Nhiều người dân lo ngại ăn một số loại trái cây khiến hơi thở có nồng độ cồn khi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt. Bộ Y tế đã đưa ra thông tin chính thức về vấn đề này.
Gần 1 tuần Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định 46 năm 2016) có hiệu lực, có nhiều ý kiến lo ngại ăn hoa quả cũng có nồng độ cồn, dẫn tới bị xử phạt oan, do đó đề nghị khung nồng độ cồn xử phạt cần nới rộng hơn.
Liên quan đến vấn đề này, bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, trong đó quy định đã uống rượu bia là không lái xe (xe máy, ô tô...) đã tính đến các yếu tố khoa học, thực tiễn cũng như phản ứng của người dân về vấn đề này.
Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế).
Theo bà Trang, đây không phải là vấn đề mới vì quy định người lái ô tô không được có nồng độ cồn trong máu và khí thở đã có từ Luật Giao thông Đường bộ 2009 và đến nay thực hiện vẫn bình thường, chưa có phản ánh nào về việc cảnh sát phạt lái xe có độ cồn do ăn các loại thực phẩm này.
Trong các sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là những sản phẩm có đường như nho, sầu riêng, chuối... dễ để lại nồng độ cồn trong cơ thể nhưng rất nhỏ, không đáng kể.
"Thực tế thì hàm lượng cồn từ các loại thực phẩm này rất thấp, tuỳ thuộc vào lượng sử dụng, thời điểm đo độ cồn và cũng suy giảm, đào thải rất nhanh. Thông thường sau khi ăn mọi người chỉ cần uống nước lọc, súc miệng và sau khoảng 15-30 phút thì sẽ không còn nồng độ cồn. Không phải cứ ăn xong ra đường là cảnh sát chặn lại thổi phạt”, bà Trang nhấn manh.
Đại diện cơ quan soạn thảo Luật phòng, chống tác hại rượu, bia cũng cho biết, lực lượng CSGT đã được tập huấn kỹ càng về những thông tin này nên người dân gặp trường hợp tương tự chỉ cần giải thích rõ ràng. Nếu hơi thở có nồng độ cồn do ăn thực phẩm chứa đường sẽ không bị xử phạt.
Bà Trang cũng nhận định, lực lượng CSGT không gặp khó khăn để phân định những trường hợp này do đã có kinh nghiệm trong xử phạt người lái ô tô có nồng độ cồn trong máu theo quy định cũ. Nghị định mới chỉ mở rộng nhóm đối tượng xử phạt ra cả xe máy và xe đạp.
Về lo ngại uống bia rượu sau bao lâu mới được lái xe, bà Trần Thị Trang phân tích, không có con số chính xác tuyệt đối về thời gian sau bao lâu uống rượu bia mới được lái xe, hay sau bao lâu uống rượu bia thì hết nồng độ cồn trong cơ thể. Điều này phụ thuộc vào lượng bia rượu uống và đặc điểm sinh học, thể trạng của từng cá nhân.
Đại diện Vụ Pháp chế cũng khuyến cáo, nam giới khỏe mạnh không nên uống quá 2 đơn vị cồn, nữ giới khỏe mạnh không uống quá 1 đơn vị cồn mỗi ngày và uống dưới 5 ngày/tuần.
Theo Nghị định số 100/2019 áp dụng từ 1/1/2020, khi lái xe có nồng độ cồn trong máu, hơi thở sẽ bị xử phạt sẽ rất nặng. Cụ thể mức xử phạt cao nhất (khi nồng độ cồn trên 0,4 mg/lít khí thở) đối với người điều khiển ô tô 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400.000-600.000 đồng. |