Ông Đỗ Đức Hiển – Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ Tư pháp đã xin lỗi ông Vinh về việc không có đủ cơ sở để bổ nhiệm ông Vinh giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, mặc dù ông đã nhận được công bố trúng tuyển kỳ thi năm 2015.
Ông Đỗ Đức Hiển - Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp tại họp báo
Bộ Tư pháp nhận thiếu sót trong việc bổ nhiệm
Tại cuộc họp báo quý II Bộ Tư pháp diễn ra sáng 20/7, ông Đỗ Đức Hiển – Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ cho biết, ngày 7/6, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp phòng tại một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp năm 2018.
Theo Đề án, Bộ Tư pháp tổ chức thí điểm thi tuyển đối với 5 vị trí dự tuyển thuộc 3 đơn vị, gồm: Phó Giám đốc Học viện Tư pháp; Phó Vụ trưởng Vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo và Phó Chánh Văn phòng Tổng cục thi hành án dân sự; Trưởng Bộ môn ngoại ngữ và Phó trưởng phòng Phòng Tài chính-Kế toán Trường Đại học Luật Hà Nội. Dự kiến việc tổ chức thi tuyển sẽ được tiến hành trong Quý III/2018.
Ông Đỗ Đức Hiển cho biết, liên quan việc giải quyết kết quả thí điểm thi tuyển chức danh Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội, ngày 15/6, Bộ Tư pháp đã có văn bản trả lời ông Lê Đình Vinh – Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink về việc không có đủ cơ sở để bổ nhiệm ông Lê Đình Vinh giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, mặc dù ông Vinh đã được công bố trúng tuyển kỳ thi năm 2015.
“Bộ Tư pháp trân trọng xin lỗi và mong muốn nhận được sự chia sẻ, thông cảm từ phía ông Lê Đình Vinh về sự việc đáng tiếc này. Bộ Tư pháp nhận thiếu sót chưa kịp thời điều chỉnh đối tượng thi tuyển chức danh Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội theo Đề án của Bộ Tư pháp để phù hợp với Thông báo số 202-TB/TW của Bộ Chính trị", ông Đỗ Đức Hiển nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có xem xét xử lý kỷ luật đối với nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp (Chủ tịch Hội đồng thi tuyển) thời điểm đó và những cán bộ liên quan rồi bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần cho ông Vinh hay không, ông Hiển một lần nữa khẳng định Bộ Tư pháp đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan Trung ương có liên quan về việc này.
“Bộ Tư pháp sẽ chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra thiếu sót nêu trên nghiêm túc kiểm điểm, coi đây là bài học sâu sắc trong công tác quản lý của Bộ” - ông Hiển nhấn mạnh.
Trước đó, kỳ thi tuyển lãnh đạo cấp Vụ của Bộ Tư pháp được tổ chức vào đầu tháng 9/2015.
Vị trí Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội có 4 ứng viên đủ điều kiện đăng ký dự thi gồm ông Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật Vietthink, ông Hoàng Xuân Châu - Trưởng Phòng Hành chính Tổng hợp Trường Đại học Luật Hà Nội, ông Bùi Xuân Hải - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM và bà Trần Kim Liễu - Phó Trưởng Phòng Hành chính tổng hợp Trường Đại học Luật Hà Nội.
Bộ Tư pháp đã công bố kết quả, chúc mừng ông Lê Đình Vinh trúng tuyển Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội. Tuy nhiên sau đó có một số đơn thư nặc danh, nên Bộ Tư pháp đã tạm dừng việc này và “treo lơ lửng” sự việc suốt từ đó tới nay.
Khi dự thi vào vị trí Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội, ông Vinh đang làm giảng viên Viện Đại học Mở Hà Nội, Giám đốc Trung tâm dạy nghề xã hội Global, Chủ tịch HĐQT Trường Trung cấp Bách khoa Hà Nội. Trước đó, ông Vinh cũng từng là Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Quốc tế Hà Nội.
Không để nợ đọng văn bản
Cũng tại buổi họp báo, ông Đỗ Đức Hiển đã thông tin các kết quả công tác chủ yếu 6 tháng đầu năm, một số nhiệm vụ trọng tâm công tác những tháng cuối năm 2018 và cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ trả lời nhiều câu hỏi mà các phóng viên đặt ra.
Liên quan đến việc thanh tra chấp hành quy định pháp luật đối với Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Long An và Công ty TNHH Dịch vụ bán đấu giá tài sản Miền Nam, ông Hiển cho hay, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp đã ban hành Kết luận thanh tra số 12/KL-TTR với một số nội dung chính. Cụ thể, trong quá trình tổ chức thi hành án, Cục THADS tỉnh Long An đã có nhiều sai phạm, vi phạm điểm c Khoản 1 Điều 50, Điều 71 Luật THADS năm 2014. Trách nhiệm đối với những sai phạm nói trên thuộc về chấp hành viên Cục THADS tỉnh Long An và những cá nhân có liên quan.
Ngoài ra, quá trình tổ chức bán đấu giá tài sản là công trình xây dựng và dây chuyền máy móc thiết bị của Công ty Cổ phần Dệt Long An, Công ty TNHH Dịch vụ đấu giá tài sản Miền Nam và những người liên quan có nhiều sai phạm, trong đó có những sai phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng kết quả bán đấu giá tài sản, vi phạm quy định của pháp luật.
Từ những kết luận nêu trên, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp yêu cầu Cục THADS tỉnh Long An, Công ty TNHH Dịch vụ đấu giá tài sản Miền Nam tổ chức họp, xác định trách nhiệm cá nhân, có hình thức xử lý phù hợp đối với những cá nhân có sai phạm nêu tại Kết luận, có báo cáo kết quả thực hiện về Thanh tra Bộ.
Đồng thời kiến nghị Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An chỉ đạo, giám sát Công ty TNHH Dịch vụ đấu giá tài sản Miền Nam thực hiện đúng và đầy đủ Kết luận thanh tra cũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An, tập trung thanh tra toàn diện đối với Công ty TNHH Dịch vụ đấu giá tài sản Miền Nam; Chủ tịch UBND huyện Bến Lức chỉ đạo, kiểm tra, có hình thức xử lý đối với việc xác nhận, quản lý con dấu của người đứng đầu UBND xã Nhựt Chánh liên quan đến việc xác nhận niêm yết Thông báo bán đấu giá tại trụ sở Cục THADS tỉnh Long An.
Ông Hiển thông tin thêm, hiện Thanh tra Bộ đã chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan Công an để tiếp tục điều tra xem xét về việc thông đồng, dìm giá tài sản trong hoạt động bán đấu giá tài sản và các hành vi vi phạm của đấu giá viên và những người có liên quan trong việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
6 tháng đầu năm 2018, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ trong việc đôn đốc các bộ, cơ quan xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết luật, pháp lệnh. Qua đó số văn bản nợ đọng còn 11 văn bản, giảm 4 văn bản so với cùng kỳ năm 2017, riêng Bộ Tư pháp không để nợ đọng văn bản nào.
Chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật từng bước được nâng cao. Bộ Tư pháp đã thẩm định 141 văn bản quy phạm pháp luật, 19 điều ước quốc tế; kiểm tra theo thẩm quyền 1571 văn bản. Qua kiểm tra đã phát hiện, ra kết luận kiểm tra, kiến nghị xử lý đối với 39 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền.
Công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, nhất là việc xử lý các vụ việc phức tạp, kéo dài được chú trọng. Cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong 389.293 việc, thi hành xong hơn 19.878 tỷ về tiền, theo dõi, đôn đốc thi hành xong 145 bản án, quyết định hành chính.
Toàn ngành đã tập trung nâng cao chất lượng và giải quyết số lượng lớn nhu cầu người dân, doanh nghiệp trong các lĩnh vực hành chính tư pháp. Bên cạnh đó, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được Bộ Tư pháp thực hiện đúng quy định của pháp luật.