Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khuyên các nhà hát phát triển kênh online kiếm tiền, tự lực thời dịch.
Trong diễn đàn trực tuyến về tác động của Covid-19 sáng 22/9, ông Hùng nêu nhiệm vụ cấp bách của hơn 100 đoàn ca múa nhạc, xiếc kịch khắp cả nước: tìm hướng hoạt động để đủ tài chính nuôi sống đơn vị.
Bộ trưởng gợi ý xây dựng "nhà hát online", phát triển trên các nền tảng mạng xã hội. "Tôi lấy ví dụ, khi kênh Youtube của nhà hát có một triệu người theo dõi, doanh thu từ đó mà ra. Vậy chúng ta có làm không, nếu làm thì làm như thế nào, không thể cứ đóng cửa nhà hát mãi như vậy được", ông Hùng nói.
Phó Cục trưởng Nghệ thuật Biểu diễn - Lê Minh Tuấn - cho biết hiện đơn vị nghệ thuật nào cũng có kênh online, fanpage nhưng tương tác chưa cao. Cục dự định ra văn bản hướng dẫn, chỉ đạo phát triển, chăm sóc các kênh để thu hút lượng người xem, tiến tới xây dựng phát sóng có thu phí. "Chẳng hạn, với những vở kịch, chương trình mới ra mắt, khán giả truy cập sẽ phải trả tiền. Đây là xu hướng phù hợp thời đại công nghệ, dễ tiếp cận công chúng trong nước và quốc tế", ông Tuấn cho biết.
Hai năm nay, nhiều đơn vị nghệ thuật cả nước gặp khó khăn, không có nguồn thu vì Covid-19. Các nhà hát ở Hà Nội hoạt động cầm chừng, biểu diễn một số chương trình online theo chỉ đạo của Bộ, sân khấu TP HCM đóng cửa hoàn toàn. Các nghệ sĩ là viên chức hạng bốn được Chính phủ hỗ trợ 3,7 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều nhân viên hậu đài hoặc diễn viên hợp đồng ngắn hạn có hoàn cảnh khó khăn không thuộc danh sách. Nhiều người trong số họ chọn bỏ phố về quê. Hôm 12/8 Âm lịch, nghệ sĩ hai miền trải qua mùa giỗ tổ sân khấu vắng lặng.
Bộ trưởng khen ngợi nỗ lực của nhiều đơn vị nghệ thuật biểu diễn trong hai năm ảnh hưởng vì dịch: "Các bạn đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, dùng âm nhạc xoa dịu nỗi đau, biến lời ca tiếng hát thành động lực tinh thần cho khán giả. Nhiều chương trình phát trực tuyến tạo hiệu ứng tốt".
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng một số hoạt động văn hóa thời dịch có dáng dấp của phong trào, nhiều địa phương, cục vụ còn thụ động, giao thì làm, không giao thì đứng yên... Bộ trưởng nói: "Chúng ta không nên say sưa với những gì đã làm được, phải thẳng thắn, suy ngẫm sâu hơn, nhìn vào sự hy sinh của tuyến đầu chống dịch mà soi mình nhiều hơn".
Hội thảo cũng bàn về những khó khăn của ngành du lịch, thể thao, bên cạnh công tác văn hóa. Theo bộ trưởng, toàn ngành nhìn chung cần chuyển đổi công nghệ số nhưng gặp khó khăn do thiếu nhân lực, nền tảng, cơ sở vật chất chưa đồng bộ. Ngành du lịch muốn phát triển theo hướng thực tế ảo nhưng phương tiện kỹ thuật còn kém.
Diễn đàn ban đầu dự kiến kết nối với lãnh đạo văn hóa 63 tỉnh, thành, có phần hỏi đáp. Tuy nhiên, do trục trặc kỹ thuật, sự kiện chỉ tiến hành nội bộ tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, livestream trên một nền tảng. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng xin lỗi các địa phương do không thể trao đổi trực tiếp với họ.