Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP về đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến quản lý dân cư thuộc chức năng của Bộ Công an.
Theo đó, Nghị định sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Cùng với việc “khai tử” sổ hộ khẩu, hàng loạt thủ tục liên quan đến cuốn sổ này cũng sẽ được bái bỏ bãi bỏ và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo đó, trong thời gian tới sẽ không còn "giấy chuyển hộ khẩu" và “sổ tạm trú” sẽ không còn tồn tại…
Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ đã chính thức "khai tử" sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân (Ảnh: Zing)
Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ có hiệu lực ngay từ ngày ký ban hành 30/10. Việc triển khai thực hiện phương án này, Bộ Công an được giao chủ trì, phối hợp cùng các bộ ngành liên quan chịu trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các thủ tục hành chính, giấy tờ công dân tại các văn bản quy phạm pháp luật để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Có thể nói, đây là một tin vui đối với đông đảo người dân, nhất là với những người lâu nay khốn khổ vì cuốn sổ hộ khẩu. Thủ tục về hộ khẩu luôn là nỗi ám ảnh của người dân khi mua nhà, làm sổ đỏ, xin việc, xin đi học cho con, khám chữa bệnh v.v. Với Nghị quyết 112/NQ-CP, khi thành hiện thực sẽ là bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính liên quan đến quản lý dân cư theo tinh thần kiến tạo và phục vụ của Chính phủ.
Tuy nhiên, cũng nhiều y kiến băn khoăn, việc quản lý dân cư, nhân khẩu dù có bỏ sổ hộ khẩu thì vẫn phải thực hiện vì còn liên quan đến vấn đề an ninh trật tự. Liệu bỏ hộ khẩu rồi thì quản lý ra sao. Rồi khi người dân có thay đổi về nơi cư trú thì giải quyết thế nào?...
Theo các chuyên gia, hiện nay, với các quy định mới về Luật Hộ tịch, quy định về thẻ căn cước công dân, chúng ta hoàn toàn xóa bỏ hộ khẩu mà vẫn có thể quản lý tốt dân cư. Mỗi một người có một mã số định danh cá nhân suốt đời, thì dù đi đâu chỉ cần đăng ký, xác nhận là cơ quan quản lý có thể nắm bắt chính xác được người đó di chuyển từ đâu đến, đang ở đâu. Bỏ hộ khẩu không có nghĩa là bỏ quy định về quản lý cư trú. Có thể các vấn đề về đăng ký nơi cư trú vẫn được thực thi nhưng đơn giản chỉ cần một cái quẹt thẻ, một sự xác nhận qua phương tiện điện tử. Điều này không phải là quá khó trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.
Song, có lẽ câu chuyện bỏ hộ khẩu không chỉ là việc bỏ đi thủ tục để cấp một tệp giấy mang tên hộ khẩu, mà cần phải bỏ đi tư duy về hộ khẩu, tư duy về cát cứ cục bộ địa phương vùng miền, tư duy quản lý trên giấy chứ không quản lý bằng thực chất. Lâu nay vẫn tồn tại sự dùng dằng giữa việc đổi mới với việc lưu giữ những cái cũ kỹ lạc hậu. Trong khi công nghệ thông tin phát triển như vũ bão thì người dân vẫn phải mang theo cả đống giấy tờ với đủ loại con dấu khi làm thủ tục hành chính, mà thủ tục về hộ khẩu chính là một ví dụ điển hình.
Bởi vậy, dù có mất thời gian, dù có khó khăn vướng mắc thì đây vẫn là việc cấp thiết phải làm.