Bộ TT&TT kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN truyền thông và báo chí

Trọng Bằng| 10/04/2020 22:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước những thiệt hại nặng nề do dịch COVID-19 gây ra, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã ký các văn bản kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ, đồng thời đề nghị các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp truyền thông và báo chí.

Bộ TT&TT kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN truyền thông và báo chí

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp truyền thông và báo chí

Ngày 10/4, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã ký văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thông tin-truyền thông và báo chí.

Liên quan đến lĩnh vực báo chí, văn bản nêu rõ: Trong bối cảnh dịch bệnh, các cơ quan báo chí bị ảnh hưởng nặng nề.

Báo in giảm phát hành vì dịch bệnh, khó phát hành được trong thời gian giãn cách xã hội.

Báo điện tử mặc dù có lượng người đọc tăng vọt nhưng quảng cáo giảm thậm chí không có, vì doanh nghiệp khó khăn, các hợp đồng truyền thông đã ký trước cũng bị đình, hoãn.

Nguồn thu của các đài phát thanh-truyền hình bị sụt giảm mạnh do các doanh nghiệp gặp khó khăn, nguồn thu quảng cáo giảm mạnh...

Bộ TT&TT đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có gói hỗ trợ cấp bách của ngân sách Trung ương năm 2020 để giao nhiệm vụ, đặt hàng cho các cơ quan báo chí tự đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên và cơ quan báo chí tự đảm bảo một phần chi thường xuyên.

Cụ thể, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ cấp bách về tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh và tình hình khắc phục tác động tiêu cực của dịch COVID-19, tình hình phục hồi hoạt động kinh tế-xã hội sau đại dịch; hỗ trợ các cơ quan báo chí duy trì hoạt động thường xuyên phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu cho xã hội.

Bộ TT&TT cũng đề nghị Chính phủ cho phóng viên, lao động cơ quan báo chí trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch là người lao động tham gia phòng, chống dịch và được hưởng một số đặc thù theo Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 của Chính phủ về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19.

Tùy từng trường hợp cụ thể, được áp dụng các mức phụ cấp theo quy định: Phụ cấp cho đối tượng tiếp xúc với người lây nhiễm đối với phóng viên tiếp xúc với người lây nhiễm; phụ cấp cho người thực hiện nhiệm vụ (không phải là chuyên môn y tế) tại cơ sở cách ly tập trung đối với phóng viên tiếp xúc với người lây nhiễm; phụ cấp cho người làm công tác thường trực chống dịch đối với phóng viên và cán bộ cơ quan báo chí làm công tác thường trực viết, đưa tin bài về phòng, chống dịch bệnh.

Bộ đề nghị Chính phủ cho các đài phát thanh, truyền hình hiện nay đang được ngân sách Nhà nước cấp (một phần hoặc toàn bộ) gia hạn thời gian thực hiện tự chủ chi thường xuyên sang năm 2022, thay vì năm 2020 như quy định trong quy hoạch báo chí.

Bộ cũng đề nghị Chính phủ cho phép các cơ quan báo chí được sử dụng Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp hiện có của đơn vị để chi cho một số hoạt động phục vụ công tác tuyên truyền phòng, chống dịch trong cơ quan, mua sắm trang thiết bị phục vụ tác nghiệp của phóng viên, bổ sung thu nhập bảo đảm đời sống vật chất cho cán bộ, phóng viên trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đồng thời, Bộ cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính và chuyển phát; các doanh nghiệp viễn thông; các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin; các nhà xuất bản, các doanh nghiệp in và phát hành.

Ngoài ra, Bộ TT&TT đã có văn bản gửi các Bộ: Tài chính, Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp thông tin-truyền thông và báo chí phát triển trong và sau dịch COVID-19.

Theo đó, Bộ TT&TT đề nghị Bộ Tài chính bổ sung các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bưu chính, nội dung số, phần mềm, in, phát hành, các cơ quan báo chí, nhà xuất bản, đài phát thanh, truyền hình thuộc các đối tượng được gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp lĩnh vực thông tin-truyền thông và báo chí...

Bộ đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quan tâm, xem xét, đưa các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực: bưu chính, công nghệ thông tin, in, phát hành và cơ quan báo chí, xuất bản vào danh sách đối tượng được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đến hết tháng 12/2020.

Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho các doanh nghiệp TT&TT

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã ký văn bản số 1268/BTTTT-VP gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đơn vị trong lĩnh vực TT&TT.

Văn bản nêu rõ, trước diễn biến phức tạp và ảnh hưởng ngày càng lớn của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế - xã hội của nước ta, các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực TT&TT cũng đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhằm bảo đảm cho các doanh nghiệp, đơn vị trong Ngành tiếp tục thực hiện được các nhiệm vụ chính trị quan trọng chung tay cả nước phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời vẫn duy trì được các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, Bộ TT&TT trân trọng đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ một số nội dung:

Thứ nhất, cho phép các lực lượng kỹ thuật của các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực TT&TT (bưu chính, viễn thông, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghiệp ICT, phát thanh, truyền hình, báo chí...) được tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh; được phép di chuyển trong địa bàn tỉnh, thành phố để thực hiện nhiệm vụ cần thiết, cấp bách, đặc biệt là các trường hợp cần thiết phải ra/vào khu vực bị cách ly, phong tỏa để ứng cứu sự cố về hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo thông tin liên lạc; được phép chủ động bố trí nhân lực một cách hợp lý và bảo đảm tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch theo quy định.

Thứ hai, có phương án hỗ trợ, tạo điều kiện trong việc quy hoạch, cấp phép xây dựng và sử dụng hạ tầng kỹ thuật liên ngành để các doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng viễn thông thụ động (nhà trạm viễn thông, cột ăng ten, cống bể ống cáp viễn thông); có chính sách hỗ trợ, cho phép các doanh nghiệp viễn thông được phép lắp đặt cột ăng ten và trạm viễn thông trên các công trình công, trụ sở công, đất công.

Thứ ba, có chính sách hỗ trợ cụ thể như: giảm giá cho thuê trụ sở, hạ tầng, mặt bằng trên địa bàn tỉnh/thành phố để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ số thực hiện các hoạt động nhằm bảo đảm việc duy trì, vận hành thông suốt hạ tầng công nghệ số (các trung tâm dữ liệu, hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin); đồng thời chỉ đạo các Ban Quản lý các Khu công nghiệp, các Khu chế xuất, Khu kinh tế, Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung có chính sách giảm giá tiền thuê đất, thuê mặt bằng, kho bãi, trụ sở cho các doanh nghiệp công nghệ số hoạt động trong các loại hình khu nói trên.

Thứ tư, quan tâm, ưu tiên, bổ sung kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ từ nguồn ngân sách địa phương cho các đơn vị trong lĩnh vực TT&TT, đặc biệt là các cơ quan báo chí, các Đài phát thanh, truyền hình cấp tỉnh, cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện và đài truyền thanh cấp xã để làm tốt công tác thông tin tuyên truyền trên địa bàn.

Tại Hội nghị giao ban báo chí trực tuyến về công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra chiều ngày 10/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra nhấn mạnh: Báo chí góp một phần rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch. 

Theo Phó Thủ tướng, chưa bao giờ thông tin về tình hình dịch bệnh đầy đủ, minh bạch, đồng loạt như lần này. Bên cạnh việc đưa tin, báo chí còn có nhiều bài phân tích sâu sắc, nhiều phóng sự đi vào lòng người.

Việc thế giới ghi nhận người dân tín nhiệm rất cao công tác phòng, chống dịch của Việt Nam, bên cạnh sự chỉ đạo điều hành đúng đắn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ, ngành… còn có đóng góp lớn của những người làm công tác thông tin truyền thông.

Chia sẻ với những khó khăn của anh em báo chí, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là lực lượng trực tiếp cùng xung trận với y tế, công an, quân đội và cho rằng, chúng ta phải có cơ chế để các nhà báo, tòa soạn bảo đảm an toàn khi tác nghiệp.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TT&TT kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN truyền thông và báo chí