Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: Giấy khai sinh có giá trị toàn cầu

Ngọc Mai| 28/10/2014 18:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những băn khoăn về việc chưa thống nhất khi xây dựng hai Luật Hộ tịch và Căn cước công dân đã được ĐBQH quan tâm thảo luận trong phiên họp Quốc hội ngày 28/10.

Tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ em

Thảo luận về việc cấp Giấy khai sinhThẻ căn cước công dân, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh như quy định hiện hành, bởi vì đây là nhu cầu và là quyền của người dân được sử dụng thuận lợi từ nhiều năm nay để bảo vệ lợi ích của mình.

Các ý kiến cho rằng, đăng ký khai sinh là việc Nhà nước chính thức thừa nhận việc một cá nhân ra đời và bắt đầu được hưởng quyền con người, quyền công dân. Theo quy định của pháp luật hiện hành, trẻ em sinh ra được Nhà nước cấp giấy khai sinh, trong đó có ghi những thông tin cơ bản của trẻ em, giấy khai sinh có giá trị pháp lý làm căn cứ cho việc cấp các loại giấy tờ khác trong quản lý nhà nước có giá trị sử dụng trong nước và ở nước ngoài, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: Giấy khai sinh có giá trị toàn cầu

ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Hồ Thị Thủy phát biểu ý kiến

Rất nhiều ĐBQH cũng đồng tình với ý kiến này. Theo ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc), việc tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ em là phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Bộ luật Dân sự. Giấy khai sinh là căn cứ pháp lý cho các việc cấp các loại giấy tờ khác trong quản lý nhà nước.

Nhất trí với ý kiến trên, song ĐB Hồ Văn Tính (Tiền Giang) cho rằng giấy khai sinh không có thời hạn, có giá trị suốt đời. Vì vậy việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi là tốn kém, không cần thiết. ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng có chung nhận định.

Về vấn đề Luật Căn cước quy định cấp thẻ căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi, còn Luật Hộ tịch vẫn muốn duy trì giấy khai sinh,Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường đã trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội:

Quan điểm của Chính phủ là đề nghị cấp giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh, sau đó cấp thẻ căn cước công dân. Hai dự án luật này có điểm giống nhau là bảo đảm quyền đăng ký khai sinh của trẻ, nhưng khác nhau ở vật chứa bên ngoài: sự kiện đăng ký khai sinh theo Luật Hộ tịch thì nằm ở giấy khai sinh, còn theo Luật Căn cước công dân thì nằm ở căn cước công dân.

Chính phủ đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý Dự án Luật đăng ký hộ tịch theo hướng cấp giấy khai sinh cho trẻ em khi sinh ra dựa trên nhiều căn cứ.

Thứ nhất, việc cấp giấy khai sinh để chứng nhận sự kiện ra đời của trẻ em, kể cả trẻ là người nước ngoài sinh ra tại Việt Nam. Hầu hết các nước trên thế giới vẫn cấp giấy khai sinh.

Thứ 2, đối với Việt Nam thì giấy khai sinh đã trở thành truyền thống, được duy trì đến ngày hôm nay. Giấy khai sinh còn có giá trị toàn cầu, ra nước ngoài vẫn có giá trị. Trong khi đó, căn cước công dân thì không có giá trị toàn cầu, mà chỉ có giá trị đối với công dân Việt Nam, là giấy thông hành đi lại trong nước. Trong dự thảo có mở ra hướng đi lại trong cộng đồng ASEAN, nhưng cũng chỉ trong cộng đồng hẹp, không có tính chất toàn cầu.

Ngoài ra, căn cước công dân không thể hiện được nhận dạng của trẻ em trước 14 tuổi. Vì vậy, nó không phù hợp với định nghĩa thế nào là căn cước ở trong dự thảo Luật Căn cước công dân. Việc cấp căn cước công dân cho trẻ em sinh ra, đến 14 tuổi lại thay chắc sẽ tốn kém hơn, bởi sản xuất ra một căn cước công dân tốn kém hơn một giấy khai sinh. Chính vì vậy, Chính phủ rất nhất quán trong việc đề nghị với Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong việc xem xét hai dự án luật, các đại biểu thảo luận nên thực hiện theo phương án nào.

Bộ trưởng cũng khẳng định, vẫn giữ giấy khai sinh nhưng sẽ làm thế nào để nó không trở thành một thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân. Thực ra giấy khai sinh cho trẻ em trước khi đủ 14 tuổi cũng là giấy thông hành, trẻ em trước 14 tuổi không ai yêu cầu giấy tờ gì khác ngoài giấy khai sinh.

Có thẻ căn cước công dân rồi thì lúc đó pháp luật không quy định người ta trình thẻ căn cước công dân, lại phải trình thêm giấy khai sinh nữa. Hiện nay ta chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân, chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ tịch thống nhất, thành ra có rất nhiều sự trùng lắp về thủ tục hành chính, bắt người dân phải kê khai rất nhiều.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: Giấy khai sinh có giá trị toàn cầu

ĐB Nguyễn Thị Nhung tham gia ý kiến thảo luận

Về việc quản lý thông tin, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng cho biết: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Chính phủ giao cho Bộ Công an quản lý. Trong cơ sở dữ liệu dân cư sẽ phân ra đâu là cơ sở dữ liệu căn cước công dân như dấu vân tay, nhóm máu. Từ đó, có thể phát triển thêm một nhánh bên Bộ Tư pháp là cơ sở dữ liệu quốc gia về lý lịch. Còn cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ tịch thì ghi nhận những biến động về hộ tịch của một con người. Vì vậy, ví dụ muốn thay tên đệm thì phải đến cơ quan hộ tịch để thay đổi trên giấy tờ, sau đó dữ liệu được cập nhập lên hệ thống điện tử dữ liệu hộ tịch quốc gia.

Cần có quy định đặt tên con

Về vấn đề đặt tên con lạ, hay không thuần Việt, trong nhiều trường hợp còn gây phức tạp cho việc kê khai và sử dụng trên thực tế, ĐB Nguyễn Thị Nhung nêu có những trường hợp cha mẹ ở một số địa phương đặt tên con do ảnh hưởng của phim Hàn Quốc là “Đinh San U”, hay theo thương hiệu điện thoại như “Cao Nokia”. Cũng có trường hợp đặt tên xấu, tên mất thẩm mỹ, gây mặc cảm hoặc tên quá dài gây phức tạp khi sử dụng như trường hợp tên “Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân”.

ĐB Nhung đề nghị, cần đưa vào luật quy định về nguyên tắc đặt tên, nguyên tắc xác định họ, xác định dân tộc cho phù hợp với tập quán, truyền thống lâu nay.

Quy định như vậy để tránh tình trạng vì mong muốn của bố mẹ mà họ và dân tộc của con không phù hợp, ví dụ, cha mẹ là người dân tộc Rắc Lây nhưng lại lấy họ Nguyễn đặt cho con mình. Điều này làm phát sinh họ mới của một dân tộc gây nhầm lẫn, trái phong tục tập quán.

ĐB Nguyễn Văn Minh (TP. HCM) đặc biệt lưu ý việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài. Đây là việc phức tạp, hồ sơ nhiều, cán bộ đăng ký hộ tịch cấp xã, quận huyện chưa đáp ứng được, đặc biệt là các giấy tờ đều là tiếng nước ngoài. Do đó, đại biểu đề nghị giao UBND tỉnh có Sở Ngoại vụ, Tư pháp để thẩm tra, xác minh được thông tin trước khi cấp.

Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, thẩm quyền đăng ký hộ tịch thì nên để một cấp đăng ký là cấp xã, cùng lắm đến cấp huyện, còn cấp tỉnh tập trung quản lý, tập trung dữ liệu. Hơn nữa, tất cả các giấy tờ khi nộp lên đều bằng tiếng Việt.

Ở góc độ khác, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) quan tâm đến cấp giấy khai sinh cho trẻ trong trường hợp cha mẹ đã qua đời, hoặc cha mẹ sử dụng công nghệ cao để thụ thai (như trường hợp người bố đã qua đời mấy năm mẹ mới sinh con do đông lạnh tinh trùng) thì đặt ra việc khai sinh sẽ thế nào, cần quy định rõ để tạo thuận lợi cho cán bộ hộ tịch và công dân trong các trường hợp đặc biệt.

Các ĐBQH đề nghị cần xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử cùng với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để đảm bảo tránh lãng phí, chồng chéo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: Giấy khai sinh có giá trị toàn cầu