Theo chia sẻ của TS Cao Xuân Liễu, Dự thảo Thông tư về quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học không ghi loại hình đào tạo, hạng học lực trên văn bằng là phù hợp với thông lệ và xu thế chung của thế giới.
Mới đây, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo loại bỏ xếp loại khá, giỏi, trung bình trên bằng tốt nghiệp đại học chia sẻ với báo chí TS. Cao Xuân Liễu – Trưởng phòng Đào tạo (Học viện Quản lý Giáo dục) cho hay: “Không chỉ sinh viên mà nhà trường lúc đầu sẽ chưa quen với việc không ghi các thông tin đó trên văn bằng tốt nghiệp. Vậy thì câu chuyện lúc này là thương hiệu bằng của trường nào cấp chứ không phải là loại hình đào tạo hay xếp hạng học lực được ghi trên văn bằng nữa. Có nghĩa là, với các trường đại học ghi hay không ghi loại hình đào tạo, hạng bằng không ảnh hưởng lớn đến quá trình tổ chức đào tạo của nhà trường”.
“Về mặt hệ thống thông tin, trường đại học vẫn quản lý được những cá nhân nào đạt hạng học lực hay được đào tạo ở loại hình nào mà không cần phải ghi trên văn bằng (thậm chí không ghi cả trên phụ lục văn bằng)”, TS. Liễu phân tích.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
TS. Liễu nói thêm, nếu làm cuộc khảo sát sẽ không nhiều sinh viên đồng ý ghi học lực và loại hình đào tạo trên văn bằng. Nếu có chỉ là những sinh viên có khả năng được xếp hạng giỏi, mà tỉ lệ nhóm sinh viên này chiếm rất ít trong tổng số sinh viên được cấp bằng.
Nhóm xã hội có ảnh hưởng có thể là một số doanh nghiệp sử dụng lao động muốn sơ loại hồ sơ khi tuyển dụng ngay từ bước đầu thì có thể họ sẽ quan tâm đến việc ghi các thông tin về loại hình đào tạo và học lực trên văn bằng. Nhưng tôi cho rằng, rồi họ sẽ quen và nếu cần các thông tin đó vẫn đã có ở phụ lục văn bằng.
TS. Liễu cho biết, trên thế giới hiện nay, vẫn còn một số ít các trường đại học của một số quốc gia (thậm chí cả các quốc gia phát triển) vẫn duy trì việc ghi các thông tin về loại hình đào tạo và hạng học lực trên văn bằng và phụ lục văn bằng. Còn hầu hết các trường đều chỉ ghi thông tin về ngành học, tên người được cấp bằng, tên trường đại học cấp…
“Vì thế, tôi cho rằng, việc không ghi loại hình đào tạo, hạng học lực trên văn bằng là phù hợp với thông lệ và xu thế chung của thế giới về việc công nhận, quản lý văn bằng tốt nghiệp đại học. Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập quốc tế về giáo dục đại học, việc quy định như dự thảo Thông tư là phù hợp trong bối cảnh hiện nay”, TS. Liễu nhấn mạnh.
Còn theo ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho hay, Điều 38 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (có hiệu lực từ ngày 1/7/2019) quy định: "Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tạo quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng, phụ lục văn bằng…". Như vậy, Luật quy định đối với giáo dục đại học, người học khi tốt nghiệp sẽ được cấp đồng thời Bằng và cả Phụ lục văn bằng.
Luật Giáo dục Đại học vừa có hiệu lực, Bộ GD-ĐT xây dựng Thông tư ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân (thông tư đã hoàn thiện thủ tục và chuẩn bị ban hành). Đồng thời, Bộ cũng xây dựng Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học.
Ông Trinh cho biết, Dự thảo thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học chỉ quy định nội dung chính ghi trên văn bằng, các thông tin khác đã quy định phải ghi trên phụ lục văn bằng và được cấp đồng thời với văn bằng cho người học.
Thông tư đã có quy định nội dung chính của phụ lục văn bằng giáo dục đại học bao gồm: Thông tin của người được cấp văn bằng: họ và tên; ngày tháng năm sinh.
Thông tin về quá trình đào tạo và cấp bằng: tên cơ sở giáo dục đại học cấp bằng; ngành đào tạo; chuyên ngành đào tạo; ngày nhập học; ngày cấp bằng; nơi tổ chức đào tạo (tên cơ sở đào tạo/phân hiệu); ngôn ngữ giảng dạy; thời gian đào tạo;
Thông tin về trình độ đào tạo; hình thức đào tạo; trình độ đào tạo kế tiếp mà người có văn bằng được tiếp cận;
Kết quả học tập: tên học phần hoặc môn học; số tín chỉ của từng học phần hoặc môn học; điểm học phần hoặc môn học; tổng số tín chỉ tích lũy; điểm trung bình; tên luận văn và kết quả luận văn (nếu có); điểm xếp loại tốt nghiệp; xếp loại tốt nghiệp.
“Cách làm này là xu hướng nhiều nước trên thế giới, trên cơ sở chúng tôi tham khảo văn bằng của hơn 20 quốc gia. Do vậy, quy định như trong dự thảo "Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học" là phù hợp với thông lệ của nhiều nước trên thế giới, đảm bảo sự hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam với giáo dục đại học của các nước”, ông Mai Văn Trinh nói.