Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH ở góc độ kinh tế, nếu giảm từ 48 giờ làm việc bình thường/tuần xuống 44 giờ/tuần, tổng thời gian làm việc bình thường sẽ giảm đi 208 giờ, tổng chi phí lao động tăng lên 17%, tổng giá trị xuất khẩu giảm 20 tỷ USD/năm.
Chiều 23/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, việc sửa Bộ luật Lao động (sửa đổi lần này) thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế có liên quan.
Hiện nay, Bộ Lao động lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, xác định 1.810 ngành nghề, lĩnh vực, công việc nặng nhọc độc hại. Theo đó, với điều kiện như thế, thì những đối tượng này sẽ thuộc nhóm nghỉ hưu hưu sớm, thậm chí có thể nghỉ sớm tới 10 năm.
Về thời gian làm việc bình thường, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, giảm giờ làm bình thường là vấn đề lớn có tác động đến tất cả các chủ thể liên quan như đối với người lao động, doanh nghiệp, người sử dụng lao động, nhà nước.
Luật hiện hành quy định thời gian làm việc bình thường là 48 giờ/tuần, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động thực hiện 40 giờ/tuần. Qua đánh giá cho thấy: 89,6% doanh nghiệp áp dụng 48 giờ làm việc/tuần; 3,6% thực hiện 44 giờ/tuần; 6,8% thực hiện 40 giờ/tuần.
Thống kê từ 10 nước ASEAN, có 8 nước bố trí thời gian làm việc 48 giờ/tuần giống Việt Nam, hai quốc gia bố trí thời gian làm việc bình thường thấp hơn là Singapore và Indonesia. Tuy nhiên, Singapore có thu nhập bình quân đầu người là 65.000 USD vào năm 2018, gấp 12 lần Việt Nam.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (ảnh Quochoi.vn)
Bộ trưởng Dung tính toán, ở góc độ kinh tế, nếu giảm từ 48 giờ làm việc bình thường/tuần xuống 44 giờ/tuần, tổng thời gian làm việc bình thường sẽ giảm đi 208 giờ, tổng chi phí lao động tăng lên 17%, tổng giá trị xuất khẩu giảm 20 tỷ USD/năm. Quan trọng hơn, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ giảm đi 0,5%.
"Nước càng giàu thời gian lao động càng ít, nước càng nghèo thời gian lao động càng tăng lên", Bộ trưởng Dung đánh giá.
Trong khi đó, đề cập tới vấn đề này, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân lại cho rằng, người ta đã chứng minh từ 40 giờ trở lên không đem lại hiệu quả lâu dài vì năng suất không tăng. Ở nước ta, từ năm 60 ở miền Bắc công chức làm 8 tiếng, 6 ngày/tuần. Năm 1999 khi chuyển sang 5 ngày theo thông lệ quốc tế, tức là ta đã chậm hơn thế giới gần nửa thế kỷ.
“Hiện nay ở Việt Nam có 2 nhóm người: người làm cho nhà nước thì 5 ngày, doanh nghiệp thì 6 ngày, 48 giờ/tuần. Rõ ràng điều này không bình đẳng. Ở các nước không có luật lao động nào tách riêng, công chức làm ít giờ và công nhân làm nhiều giờ, họ chỉ quy định chung cho đất nước”, ông Nhân nói.
Ông Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng, trên thế giới từ năm 2000 tới nay, không còn làm 40 giờ mà giảm dần. Trong 36 – 38 nước trong tổ chức kinh tế thế giới, chỉ còn 2 nước trên 40 giờ là Mehico 48 giờ/tuần và Hàn Quốc 43 giờ/tuần, còn các nước khác đã xuống dưới 40 giờ.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân (ảnh Quochoi.vn)
Theo ông Nhân, Việt Nam cần có lộ trình chuyển lao động 48 giờ xuống 40 giờ trong vòng 10 năm, có thể trước mắt xuống 44 giờ, sau năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng thì sẽ làm 5 ngày mỗi tuần, tuy nhiên, vẫn đi sau thế giới 80 năm.
“Người Việt Nam mong muốn gì? Hạnh phúc của người Việt Nam, lâu nay chúng ta nêu nhiều giá trị. Nhưng vừa rồi có cuốn sách nghiên cứu về hạnh phúc của người Việt Nam, điều tra người Việt Nam mong muốn gì thì về kinh tế, mong muốn là có thu nhập, có việc làm, có nhà. Nhưng về gia đình thì những giá trị lớn nhất, 95,4% mong muốn có gia đình hoà thuận, 73% con cháu ngoan và tiến bộ… Nếu chúng ta làm việc mỗi ngày 9 – 10 giờ quanh cả năm thì không thể có gia đình hạnh phúc đâu, không có điều đó đâu. Trên thế giới từ bỏ điều này 133 năm nay rồi”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ.
Ông cũng cho rằng, nói “làm thêm là tự nguyện”, nhưng điều này không thực tế, tự nguyện cũng chỉ là một phần thôi. Theo ông, muốn tăng năng suất lao động thì nguồn gốc phải đổi mới công nghệ, chứ tăng giờ làm thì sẽ giảm năng suất lao động.