Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, đã có đề án với lộ trình xử lý cụ thể, mục tiêu năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý 12 dự án kém hiệu quả.
Giải trình trước Quốc hội liên quan đến 12 dự án nghìn tỉ kém hiệu quả, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, đã triển khai tích cực, đồng bộ, toàn diện đề án Chính phủ đã phê duyệt, theo lộ trình đến 2018 và 2019 sẽ xử lý tương đối toàn diện và triệt để các tồn tại để kết thúc vào năm 2020.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, phải thực hiện các nguyên tắc cụ thể như: Các giải pháp, giải quyết phải trong khuôn khổ của luật pháp; thứ hai là phải đảm bảo đúng nguyên tắc của thị trường và không có chuyện trợ cấp và cung cấp vốn từ ngân sách nhà nước. Thứ ba, đảm bảo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các chủ đầu tư, của các doanh nghiệp. Cuối cùng là phải phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế.
Các Bộ ngành đã phối hợp rất chặt chẽ trong việc này, đến nay, tiến độ đến nay cơ bản đạt một số kết quả tích cực. Sáu dự án dừng kinh doanh thì đã có 2 dự án, nhà máy bước đầu hiệu quả tích cực, không còn lỗ nữa, sẽ sớm đưa ra khỏi danh sách. Bốn dự án còn lại cũng đã từng bước khôi phục hoạt động, giảm lỗ.
Hai dự án liên quan tới nhiên liệu sinh học cũng đã có những chuyển biến cụ thể. Các dự án khác như Gang thép Thái Nguyên, giấy Phương Nam... có nhiều vấn đề phức tạp như công nghệ, thậm chí vi phạm pháp luật, trong thời gian tới sẽ tiếp tục xử lý rất đồng bộ, theo đúng quy định của pháp luật...
Trước đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết về tái cơ cấu các lĩnh vực công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương đã rất tích cực thực hiện, có những đề án và nhiệm vụ lớn.
Trong 2 lĩnh vực công thương đã duy trì được tăng trưởng. Cơ cấu của công nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là nền tảng của nền kinh tế. Năm 2016 tăng 11,9%, 2017, 14,4%, 9 tháng đầu năm là 13%. Cơ cấu trong hàng xuất khẩu đã tăng lên trên 80% vào 9 tháng đầu năm. Ngoài điện thoại thông minh, các lĩnh vực như chế biến thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện ôtô cũng tăng trưởng.
Tăng trưởng của công nghiệp đóng góp vào tăng trưởng thương mại. Dệt may đứng thứ 7, thủy sản thứ 4, điện thoại thông minh đứng thứ 12, đồ gỗ đứng thứ 5, chúng ta đứng thứ 27 trong số những nước xuất khẩu nhiều nhất.
Đã có nhiều doanh nghiệp lớn, đóng góp lớn cho tăng trưởng công nghiệp và xuất khẩu. Năm 2017-2018 cũng chứng kiến sự tăng rưởng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước đã tăng 17%, năm ngoái là 11%, trong khi năm 2018, khói FDI chỉ tăng 15%. Điều này cho thấy đó là sự chuyển dịch tích cực.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng phân tích thêm về cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung và cho biết, Chính phủ rất quan tâm, các bộ ngành nghiên cứu, phối hợp thường xuyên và báo cáo Chính phủ, từ đó khai thác tốt cơ hội và hạn chế các nguy cơ. Do không có thời gian, Bộ trưởng xin phép sẽ báo cáo đầy đủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.