Chỉ một câu chuyện rất nhỏ trên mạng xã hội nhưng đã diễn tiến trở thành tâm điểm chú ý, bàn tán của dư luận. Có thể thấy, người dân rất nhạy cảm với thông tin, những lùm xùm ở một số bộ, ngành.
Sự việc bắt đầu từ một status trên trang cá nhân của bác sĩ Hoàng Công Truyện, công tác tại Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Nội dung của status viết: "Mụ ni về nghỉ là vừa, để các GS có kinh nghiệm, chuyên môn y lên thay và dẫn dắt ngành y sang một bước tiến mới. Chỉ một việc an ninh bệnh viện mà không tham mưu nổi cho CP can thiệp mà làm Bộ trưởng. Bà có đi về cơ sở đâu mà hiểu nỗi khổ các y, bác sĩ tuyến cơ sở".
Trước hết, phải công bằng mà nói bác sĩ Truyện nêu vấn đề trên là thực tế không thể phủ nhận nhưng chưa thật sự đầy đủ.
Thứ hai, là một người hoạt động trong ngành, là một cán bộ y tế thực sự có tâm huyết thì bác sĩ Truyện nên góp ý một cách thẳng thắn chứ không nên chỉ bằng vài câu từ bâng quơ trên mạng xã hội.
Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, nơi vị bác sĩ "chê" Bộ trưởng Y tế công tác
Trở lại với nội dung của status của bác sĩ Truyện, chúng ta không khó nhận ra nhân vật mà vị bác sĩ này nói đến chính là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Và hậu quả của việc chê lãnh đạo ngành là bác sĩ Truyện bị kỷ luật với hình thức "Khiển trách" và xử phạt hành chính 5 triệu đồng.
Tuy nhiên, thông tin sáng ngày 23/10 cho thấy, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh TT-Huế đã họp và thống nhất rút quyết định xử phạt này và sẽ tiến hành xin lỗi bác sĩ Truyện theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn.
Không nói quá khi cho rằng, lãnh đạo Bộ TT-TT đã kịp thời "tháo ngòi nổ" cho sự việc này. Nhưng không vì thế mà các đơn vị liên quan không đánh giá, nhìn nhận lại cái cách hành xử có phần hấp tấp của mình.
Trước hết là sự vội vã của Chánh Văn phòng Bộ Y tế khi thừa lệnh Bộ trưởng ký công văn gửi Sở Y tế tỉnh yêu cầu khẩn trương vào cuộc, phối hợp các đơn vị liên quan điều tra, xác minh chủ tài khoản Facebook để xử lý.
Nhận được công văn, Sở Y tế cũng ngay tắp lự xác minh, tiến hành kỷ luật và kiến nghị xử phạt hành chính rất nhanh chóng. Hết thảy những việc làm đó cốt yếu chỉ để vừa lòng lãnh đạo mà không thể hiện được vai trò chủ chốt là cơ quan tham mưu.
Cổ nhân nói "thần thiêng nhờ bộ hạ" nhưng qua vụ việc này cho thấy, "bộ hạ" (không chỉ có đơn vị của bộ mà cả địa phương) đã bộc lộ sự yếu kém dẫn đến "thần" cũng chẳng "thiêng".
Bộ trưởng Bộ Y tế được xem là quá nhạy cảm với mạng xã hội nhưng lại thiếu tự tin trong việc xử lý những phát ngôn có thiên hướng phê bình cá nhân hoặc ngành y tế. Phát ngôn "nghịch nhĩ" thường bị quy kết là "bôi nhọ, vu khống, xúc phạm, gây mất đoàn kết, mất uy tín" rồi yêu cầu Công an vào cuộc điều tra, xử lý.
Người ta bảo có tật thì giật mình. Cuối cùng cơ quan chức năng cũng không biết điều tra cái gì, xử lý ai. Vụ việc vừa qua cho thấy rất rõ một điều là cách hành xử của một số cán bộ công chức có vấn đề, kiểu như "thuận ý thì sống, chống ý thì chết" vậy.
Bộ Y tế gửi công văn yêu cầu điều tra, xử lý chẳng phải là trù dập người góp ý? Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng. Cứ cho rằng phát ngôn của vị bác sĩ nọ là "thuốc đắng" thì lẽ nào lãnh đạo Bộ Y tế mà lại không dùng được thứ "thuốc đắng" đó?
Vội vàng xử phạt rồi vội vã rút các quyết định khiến người dân mất niềm tin vào các cơ quan công quyền. Đồng thời phản ánh sự yếu kém trong việc nắm bắt, thực hành các quy định của pháp luật.