Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm, có khả năng không đạt được số lượng theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 991/TTg-ĐMDN.
Đề cập đến tình hình thực hiện chính sách, giải pháp quản lý sử dụng vốn nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ông Trần Văn Hiền, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp (bao gồm: 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017 và 64 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2018).
Tuy nhiên, đến hết tháng 5/2018 mới cổ phần hóa được 05 doanh nghiệp (chỉ có 01 doanh nghiệp thuộc danh sách thực hiện cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN).
Ảnh minh họa
Năm doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa gồm: Công ty TNHH MTV cà phê Phước An – Đăk Nông; CT TNHH MTV Cao su Đăk Lăk; Công ty TNHH MTV Vạn Tường – Quân khu 5; BQL khai thác cung cấp nước sinh hoạt huyện Châu Thành - Bến Tre; Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp. Tổng giá trị doanh nghiệp là 8.752 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 2.644 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 3.131 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 1.509 tỷ đồng; bán có nhà đầu tư chiến lược 211 tỷ; đấu giá công khai 1.371 tỷ đồng, số còn lại bán cho người lao động là 38 tỷ đồng và tổ chức công đoàn 868 triệu đồng).
”Như vậy, việc triển khai cổ phần hóa là còn rất chậm, có khả năng không đạt được số lượng theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 991/TTg-ĐMDN”, Bộ Tài chính đánh giá.
Về tình hình thoái vốn tại các DNNN, Bộ Tài chính cho biết trong 05 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp đã thoái được 1.469 tỷ đồng, thu về 3.973 tỷ đồng. Trong đó thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Mía đường II (thoái 636 tỷ đồng, thu về 663 tỷ đồng) theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 832 tỷ đồng, thu về 3.310 tỷ đồng.
Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 thì năm 2017 có 135 doanh nghiệp, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn, tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2018 mới có 01 đơn vị thuộc danh sách thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg thực hiện thoái vốn. Lũy kế đến nay mới chỉ có 12 đơn vị thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg (năm 2017 có 11 đơn vị thực hiện thoái vốn).
Như vậy, việc triển khai thoái vốn nhà nước theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được Bộ Tài chính nhìn nhận là chậm.
Phân tích về nguyên nhân của việc cổ phần hóa DNNN còn chậm trễ, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp lý giải: Nguyên nhân căn bản nhất là giai đoạn này, các doanh nghiệp tham gia cổ phần hóa đều có quy mô rất lớn, các tổng công ty, tập đoàn hầu hết có vốn nhà nước lên đến hàng chục hoặc hơn chục nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, theo quy định mới, doanh nghiệp cổ phần hóa không phải điều chỉnh lại sổ sách kế toán như trước đây nên buộc các doanh nghiệp phải xử lý tài chính, lập phương án xử lý đất đai trước khi xác định giá trị doanh nghiệp. Quá trình này tốn khá nhiều thời gian.
Để hoàn thành kế hoạch được giao, Bộ Tài chính cho biết, các doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn trong năm 2018, cơ quan đại diện chủ sở hữu khẩn trương thực hiện kế hoạch.
Đối với các doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn trong năm 2018, cơ quan đại diện chủ sở hữu khẩn trương thực hiện việc cổ phần hóa, thoái vốn, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2018. Đối với các doanh nghiệp có khả năng không hoàn thành kế hoạch cần kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các khó khăn, vướng mắc để xem xét, giải quyết.
Đặc biệt, với các doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2018 cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật đất đai trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi quyết định cổ phần hóa doanh nghiệp theo đúng quy định.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường; có cơ chế kiểm soát phù hợp nguồn vốn mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp...
Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường; có cơ chế kiểm soát phù hợp nguồn vốn mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp.
Thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ, cổ phần hóa, thoái vốn; chỉ đạo thực hiện tốt chính sách đối với người lao động và lao động dôi dư trong doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp, đổi mới, trong đó có người quản lý, điều hành doanh nghiệp; Áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế.