Tại phiên thảo luận về Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) mới đây, trước nhiều ý kiến tranh luận về hoạt động KTNN đối với dự án PPP, Bộ trưởng KH&ĐT đưa ra quan điểm rằng, doanh nghiệp tư nhân có quyền thuê kiểm toán độc lập.
Chỉ kiểm toán toàn bộ giá trị dự án PPP khi chuyển giao cho Nhà nước
Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về hoạt động kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP tại Điều 87 dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, bản chất dự án PPP là nhằm mục tiêu công nhưng có sự kết hợp công - tư trong đầu tư vốn, quản trị dự án, dự án đã trải qua quá trình lựa chọn nhà đầu tư với nhiều quy trình, thủ tục chặt chẽ. Cơ chế, chính sách pháp luật vừa phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP.
Mặt khác, Hiến pháp và pháp luật về kiểm toán Nhà nước quy định Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán tài chính công, tài sản công. Do đó, nếu quy định Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ khó thu hút, huy động được nguồn vốn từ khu vực tư nhân cho sự phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất kiểm toán những phần thuộc ngân sách Nhà nước, một số nội dung như Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư quy định
Ngoài ra, theo khuyến nghị của Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao quốc tế, đối với tài liệu liên quan của bên đối tác tư nhân, Kiểm toán Nhà nước chỉ được tiếp cận nếu các bên có thỏa thuận trong hợp đồng dự án PPP mà không đương nhiên có quyền tiếp cận như đối với tài liệu của bên đối tác là khu vực công.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động kiểm toán Nhà nước như sau:
Một là, Kiểm toán tuân thủ về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công. Nội dung kiểm toán này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, đã được quy định căn cứ khuyến nghị tại chuẩn mực kiểm toán số ISSAI 5220 của Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao quốc tế mà Kiểm toán Nhà nước Việt Nam là thành viên. Dự thảo Luật đã lược bỏ quy định về thời điểm yêu cầu đối với nội dung kiểm toán này.
Hai là, kiểm toán việc sử dụng vốn nhà nước để bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm (nếu có) quy định tại Điều 74 của Luật này; hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khi tách thành một dự án thành phần quy định tại điểm a khoản 5 Điều 72 của Luật này; sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT quy định tại khoản 3 Điều 45 của Luật này.
Ba là, kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trên cơ sở các chỉ số đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ của dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công sau thời gian vận hành, khai thác tối thiểu 3 năm.
Bốn là, khi chuyển giao cho Nhà nước thì thực hiện kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP.
Kiểm toán theo đúng quy định để đảm bảo tính công khai minh bạch
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, dự án PPP là đầu tư công vì dự án này do Nhà nước chủ trì, mời gọi nhà đầu tư tư nhân tham gia và dự án được lập ra dựa trên chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và yêu cầu phát triển đất nước. Nó chỉ khác là do Nhà nước chưa đủ tiền để làm ngay nên cần có sự hợp tác với tư nhân. PPP là dự án đầu tư công vì dự án này phải được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Trong hợp tác công - tư thì phần tư Nhà nước phải trả tiền cho nhà đầu tư bằng giá trị công trình như hợp đồng BT hay bằng quyền thu phí để hoàn vốn trong hợp đồng BOT. Vì vậy, bản chất của hợp tác công - tư là đầu tư công và đã là đầu tư công thì phải tuân thủ việc thực hiện kiểm toán theo đúng quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước.
Theo đại biểu, các nội dung kiểm toán gồm tính tuân thủ quy định pháp luật, quy định hợp đồng và quy chế dự án, tránh tình trạng thời gian qua các dự án BOT giao thông đặt sai vị trí. Bên cạnh đó là kiểm toán giá trị công trình để tính toán hiệu quả thu phí, làm căn cứ trả nợ; kiểm toán hiệu lực, hiệu quả kinh tế của dự án, đảm bảo tính công khai minh bạch.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, cần lưu ý kiểm toán đầu tư dự án, bởi trong dư luận cũng cho rằng nhiều dự án, nhiều doanh nghiệp chậm chạp do những cá nhân tìm cách này, hay cách khác để bôi trơn.
Minh họa ý này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đưa ra ví dụ "mới đây là dự án Tenma của Nhật Bản, Kiểm toán nhà nước phải vào để kiểm tra, giám sát".
Có cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) cho biết, bản chất của dự án đầu tư PPP là hợp đồng đầu tư của Nhà nước để thu hút nguồn lực đầu tư, huy động nguồn lực của tư nhân để đầu tư công trình công. Nhà nước thực hiện đầu tư qua hợp đồng PPP không trực tiếp trả kinh phí cho nhà đầu tư mà cho phép nhà đầu tư được thu phí với mức thu và thời hạn thu do Nhà nước quy định hoặc trả bằng giá trị quyền sử dụng đất.
Do đó, nếu không kiểm toán phương án đầu tư, phương án tài chính và không kiểm toán toàn diện dự án PPP thì không thể xác định được mức thu phí, thời gian thu phí, không thể xác định chính xác giá đất để thanh toán cho nhà đầu tư. Vì vậy, dự thảo Luật cần quy định kiểm toán toàn diện đối với dự án PPP.
Đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư, Nhà nước và người dân
Không đồng tình với các ý kiến trên, này, đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) cho rằng luật PPP theo hình thức đối tác công tư chứ không phải đầu tư công, đều có vốn nhà nước và tư nhân. Chỉ khi hết quá trình vận hành, bàn giao cho Nhà nước toàn bộ mới là tài sản công 100%. Do đó, kiểm toán toàn diện không hợp lý vì có dự án nhà đầu tư chỉ yêu cầu Nhà nước hỗ trợ giao đất đai, mặt bằng. Việc kiểm toán chỉ nên ở các tài sản công, còn phần vốn đầu tư tư nhân sẽ kiểm toán giá trị đầu ra, sản phẩm chất lượng đầu ra.
"Thiết kế luật đã rõ, phần nào ngân sách nhà nước sẽ kiểm toán theo đầu tư công, còn cấu phần nào gồm cả vốn nhà nước và tư nhân, hoặc tư nhân sẽ thuê kiểm toán độc lập để minh bạch. Thiết kế như vậy vừa đúng hiến pháp, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư, Nhà nước và người dân", đại biểu Đỗ Văn Sinh đánh giá.
Cùng ý kiến này, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) cho rằng dự án PPP mang tính chất đặc thù, vừa công vừa tư, nên không thể áp dụng kiểm toán công toàn bộ hay tư toàn bộ. Vì vậy, kiểm toán phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp luật, hiến pháp. Từ đó, đại biểu đề nghị xem xét thời điểm xác định tiến hành kiểm toán và chỉ nên kiểm toán ở giai đoạn khi công trình đã hoàn thành và chuẩn bị đi vào vận hành.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) cũng cho rằng, theo Luật Đầu tư công đã xác định dự án đầu tư công là dự án sử dụng toàn bộ, hoặc một phần đầu tư công với phương thức PPP. Vậy thì Luật Đầu tư công tại khoản 3 Điều 4 Luật Kiểm toán Nhà nước quy định tại khoản 3 Điều 3, đơn vị Kiểm toán là đơn vị tổ chức kiểm toán tài sản công và tài sản cấm, cho nên chỉ kiểm toán những phần tài chính công của nhà nước đầu tư vào.
Bày tỏ đồng ý với đại biểu Sinh, cần kiểm toán ở từng phần: ngân sách nhà nước; kiểm toán xem có đúng quy trình không, chất lượng như thế nào, chủng loại, nguyên vật liệu thiết bị ra sao; thời gian là tiền kiểm hay hậu kiểm và khi dự án kết thúc chuyển giao cho Nhà nước chắc chắn phải kiểm toán, đại biểu Hạ cũng nêu rõ đối với những dự án để xảy ra những vấn đề thất thoát..., đấy là vấn đề quản lý nhà nước là trách nhiệm chung của rất nhiều bên, chứ không phải khi kiểm toán phát hiện ra mới khắc phục những việc đó.
Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn, dự án PPP không phải là một dự án đầu tư công hoàn toàn, nên thực hiện dự án thông qua hợp đồng giữa một bên là cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước và một bên là doanh nghiệp.
Nếu thực hiện kiểm toán, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn toàn thống nhất là cần phải có kiểm toán của Nhà nước. Tuy nhiên, kiểm toán cái gì, nội dung nào, thời gian nào thì theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất kiểm toán những phần thuộc ngân sách Nhà nước, một số nội dung như Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư quy định.
Trong đó tập trung vào lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu, chất lượng dịch vụ và giá trị dự án khi chuyển giao cho cơ quan Nhà nước quản lý. Còn doanh nghiệp tư nhân có quyền thuê kiểm toán độc lập để kiểm toán các hoạt động của doanh nghiệp.