng cho thuận tiện.

Thứ hai là Ethanol dạng uống, chính là dùng các loại rượu thông thường, để đảm bảo an toàn, nhưng cách dùng phải chọn loại an toàn với liều lượng. Có thể do hiện nay nhiều loại rượu chưa an toàn, có nhiều loại rượu giả, nên các BS chọn bia. Tuy nhiên, cách dùng và việc sử dụng phải có sự giám sát theo dõi, chỉ định của BS cẩn thận và phải được thực hiện tại các cơ sở y tế,” BS Nguyên chỉ rõ.

Vị chuyên gia cũng lưu ý, nhiều người dân đang hiểu sai về ngộ độc rượu. Ngộ độc rượu có hai loại là ngộ độc cồn công nghiệp methanol và ngộ độc rượu thông thường (ethanol).

Cồn công nghiệp methanol là chất dùng trong công nghiệp và không dùng trong cơ thể con người, độc tính mạnh có thể gây mù, tổn thương não. Còn ngộ độc ethanol là do uống quá nhiều rượu, bia, đồ uống có cồn. Số người bị ngộ độc rượu methanol không nhiều.

“Trong phác đồ chẩn đoán điều trị, không được uống thêm rượu, bia chữa cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu. Việc truyền ethanol chỉ là biện pháp điều trị với trường hợp ngộ độc methanol. Chỉ có nhân viên y tế mới chẩn đoán được bệnh nhân ngộ độc methanol hay ethanol”, nhấn mạnh.

Bộ Y tế: Tuyệt đối không tự ý dùng bia để giải độc rượu

Bệnh nhân bị ngộc độc rượu khi đang điều trị tại bệnh viện

Liên quan tới việc uống bia rượu nhất là trong dịp Tết Nguyên đán cận kề, nhu cầu sử dụng rượu lớn nên ông Nguyễn Đình Anh - Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Thi đua và Khen thưởng (Bộ Y tế) cho biết, 3 thông điệp chính mà Bộ Y tế muốn chuyển tải đến cộng đồng trong vấn đề sử dụng rượu, bia, nhất là dịp Tết Nguyên đán đang cận kề đó là:

Sử dụng rượu, bia có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, người dân nên hạn chế sử dụng rượu, bia.

Khi nghi ngờ có dấu hiệu ngộ độc do uống rượu, bia thì phải đến ngay cơ sở y tế để được xử trí, điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng bia để giải ngộ độc do uống rượu, bia gây ra, không phải cứ uống bia vào là giải độc được rượu; nếu đã ngộ độc ethanol (có trong rượu, bia) mà vẫn tiếp tục uống rượu, bia (có ethanol) thì mức độ ngộ độc càng nghiêm trọng.

Tuyệt đối không sử dụng rượu, bia không rõ nguồn gốc, rượu, bia giả vì các loại rượu, bia này có thể chứa methanol.

Như báo Công lý đã đưa tin, bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật (48 tuổi, trú Triệu Độ, Triệu Phong, Quảng Trị) nhập viện sáng 25/12 trong tình trạng hôn mê, hết sức nguy kịch. Trước đó, trong tiệc mừng Giáng sinh, ông Nhật cùng một số người uống rượu. Sau đó về nhà, ông cùng 3 người khác xuất hiện các triệu chứng bất thường.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã tiến hành xét nghiệm khí máu, soi đáy mắt, chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc Methanol có trong rượu. Để cứu sống bệnh nhân, bác sĩ truyền 3 lon bia tức gần một lít, vào đường tiêu hóa của bệnh nhân. Mỗi giờ tiếp theo, bệnh nhân được truyền thêm một lon bia. Sau khi truyền tổng cộng 15 lon bia, tức gần 5 lít, bệnh nhân Nhật dần bình phục, tỉnh táo.

Trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, BS Lê Văn Lâm - Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị giải thích, rượu gồm hai loại là Etylic và Metylic. Khi vào cơ thể, gan ưu tiên chuyển hóa Etylic và tạo ra sản phẩm không gây độc. Trong khi Metylic được chuyển hóa sau nhưng tạo thành Andehit Formic, ở hàm lượng cao sẽ gây ngộ độc, nguy cơ tử vong rất cao.

Chất Andehit Formic trong máu chính là nguyên nhân khiến ông Nhật hôn mê. Lúc này, cơ thể bệnh nhân hết Etylic. Vì vậy, nhằm hạn chế chuyển hóa Metylic, các bác sĩ truyền bia cho bệnh nhân. Lúc này, cơ thể được bổ sung Etylic khiến gan ưu tiên chuyển hóa Etylic, ngưng chuyển hóa Metylic. Nhờ đó, các bác sĩ có thêm thời gian để lọc máu, giải độc cho bệnh nhân.

Methylic ở lâu trong cơ thể không được chuyển hóa sẽ bị đào thải dần qua đường nước tiểu, làm giảm độc tố trong cơ thể. Đây là cơ sở để cứu sống bệnh nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Y tế: Tuyệt đối không tự ý dùng bia để giải độc rượu