Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, cơ quan này bắt đầu khởi động chương trình tập thể dục ngay tại công sở.
Tập thể dục 2 lần tại công sở
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, có tới 70% các ca tử vong mỗi năm tại Việt Nam do các bệnh không lây nhiễm có liên quan đến lối sống như tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch, ung thư... Tuy nhiên người dân không quan tâm đến khâu phòng bệnh, để đến khi bệnh nặng mới đi viện, điều trị rất tốn kém.
Trong khi đó, việc ăn uống điều độ, thể dục thể thao, rèn luyện cơ thể, hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá... có thể giúp chúng ta khoẻ mạnh, phòng ngừa nhiều bệnh.
Vì thế, Bộ Y tế bắt đầu khởi động chương trình tập thể dục ngay tại công sở. "Chúng tôi sẽ bắt đầu từ những cuộc họp giao ban Bộ Y tế, tiến tới ngày tập 2 lần ngay tại công sở, giữa các buổi họp, chỉ vài phút đứng dậy vận động ngay tại chỗ vẫn mang lại những giá trị hữu ích cho sức khoẻ", Bộ trưởng Y tế cho biết.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Theo đó, "giáo trình" các bài tập thể dục đã được các cán bộ, lãnh đạo Cục, Vụ, đơn vị trong Bộ Y tế tập hợp, sưu tầm, đánh giá và đưa vào "thử nghiệm" từ đầu năm 2019. Các bài tập này dựa trên kinh nghiệm, bài học của trong nước, nước ngoài như Nhật Bản và một số nước ASEAN như Thái Lan, Singapore...
Sau khi đứng dậy tập tại chỗ chỉ vài phút, với 9 động tác, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay bà thấy rất dễ chịu, thoải mái, nhẹ người. "Khi ngồi nhiều làm việc, tôi rất khó chịu, đau mỏi người, mỏi mắt. Đứng dậy vận động sẽ dễ chịu hơn. Tôi tập xong thấy nhẹ hẳn người”, Bộ trưởng Tiến chia sẻ.
Bộ trưởng Y tế đã giao Cục trưởng Y tế Dự phòng cùng nghiên cứu, phối hợp với Bộ Văn hoá – Thể thao để tìm ra các động tác thể dục phù hợp. Vị tư lệnh ngành Y cũng cho rằng, nếu phong trào thể dục này lan rộng được đến toàn dân sẽ rất tốt, nhất là khi người Việt có sẵn sự sáng tạo rất cao.
Mong muốn người dân được đo huyết áp thường xuyên
Tại Việt Nam có đến 1/3 dân số Việt thiếu hoạt động thể lực so với khuyến cáo của WHO (có hoạt động thể lực cường độ trung bình ít nhất 150 phút 1 tuần hoặc tương đương). Cùng với đó, là sự gia tăng của tình trạng thừa cân, béo phì ở cả hai giới là trên 15,6%, tăng hơn gần 3% so với kết quả điều tra năm 2010. Trong đó, thừa cân béo phì ở thành thị là 21,3%, vùng nông thôn là 12,6%.
Trong khi đó, thiếu hoạt động thể lực là yếu tố nguy cơ đứng hàng thứ tư của tử vong, gây mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường và một số loại ung thư.
Báo cáo điều tra quốc gia STEPS năm 2015 tại Việt Nam cho thấy, cứ 5 người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp và cứ 20 người thì có một người bị đái tháo đường. Ước tính, hiện nước ta có khoảng 12 triệu người tăng huyết áp, khoảng 3 triệu người đái tháo đường.
Điều tra của Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, khoảng một nửa số người bị tăng huyết áp nhưng không biết. 40% người biết mình bị tăng huyết áp thì chưa điều trị và 64% người bệnh điều trị mà không đạt được huyết áp mục tiêu (dưới 140/90 mmHg).
“Khi đi kiểm tra y tế ở cơ sở, tôi thường đi hỏi từng người dân, có người nói vài năm rồi mới đi đo huyết áp 1 lần, như thế là không được”, Bộ trưởng Y tế nói.
Người đứng đầu ngành y tế cho biết, bà mong muốn thực hiện chương trình đo huyết áp toàn dân như Nhật Bản, người dân đi đến đâu cũng có máy đo huyết áp tự động như trong lúc chờ khám bệnh, chờ mua thuốc ở siêu thị... với giá vài ngàn đồng.