Bộ trưởng Bộ Y tế: “Bệnh viện nào nhà vệ sinh bẩn là giám đốc đó ở bẩn”

Thảo Nguyên| 27/10/2018 13:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến "Bệnh viện nào nhà vệ sinh bẩn là giám đốc viện đó ở bẩn. Khoa nào không có nước rửa tay là trưởng khoa đó ở bẩn".

Chỉ số hài lòng với dịch vụ y tế tăng

Sáng 27/10, giải trình trước Quốc hội về chất lượng khám chữa bệnh tuyến y tế cơ sở, Bộ Trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, nhờ nỗ lực của toàn ngành, sự chỉ đạo của Chính phủ cũng như thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, chất lượng khám chữa bệnh đã đạt được tiến bộ rõ nét. Theo PAPI đánh giá 70% hài lòng. Tỷ lệ hài lòng bệnh nhân nội trú là 80%.

Theo Bộ trưởng Tiến, ngành đã ban hành tiêu chí chất lượng bệnh viện (83 tiêu chí theo tiêu chuẩn quốc tế), tổ chức đánh giá độc lập, chấm điểm phân loại bệnh viện theo kết quả chấm điểm, tiến tới có tổ chức quốc tế đánh giá và được công khai trên các phương tiện thông tin truyền thông. Việc này đã làm ở các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh…

Ngành Y tế đã xây dựng nhiều tuyến bệnh viện mới ở tỉnh, huyện, tuyến Trung ương được sửa chữa nâng cấp tạo nên các bệnh viên khang trang xanh- sạch – đẹp. Đổi mới toàn bộ thái độ phong cách làm việc hướng tới hài lòng của người bệnh được triển khai quyết liệt trong toàn ngành. Các bệnh viện rộng rãi, khang trang, ứng dụng công nghệ thông tin, có nơi chờ, có nơi lấy số, có quạt, có người hướng dẫn, có bộ phận tiếp dân và có đường dây điện thoại nóng để người dân phản ánh.

Bộ trưởng Bộ Y tế: “Bệnh viện nào nhà vệ sinh bẩn là giám đốc đó ở bẩn”

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu trước Quốc hội sáng 27/10

“Thời gian qua, Bộ đã xử lý 10.000 cán bộ ngành y tế có thái độ với người bệnh và người nhà bệnh nhân. Chúng tôi cũng tăng xã hội hóa, khuyến khích loại hình công tư, để thu hút vốn cho bệnh viện”, vị Tư lệnh ngành Y nhấn mạnh.

Riêng về vấn đề vệ sinh bệnh viện, Bộ trưởng Y tế cho biết, ngành đã rất quyết liệt thực hiện. “Nếu bệnh viện nào để nhà vệ sinh bẩn thì giám đốc bệnh viện đó ở bẩn, nếu khoa nào để nhà vệ sinh bẩn, trong khoa không có bồn rửa tay thì trưởng khoa đó ở bẩn”, Bộ trưởng Tiến nói.

Người đứng đầu ngành Y tế cho rằng, về cơ chế tài chính, ngành y tế đang tiến tới lộ trình tính đúng, tính đủ, đưa cả lương vào giúp cho chất lượng khám, chữa bệnh tăng, tài đầu tư tăng, giảm bớt ngân sách. Chất lượng bệnh viện tốt còn thu hút nhiều người tham gia bảo hiểm tăng, tỷ lệ tham gia bảo hiểm vừa qua vượt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Ba "chân kiềng" phát triển ngành y tế

Tuy đạt được nhiều kết quả, song người đứng đầu ngành Y tế cũng thừa nhận, sự cải thiện chưa được như mong muốn.

Nguyên nhân một phần do người bệnh chưa yên tâm với cơ sở y tế tuyến dưới, bị bệnh nhẹ người dân cũng vào viện tuyến trên. "Chẳng hạn dịch chân tay miệng bùng phát tại các tỉnh phía Nam vừa qua, bệnh nhân mắc nhẹ ở độ 1, độ 2 cũng vào viện tuyến trên, khiến lượng bệnh nhân tại đây quá tải”, bà Tiến dẫn chứng.

Ngoài ra, chăm sóc bệnh viện vẫn chưa được toàn diện, chưa đáp ứng đủ tỷ lệ nhân viên y tế trên mỗi bệnh nhân. Mặt khác, chất lượng y tế cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu, không đồng đều các miền. "Bộ xin tiếp thu để nâng chất lượng khám chữa bệnh tại các vùng, miền hơn nữa", bà Tiến hứa.

Về giải pháp được Bộ Y tế đưa ra, bà Tiến cho biết: “Thực hiện nghiêm các nghị quyết, chúng tôi giải quyết kiềng 3 chân giải pháp", đó là:

Chân kiềng thứ nhất là xây dựng y tế cơ sở, chăm sóc con người khi đang còn khoẻ mạnh, phát hiện bệnh sớm vì "nếu bị rồi thì chữa rất khó và rất tốn kém". Chương trình chăm sóc sức khoẻ ban đầu phải gắn với mô hình y học gia đình, trạm y tế xã phường và phòng khám bác sĩ gia đình.

"Chúng tôi đang xây dựng 26 mô hình điểm giống mô hình các nước đã phát triển một cách toàn diện cả về con người, cơ sở vật chất, hoạt động, cơ chế tài chính", bà Tiến nói và cho biết các nước có thu nhập bình quân 15-17.000 USD thì họ mất 10 năm xây dựng mô hình này. Việt Nam với mức thu nhập gần 3.000 USD cũng sẽ cố gắng phấn đấu 10 năm, trong 5 năm tới có mô hình cơ bản và trong 20 năm nhân rộng trong cả nước. 

"Mong Chính phủ sớm phê duyệt hai ODA xây dựng y tế cơ sở, ưu tiên vùng sâu vùng xa", bà Tiến cho hay.

Chân kiềng thứ hai, khi bị bệnh phải vào bệnh viện, phải được chăm sóc chu đáo, toàn diện, chất lượng, giảm thời gian điều trị, giảm lây chéo, giảm người ra nước ngoài.

Sắp tới Bộ Y tế sẽ khánh thành một loạt cơ sở y tế hiện đại khám kiểm tra giống chất lượng nước ngoài, có cán bộ cao cấp thậm chí mời chuyên gia nước ngoài theo yêu cầu, để người Việt có thể khám chữa bệnh ở trong nước với chất lượng như ở nước ngoài. Đó là những điều nằm trong tầm tay.

Chân kiềng thứ ba, đó là nhân lực, tài chính, đó là cơ sở hạ tầng.  Về nhân lực, Quốc hội sẽ thông qua luật giáo dục đào tạo, có cơ chế riêng cho ngành y tế, sau 6 năm, phải thực hành, rồi thi cấp chứng chỉ, rồi học chuyên khoa 3 năm, sau đó mới có thể hành nghề. Các điều kiện này tiệm cận quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Bộ Y tế: “Bệnh viện nào nhà vệ sinh bẩn là giám đốc đó ở bẩn”