Bộ trưởng Xây dựng: "Dù rất trách nhiệm tôi cũng không dám cam kết"

PV| 16/08/2017 11:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 16/8, tại phiên họp thứ 13 của Uỷ ban TVQH, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn về quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch.

"Có biểu hiện lợi ích nhóm"

Là người đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đặt vấn đề: “Thực tế cho thấy quy hoạch thiếu tầm nhìn, hầu hết có vấn đề môi trường như rác thải, ùn tắc giao thông, thiếu trầm trọng khu vui chơi, giải trí. Bộ trưởng nhìn nhận vấn đề này ra sao? Có hay không việc biết trước quy hoạch để trục lợi? Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết tình trạng trên?”.

Vấn đề thứ hai được đại biểu Thúy đặt ra là tình trạng buông lỏng quản lý quy hoạch dẫn tới quá nhiều lệch lạc trong xây dựng các đô thị, đường thẳng nắn thành đường cong, sân golfnằm trong sân bay, khu đô thị không có chợ, trường học, bệnh nhà cao tầng nọ sát nhà cao tầng kia vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh, tốc độ đô thị hoá thời gian qua đóng góp hết sức tích cực cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, còn những mặt hạn chế như nổi lên là chất lượng lập quy hoạch.

“Tầm nhìn quy hoạch có cái chưa đảm bảo, có cái ngắn quá, cái dài quá. Tức là khi tính toán, dự báo số liệu đưa ra mục tiêu nội dung, quy trình chưa phù hợp với điều kiện kinh tế cụ thể của đất nước, dẫn đến tính khả thi chưa được tốt. Ngoài ra sự khớp nối, thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch chưa tốt cũng ảnh hưởng tới chất lượng quy hoạch” –Bộ trưởng Hà thừa nhận và cho biết từ đó cũng dẫn tới một số điểm quy hoạch treo.

Về nguyên nhân, người đứng đầu Bộ Xây dựng cho rằng, do các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chưa tốt chức trách của mình; chưa công khai, minh bạch thông tin quy hoạch... Việc giám sát của cộng đồng, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế... dẫn tới những hệ lụy cụ thể về phát triển đô thị như: Ùn tắc giao thông, xử dụng đất không hiệu quả, vi phạm cấp phép xây dựng, lấn  chiếm đất đai...

Bộ trưởng Xây dựng:

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Trước câu hỏi của đại biểu “có trục lợi hay không trong lập, tổ chức thực hiện quy hoạch”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thẳng thắn: “Cơ bản tổng thể không có nhưng ở một số trường hợp cụ thể có biểu hiện trục lợi, lợi ích nhóm trong xây dựng quy hoạch”.

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, tới đây Bộ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện các quy định, thể chế về quy hoạch đảm bảo nâng cao chất lượng, chống lãng phí trong quy hoạch. Cụ thể, Bộ sẽ rà soát lại các phương pháp tính, các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan để sửa đổi, loại bỏ một số thủ tục, quy trình không cần thiết, trùng lặp, mâu thuẫn,... thí dụ trong cấp phép xây dựng, thẩm định dự án... Đồng thời tăng cường phối hợp với các địa phương trong tổ chức, theo dõi thực hiện quy hoạch đặc biệt trong công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, ngăn chặn lợi ích nhóm trục lợi quy hoạch; tăng cường sự giám sát của nhân dân trong xây dựng, thực hiện quy hoạch...

Khó cam kết chấm dứt xây dựng không phép

Về tình trạng xây dựng không phép, trái phép, Bộ trưởng thừa nhận đây là thực tế có thật. Dù thời gian qua đã có xu hướng giảm, nhưng vẫn còn rất lớn. Do vậy, cần tăng cường quản lý nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM...

Nguyên nhân là do việc cấp phép còn hạn chế, chủ đầu tư cố tình vi phạm giấy phép, cơ quan quản lý nhà nước thanh tra, kiểm tra không kịp thời, xử lý vi phạm không dứt điểm...

Bộ trưởng thừa nhận trách nhiệm của Bộ, Bộ trưởng nêu các giải pháp về việc hoàn thiện các quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng thanh tra xây dựng; hoàn thiện chế tài xử lý, đủ khả năng răn đe; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về xây dựng...

Trước câu hỏi của ĐB Nguyễn Thanh Thuỷ về việc Bộ trưởng có cam kết chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép hay không, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà chia sẻ rằng đây là câu hỏi rất khó.

Bộ trưởng Xây dựng:

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn sáng 16/8

“Chúng tôi nhận trách nhiệm của mình về việc này, nhưng cam kết có chấm dứt tình trạng xây dựng không pháp hay sai phép hay không, cá nhân tôi, dù hết sức trách nhiệm cũng không dám cam kết trong một thời gian ngắn tới có thể giảm được tình trạng này” – Bộ trưởng nói, đồng thời khẳng định việc này cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và địa phương, về phía Bộ cũng sẽ tập trung  xử lý thanh tra cụ thể một số điểm vi phạm.

Liên quan đến vấn đề bức xúc do ùn tắc giao thông đô thị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận nguyên nhân cấp phép xây dựng các khu đô thị, các chung cư cao tầng chưa hợp lý dẫn tới quá tải hạ tầng.

Mặc dù các văn bản pháp luật về quy hoạch xây dựng đã quy định cụ thể, kỹ lưỡng (về mật độ, hệ số, chỉ giới sử dụng đất, chỉ tiêu xây dựng, cảnh quan, kiến trúc...) song chưa được thực hiện nghiêm trong xây dựng quy hoạch hoặc triển khai thiếu đồng bộ quy hoạch... Trước mắt, các địa phương phải tuân thủ nghiêm quy hoạch chi tiết trong phê duyệt đầu tư các dự án, có kế hoạch thực hiện đồng bộ hạ tầng khi xây dựng các khu dân cư...

Về phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay nguồn cung rất thiếu so với cầu. Nguyên nhân do doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều vì lợi nhuận thấp (luật quy định lợi nhuận dưới 10%) dù chúng ta đã có cơ chế khuyến khích; quỹ đất bố trí cho xây dựng nhà ở xã hội còn hạn chế; thiếu nguồn lực để xây dựng nhà ở xã hội; cơ chế cũng chưa phải là tốt...

Bộ trưởng cho rằng, hướng tới phải thay đổi căn bản về tư duy, phương thức về phát triển nhà ở xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Xây dựng: "Dù rất trách nhiệm tôi cũng không dám cam kết"