Bộ trưởng Công Thương: Cán bộ làm sai, cả ngành mang tiếng

Minh Khang| 21/01/2022 14:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ông Nguyễn Hồng Diên cho rằng, những sai phạm của cán bộ quản lý thị trường năm qua là "nỗi sỉ nhục" của ngành, cần rốt ráo chấn chỉnh, xử lý nghiêm.

Tại hội nghị tổng kết năm 2021, phương hướng nhiệm vụ 2022 của Tổng cục Quản lý thị trường, sáng 21/1, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, tinh thần cán bộ làm việc năm qua đã có chuyển biến, tích cực.

Tuy nhiên, Bộ trưởng nhận xét, ngành này vẫn còn nhiều tồn tại, nhất là kỷ cương, đạo đức công vụ của cán bộ quản lý thị trường chưa nghiêm. Năm qua, quản lý thị trường có 117 người bị kỷ luật, thậm chí có cán bộ bị khởi tố, tạm giam.

Ông Diên cho rằng, những sai phạm của cán bộ quản lý thị trường trong năm 2021 là "nỗi sỉ nhục" của ngành, "không thể chấp nhận được" và cần rốt ráo chấn chỉnh, xử lý nghiêm.

Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Công Thương .phát biểu tại hội nghị tổng kết quản lý thị trường, ngày 21/1 Ảnh: Phương Thu

Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Công Thương .phát biểu tại hội nghị tổng kết quản lý thị trường, ngày 21/1 Ảnh: Phương Thu

Nguyên nhân theo người đứng đầu ngành Công Thương, do quán triệt các quy định của ngành, lực lượng chưa tốt; chế tài xử lý sai phạm chưa đủ mạnh, còn nể nang, né tránh.

"Phải xốc lại kỷ cương, đạo đức công vụ của ngành. Năm nay, ngành vẫn để xảy ra tình trạng "nhờn chỉ đạo, kỷ cương", lãnh đạo Tổng cục phải chịu trách nhiệm; lập tức xử lý, thay đổi vị trí công tác. Làm nghiêm như vậy mới có lực lượng hùng mạnh, có được niềm tin của nhân dân", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Ông cũng nhiều lần nhắc tới việc xử lý sai phạm trong lực lượng quản lý thị trường sẽ không có vùng cấm.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng đồng thuận khi cho rằng cần loại ra khỏi ngành những người coi thường pháp luật. Muốn thay đổi hình ảnh của lực lượng quản lý thị trường, thì không được phép để xảy ra các vi phạm tương tự.

"Nếu quá nhiều đơn thư, người đứng đầu cũng phải chịu trách nhiệm. Cần làm mạnh hơn vấn đề này để giữ gìn đoàn kết lực lượng", ông Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

Những hạn chế của quản lý thị trường cũng được Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nhận diện. Ông Linh nêu, việc xảy ra nhiều sai phạm là do năng lực trình độ, chưa quyết liệt kiểm tra kiểm soát, dẫn đến một số cán bộ bị kỷ luật, bị khởi tố, suy giảm đạo đức công vụ, đơn thư còn xảy ra. "Ban lãnh đạo xấu hổ do có cán bộ xảy ra sai phạm, nên Tổng cục trưởng đã yêu cầu 63 cục trưởng ký cam kết, ràng buộc trách nhiệm", ông Linh nói.

Từ những tồn tại của quản lý thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao Tổng cục Quản lý thị trường cùng Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương ban hành ngay quy chế siết lại kỷ cương, kỷ luật, trong đó đề cao trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị để xảy ra sai phạm.

"Nếu người lãnh đạo đơn vị không nêu gương, để xảy ra sai phạm phải xử lý nghiêm bằng việc giáng chức hoặc thay đổi vị trí công tác để hết cơ hội thoả hiệp", Bộ trưởng Diên nói thêm.

Công tác bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, đạo đức công vụ cho cán bộ quản lý thị trường cũng được lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh là nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay.

Bối cảnh năm 2022 và những năm tới sẽ ngày càng nhiều FTA thực thi, hành vi gian lận thương mại ngày càng tinh vi, ông yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường đề xuất một số cơ chế, chế tài kiểm soát vi phạm trong hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, để Bộ Công Thương tham mưu, trình Chính phủ, Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới.

Quản lý thị trường đẩy mạnh hơn trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu sai phạm con người.

"Quản lý thị trường khẳng định được vị trí, uy tín của mình thì góp phần khẳng định thương hiệu ngành Công Thương tốt hơn, và ngược lại. Thuốc đắng sẽ chữa được bệnh. Chúng ta cần nỗ lực để năm tới tốt hơn", Bộ trưởng Công Thương chia sẻ.

Ông Trần Hữu Linh khẳng định, 2022 sẽ là năm ngành này quyết liệt chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật công vụ.

Trở lại năm 2021, ông Linh cho biết, lực lượng quản lý thị trường đã tập trung vào nâng cao hiệu quả đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Theo đó, 63 cục đã ký cam kết với gần 100.000 cơ sở kinh doanh, xử lý 3498 vụ vi phạm, xử phạt hành chính trên 81 tỉ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 60 tỉ đồng.

Nhiều vụ việc lớn, phức tạp được lực lượng quản lý thị trường và lực lượng công an phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm thay vì những vụ nhỏ lẻ, vụn vặt như trước.

Đến nay, một số vụ việc đã chuyển cơ quan công an như tạm giữ trên 4 triệu sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu giả mạo, trị giá 17 tỉ đồng tại Bắc Ninh; vụ việc 21 bãi than có dấu hiệu vi phạm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Công Thương: Cán bộ làm sai, cả ngành mang tiếng