Sáng nay (15/11), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn. Theo thông báo, có 22 đại biểu Quốc hội đã đăng ký chất vấn Bộ trưởng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn
Trong đó, 8 vấn đề đầu tiên cử tri và đại biểu quan tâm đã được Bộ trưởng giải đáp.
1. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chất vấn về vấn đề phê duyệt dự án, đề nghị làm rõ còn bao nhiêu dự án vừa và nhỏ đầu tư gây thất thoát vốn, đồng thời chất vấn về vấn đề bán hàng đa cấp.
Về vấn đề bán hàng đa cấp, Bộ trưởng cho biết đã sửa theo hướng thắt chặt hơn, tuy nhiên qua thực hiện đã bộc lộ ra một số vấn đề như các khung khổ pháp lý chưa hoàn thiện, công tác quản lý bán hàng đa cấp chưa rạch ròi, bán hàng đa cấp có sức hút rất lớn bởi những hành vi biến tướng, tập trung vào lợi nhuận "khủng". Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương kiểm tra, từ đầu 2016 đã ban hành 2 chỉ thị, cùng với các địa phương kiểm tra, rút giấy phép 25 doanh nghiệp, xử phạt 14 doanh nghiệp khác. Bộ cũng đã đề nghị sửa đổi Nghị định 42 về bán hàng đa cấp theo hướng thắt chặt hơn, đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ về lĩnh vực này.
2. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) chất vấn về vấn đề quản lý nhà nước đối với phân bón, các biện pháp hạn chế thiệt hại cho người nông dân trước vấn đề phân bón giả, kém chất lượng.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết sau khi có thông tin Bộ NN&PTNT thanh tra các tổ chức xác nhận chất lượng phân bón, Bộ Công Thương đã tổ chức kiểm tra các cơ quan chức năng của Bộ, đã kiểm tra 2 đợt và phát hiện 2 tổ chức được chứng nhận, xác nhận trong việc thực hiện chứng nhận, đã ban hành quyết định hủy bỏ chức năng, giấy phép của 2 tổ chức này. Bộ đã chủ động giao cho các đơn vị trực thuộc chỉ định các tổ chức xác nhận và công bố hợp quy. Sắp tới, Bộ sẽ tiếp tục sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu, không phù hợp, xây dựng hệ quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia để bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng và vấn đề môi trường. Trước mắt, ngoài việc hoàn thiện hệ thống quy chuẩn để gửi Bộ KH&CN thẩm định, sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT để quản lý lĩnh vực này cũng như giao cho các địa phương kiểm tra xử lý các sai phạm.
3. Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) chất vấn về nguyên nhân thua lỗ yếu kém của những siêu dự án; đề nghị Bộ trưởng làm rõ sai phạm, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và những kiến nghị để giải quyết những bất cập, không để tình trạng "con voi chui lọt lỗ kim" như vừa qua.
Bộ trưởng cho biết, về xử lý, khắc phục hậu quả 5 dự án thua lỗ. Các dự án này đều được triển khai đầu tư kéo dài quá thời hạn được phê duyệt. Lại rơi vào thời điểm thị trường thế giới nhiều biến động, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả và tính khả thi của dự án (ví dụ, dự án Đạm Ninh Bình, Xơ sợi Đình Vũ, Gang thép Thái Nguyên, Xăng sinh học Etanol). Các dự án này kém hiệu quả vì năng lực của chủ đầu tư (theo phân cấp các tập đoàn, tổng công ty 91) phải chịu trách nhiệm phê duyệt, thẩm định, năng lực các ban quản lý dự án hạn chế. Năng lực đàm phán, ký kết, quản lý dự án hạn chế làm dự án bị kéo dài, thực hiện không đúng quy định của hợp đồng... Quan điểm của Chính phủ và các bộ ngành là đánh giá rõ ràng, làm rõ nguyên nhân cả về chủ quan, khách quan, qua đó nghiên cứu tổng thể các giải pháp theo quy định của pháp luật và quy luật thị trường trên cơ sở bảo toàn vốn nhà nước, phù hợp với các cam kết quốc tế, có giải pháp khắc phục cụ thể; xem xét trách nhiệm của các chủ thể trên tinh thần cẩn trọng, đúng quy định...
Nếu cố tình làm sai sẽ xem xét xử lý hình sự. Về giải pháp lâu dài, Bộ trưởng nhấn mạnh cần phải đổi mới phương thức quản lý, mô hình quản trị doanh nghiệp nhà nước, hoàn thiện khung khổ pháp lý (tăng cường phân cấp kèm hậu kiểm, quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể).
Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương về quy hoạch điện quốc gia
4. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chất vấn về tính hiệu quả và bảo đảm an toàn của dự án bô xít Tây Nguyên, giải pháp khắc phục hạn chế của dự án.
Về vấn đề bô xít ở Đắk Nông, các dự án được triển khai thực hiện phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường. Các cơ quan quản lý Trung ương, địa phương đã giám sát chặt chẽ việc thi công dự án. Tuy nhiên trong quá trình thi công đã xảy ra một số sự cố (đã được kiểm tra, khắc phục, rút kinh nghiệm kịp thời). Bộ trưởng cam kết sẽ phối hợp với địa phương tăng cường giám sát để bảo đảm an toàn dự án.
5. Đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) chất vấn giải pháp ngăn chặn tình trạng sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng, lập lại trật tự thị trường phân bón.
Về quản lý nhà nước trong đấu tranh chống hàng lậu, đặc biệt là mặt hàng phân bón, Bộ trưởng khẳng định có trách nhiệm của quản lý nhà nước đối với thị trường phân bón (còn chồng chéo giữa Bộ NNPTNN và Bộ Công Thương trong quản lý phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ), nguồn lực quản lý hạn chế... Hai Bộ đã nhiều lần phối hợp bàn thảo, kiến nghị cấp trên giao 1 cơ quan quản lý mặt hàng phân bón; bên cạnh đó tăng cường hoạt động đấu tranh phòng chống hàng giả; sớm xây dựng khung khổ pháp lý đặc biệt về quy chuẩn, tiêu chuẩn để phát triển bền vững ngành hàng này,...
6. Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) chất vấn về vấn đề vận hành các công trình thủy điện, xử lý sai phạm trong xả lũ thủy điện, rà soát quy hoạch thủy điện...
Về vận hành xả lũ các công trình thủy điện, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã có báo cáo, đánh giá toàn diện nội dung này với Quốc hội. Khẳng định chúng ta không phát triển thủy điện bằng mọi giá. Hiện cơ bản chúng ta đã khai thác hết tiềm năng thủy điện lớn. Rà soát loại bỏ những dự án nhỏ, không bảo đảm hiệu quả kinh tế và môi trường...
7. Đại biểu Nguyễn Bắc Sơn (Đà Nẵng) chất vấn về vấn đề cạn kiệt tài nguyên nước và xâm nhập mặn tại Đà Nẵng, ảnh hưởng tới hàng triệu người dân vùng hạ du sông Vu Gia mà nguyên nhân được cho là do Thủy điện Đắk Mi 4.
Về vấn đề điều hòa nước của Thủy điện Đắk Mi 4, đã có quy trình điều hành liên hồ chứa. Trong thời gian vừa qua, việc điều hòa nước còn nhiều vướng mắc, gây bắc cập.
Bộ trưởng cho biết trên cơ sở cam kết quốc tế, Bộ Công Thương đã thể hiện rõ quan điểm tập trung khai thác nguồn lực, đặc biệt từ doanh nghiệp trong nước. Trong quá trình xây dựng chính sách, Bộ cũng phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục xây dựng các chính sách cụ thể về thuế để bảo đảm yêu cầu hài hòa của nền kinh tế, cũng như bảo vệ, bảo hộ các ngành sản xuất trong nước một cách hợp lý, hợp pháp. Quan điểm của Bộ Công Thương mong muốn các bộ ngành liên quan có một mức thuế phù hợp đối với các linh kiện, chi tiết máy móc mà trong nước chưa sản xuất được.
8. Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) chất vấn về quy hoạch điện quốc gia, đặt câu hỏi Bộ Công Thương cân đối nguồn điện trong thời gian tới như thế nào để đáp ứng nhu cầu sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt.
Về quy hoạch điện quốc gia, Bộ trưởng cho biết quan điểm là bằng mọi giá phải bảo đảm điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, phải xây dựng được sơ đồ không chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt mà phải hướng tới sự phát triển bền vững, trên cơ sở nền năng lượng xanh và sạch. Bên cạnh nghiên cứu các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển điện tái tạo, tiếp tục phát triển các nguồn điện cơ bản, bằng việc nâng cao chất lượng, bảo đảm công nghệ xử lý chất thải của điện than, bảo đảm vấn đề môi trường. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn điện bằng quản trị và công nghệ.