Giải trình, làm rõ giải pháp hạn chế tỷ lệ thất nghiệp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, sẽ đẩy mạnh hướng nghiệp đào tạo; Triển khai chế độ, chính sách lao động trẻ thiếu việc làm, trong đó bao gồm xây dựng và phát triển chính sách, ưu tiên nguồn vốn, hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm...
Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở ngưỡng cho phép
Trước một số ý kiến của Đại biểu Quốc hội nêu về vấn đề thất nghiệp trong thanh niên, tại phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 4/11, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, chỉ số thất nghiệp và thiếu việc làm trong thanh niên ở nước ta là 7,92%, trong khi, mức bình quân khu vực Đông Nam Á là 9,5%, Brunei là 24%, Timor-Leste là 13,3%... Ở Trung Quốc tính đến tháng 8, tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi 18-24 thất nghiệp là 18,8%, "tức là cứ 5 thanh niên thì 1 người thất nghiệp và thiếu việc làm".
Theo ông Dung "7,92% là con số có thể chấp nhận được. Nhìn chung, tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế vẫn ở ngưỡng cho phép".
Về nguyên nhân gia tăng tỷ lệ thanh niên thất nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam chịu tác động những yếu tố bất ổn khiến sản xuất kinh doanh khó khăn.
Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng có xu hướng ưu tiên nhân lực có nhiều kinh nghiệm, có thể đảm nhận nhiều công việc để tiết kiệm chi phí. "Do đó, lao động trẻ có phần khó khăn để thích ứng".
Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo diễn ra nhanh khiến nhiều công việc thay thế bởi máy móc và công nghệ, gia tăng cạnh tranh với nhóm lao động trẻ. "Một bộ phận lao động trẻ ưu tiên tìm việc ổn định, lâu dài, từ chối nhảy việc ngắn hạn dẫn đến phần thất nghiệp tạm thời".
Đẩy mạnh hướng nghiệp
Về giải pháp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sẽ hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động việc làm, tập trung phát triển kỹ năng cho thanh niên theo hướng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thị trường.
"Nhà nước cũng chú trọng chính sách ưu đãi doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là doanh nghiệp do thanh niên điều hành, khởi nghiệp, thúc đẩy sáng tạo, tạo cơ hội việc làm cho thanh niên".
Cùng với đó, là chính sách cho thanh niên khởi nghiệp, hỗ trợ tài chính, đào tạo kỹ năng quản lý.
Ngoài ra, sẽ có chính sách ưu đãi thuế suất, lãi suất để tạo điều kiện cho thanh niên, nhất là trong đào tạo nghề nghiệp.
Đẩy mạnh hướng nghiệp đào tạo. Triển khai chế độ, chính sách lao động trẻ thiếu việc làm, trong đó bao gồm xây dựng và phát triển chính sách, ưu tiên nguồn vốn, hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm.
Đặc biệt, sử dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp để nâng đỡ, không để thanh niên thất nghiệp dài.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh, giải pháp hài hòa lao động trong nước với tạo điều kiện cho thanh niên, lao động trẻ đi làm việc nước ngoài.
Bên cạnh đó, ưu tiên việc làm trong nước, hạn chế tiếp nhận lao động nước ngoài làm công việc phổ thông. Sau cùng là giải pháp tập trung quản trị lao động thị trường chính quy hơn, chặt chẽ, hiệu quả, gắn với cung cầu lao động.
Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao
Về đào tạo nhân lực, Bộ trưởng nêu rõ, bên cạnh đào tạo nguồn lao động đại trà, cả nước đã chú trọng phát triển nhân lực chất lượng cao, gắn liền với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đó là nền tảng để Việt Nam phấn đấu cuối năm 2025 vào tốp 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Để đạt được mục tiêu này, cần tập trung vào 2 đề án lớn. Đề án thứ nhất là phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Thứ hai là đề án phát triển nhân lực chất lượng cao, phục vụ định hướng phát triển công nghệ cao.
Bên cạnh đó, trong giáo dục nghề nghiệp, ngành tập trung đổi mới theo hướng mở, linh hoạt, hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và nhà nước, trong đó kết nối hoạt động đào tạo với doanh nghiệp là trọng yếu.