16 năm bỏ trốn, sống lang bạt khắp các nước Thái Lan, Hồng Kông, Trung Quốc, cuối cùng Long cũng trở về đầu thú. 3 năm trôi qua kể từ khi đặc xá trở về, giờ anh đã là một ông chủ có tiếng ở Lào Cai.
Tất cả chỉ vì tính nóng
“Tất cả mọi sai lầm đều từ cái tính nóng như hổ lửa của tôi mà ra cả”, Nguyễn Hà Long, ông chủ một dãy nhà nghỉ ở ga Lào Cai mở đầu câu chuyện về cuộc đời mình như thế.
Nguyễn Hà Long quê gốc ở Hoa Lư, Ninh Bình. Thuở thanh niên anh là người đàn ông đẹp trai, tháo vát và có lẽ nhờ thế mà anh cưới được một cô gái con nhà gia giáo, có nước da trắng và nụ cười duyên đến nỗi gặp một lần nhớ mãi. Ngày ngày, anh đạp xe tới hết làng trên xóm dưới mua mít mang về cho chị bổ bán, lời lãi không nhiều nhưng được cái lúc nào trong túi cũng có tiền.
“Tính tôi nóng nảy, ai làm điêu là không chịu được”, anh nói như mở đầu về quãng đời trôi nổi của mình. Một buổi chiều đạp xe đi mua mít, gần tới thị xã Tam Điệp, Long bắt gặp một cặp vợ chồng đứng tuổi đang đứng tần ngần bên một quả mít lớn. Nhìn bộ quần áo lếch thếch, anh đoán vợ chồng này đã đứng ở đây lâu lắm rồi mà chưa bán được hàng nên dừng lại hỏi mua. Sau khi cân, thanh toán tiền xong, anh Long gửi lại quả mít, nhờ trông hộ rồi tiếp tục hành trình đi mua hàng thế nhưng khi quay về thì món hàng mua trước đó đã không còn. Người chồng xin lỗi anh Long, đưa cho anh quả mít bé hơn và xin rút lại một phần tiền hàng với lý do người vợ không biết đã bán quả mít trên cho khách đi đường, không thể đòi lại được. Máu nóng bốc lên đầu, anh Long vơ luôn chiếc cân quả, đập túi bụi vào người đàn ông tới khi người đàn ông này máu me bê bết mới sực tỉnh. Vội vàng đưa nạn nhân vào bệnh viện, anh đã khóc vì ân hận bởi người bị đánh là một thương binh và với hành vi cố ý gây thương tích, anh bị kết án 18 tháng tù, bị đưa vào trại cải tạo của Quân khu 3 ở Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Do biết lỗi, lý lịch thân nhân tốt nên khi thời gian cải tạo ở trại, anh được phân công dọn dẹp vệ sinh, rửa ấm chén nơi làm việc của cán bộ. Tuy nhiên do vợ ốm khi đang mang thai, hoàn cảnh gia đình neo người nên anh được hoãn thi hành án, về nhà chăm vợ. Tai họa lại tiếp tục xảy ra.
Thời gian ở nhà, Long đi buôn mật ong với một người bạn và với chiếc xe máy Minsk của anh bạn, hai người thường rong ruổi lên các bản làng vùng cao mua mật ong, đem về thị xã bán. Một lần đi mua hàng về tới Gia Viễn thì trời đổ mưa to, đường trơn trượt lại không thuộc đường nên Long lao xuống một hố sâu ven đường. Người bạn ngồi sau văng ra ngoài còn anh bị chiếc xe đè lên, dụi dưới hố nước. Thấy đau hẫng một bên vai, Long đoán mình đã bị gãy xương nhưng vẫn cố đẩy chiếc xe ra khỏi người, bò lên tìm bạn. Thấy bạn thiêm thiếp, anh vội kéo bạn vào chiếc quán ven đường cho khỏi bị mưa xối vào người rồi ôm vai cứ thế đi bộ về nhà, bảo người thân đưa vào bệnh viện băng bó. Sau khi choàng được chiếc dây treo cánh tay phải lên cổ, lúc bấy giờ anh mới báo cho mọi người biết còn một người bị tai nạn nữa đang nằm lại giữa đường. Theo địa chỉ mà anh mô tả, mọi người vội chạy tới song tất cả đã muộn, người bạn đồng hành của anh đêm hôm đó đã thiệt mạng.
Kể về chuyện này, Long cho biết lúc đấy không phải anh có ý định bỏ bạn giữa đường mà vì đêm khuya, xe cộ đi lại gần như vắng hẳn, bản thân lại bị gãy xương, không biết mức độ thế nào, nếu ở lại chờ người tới cứu có khi nguy hiểm cho cả hai nên mới tính chuyện vào bệnh viện băng bó sau đó sẽ quay lại, ai ngờ…
Ảnh vợ chồng anh Long chụp những ngày khốn khó
Mang nỗi ân hận vì để bạn chết về Kim Bảng cải tạo, không ngày nào anh không cầu nguyện để bạn mình được siêu thoát và mong bạn bỏ qua lầm lỗi của mình. Anh bảo ngày ấy mình còn trẻ, ngày làm việc mệt nên ngủ như chết nhưng cứ tang tảng sáng, anh lại nhớ tới người bạn xấu số bởi đó cũng là thời điểm anh nhắc mọi người đi cứu giúp bạn mình. 12 tháng như thế trôi qua, một hôm đang quét dọn văn phòng hội trường, anh được quản giáo gọi lên có thư. Cầm chiếc phong bao nặng trịch, có dòng chữ của CQĐT Công an tỉnh Hà Nam Ninh, anh run run bóc mà trong lòng phân vân không hiểu chuyện gì đang đến với mình. Rồi anh sững người khi biết đó là một bản cáo trạng đề nghị truy tố anh về tội không cứu giúp người bị nạn. Chưa đầy 6 tháng nữa là anh hết hạn tù, bao dự định nung nấu trong đầu bỗng trở nên vô duyên khi anh biết mình đang phải đối diện với một án tù mới. 7 đến 12 năm tù là mức án mà VKS đề nghị. Trong lúc sợ hãi, anh bỏ trốn khỏi nơi giam giữ và từ đây, anh thực sự bước chân vào con đường bôn ba, tứ xứ. Đó là đầu năm 1991, khi con trai anh được ba tuổi. Kể từ giờ phút đó, anh là một tên tù trốn trại, bị truy nã toàn quốc.
Vượt khỏi nơi giam giữ, ngay đêm đó, Long đón xe vào Bình Thuận, kiếm sống bằng nghề phu hồ, thợ xây, lang thang khắp mấy tỉnh miền Tây Nam Bộ. Sau đó anh trốn sang Lào rồi sang Thái Lan, qua Hồng Kông xin tị nạn chính trị nhưng không được. Bị cảnh sát Hồng Kông đưa vào trại tập trung, biết thế nào cũng bị trả về nước, anh trốn về Vân Nam, Trung Quốc. Chiều chiều ra ngã ba sông Hồng, nhìn về đất nước mình, trong lòng anh lại cồn cào vì nhớ nhà nên năm 1993, khi mở cửa biên giới, anh quyết định quay về Lào Cai lập nghiệp.
Đầu thú khi đã là ông chủ
Ngày ấy mảnh đất địa đầu Tổ quốc này còn hoang sơ lắm, chỉ có vài nóc nhà còn xung quanh là rừng rậm. Thời gian đầu anh sống với một gia đình người Thái, cũng chăn lợn, thả gà để sống. Khi đã có chút vốn liếng, anh bí mật về Ninh Bình đón vợ con lên ở cùng. Khỏi phải nói ngày đầu lập nghiệp ở vùng đất mới với vợ chồng anh cơ cực đến thế nào. Chút tiền còm kiếm được từ chăn nuôi, anh dựng được căn nhà tranh trên mảnh đất mượn thì vừa hết. Để sinh sống, ngày ngày anh ra sông Hồng đặt rọ, đánh cá còn chị, vốn chưa quen làm việc tay chân bao giờ, chọn nghề bán chè chén ở ga Lào Cai. “Khách ngày ấy đâu có đông như bây giờ, quán nước của chị gọi cho oai thế thôi chứ hành trang chỉ là cái siêu nhôm và ba cái cốc nhựa. Vất vả, mệt nhọc, lăn lưng ra kiếm tiền nhưng vui vì có vợ có chồng em ạ”, chị nhẹ nhàng kể.
Rồi anh xin được một chân bảo vệ ở lâm trường Bảo Thắng, vợ chồng lại dắt díu nhau xuống huyện nhưng chỉ một năm lại quay về mảnh đất đầu nguồn con sông Hồng chảy vào đất Việt để tiếp tục kiếm sống bằng chiếc ấm nhôm. Vất vả sớm hôm nhưng được cái chịu khó nên dần dà vợ chồng anh bắt đầu có tích trữ. Họ không còn phải ở nhờ nữa vì số tiền dành dụm bao lâu đủ mua được một mảnh đất. Năm 2003, anh chị là người đầu tiên xây nhà cao tầng để kinh doanh nhà nghỉ ở ga Lào Cai. Cuộc sống bắt đầu khấm khá hơn cũng là lúc anh nghĩ tới món nợ xưa kia và cái tội trốn trại nhưng rồi cũng phải mấy năm sau, anh mới dám ra đầu thú.
“Lần đầu thú ấy vào mùa hè năm 2007, tôi vẫn còn sợ lắm, vợ phải động viên mãi tôi mới đủ dũng khí đấy”, anh cười, hướng ánh mắt tràn ngập yêu thương về phía vợ. Sau khi ra Công an tỉnh Lào Cai đầu thú, anh được di lý về Ninh Bình. 4 năm tù là mức án cho hành vi trốn trại; không cứu giúp người bị nạn, song do cải tạo tốt, năm 2009, Long được đặc xá.
Năm lần đi tù, 15 năm có lẻ sống chui lủi, ông chủ nhà nghỉ Hà Long quá may mắn bởi có được người vợ tần tảo. Chị thay anh quán xuyến việc kinh doanh, nuôi dạy hai con khôn lớn. Giờ con trai anh đã là sinh viên ĐH Bách khoa, con gái trong đội tuyển học sinh giỏi còn anh mới có thêm một khách sạn nữa ở thị trấn Cam Đường, tỉnh Lào Cai. Anh bảo trong những cái không ngờ đến với cuộc đời anh thì cái được lớn nhất là anh may mắn có chị, một phụ nữ thương chồng hết mực. Chị không chỉ động viên chồng ra đầu thú mà còn hỗ trợ anh rất nhiều trong việc cai quản hai cơ ngơi bề thế đang kinh doanh phát đạt này.
Nhiều lúc nghĩ lại, anh thấy tiếc quãng thời trai trẻ, sống chui lủi, trốn tránh ở nước ngoài khiến vợ phải thiệt thòi nhưng cũng chính thời gian sống xa nhà ấy, anh ngộ ra một điều rằng không đâu thân thiết như Tổ quốc mình. Thường thì những kẻ bỏ trốn, sau khi tạo dựng được cuộc sống ổn định ở nước ngoài, chẳng ai dại gì quay về nước để chịu tội, vậy mà anh lại làm cái điều mà ít người muốn làm đó để giờ đây có thể ngẩng cao đầu kể về những sai lầm của mình những mong ai đó đừng vì tội lỗi nhất thời mà buông xuôi hay trốn tránh.
Lam Trinh