Những vấn đề nóng như thuế xăng dầu, bồi thường thiệt hại sau sự kiện Formosa, thu hồi nợ đọng thuế…đã được các cơ quan báo chí nêu ra tại buổi họp báo thường ký quý III của Bộ Tài chính diễn ra chiều ngày 11/10.
Buổi họp báo của Bộ Tài chính diễn ra chiều 11/10 do Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí chủ trì đã cung cấp khá nhiều thông tin về những vấn đề mà dư luận quan tâm như giải ngân tiền bồi thường cho ngư dân, thuế xăng dầu, các giải pháp thu chi ngân sách cuối năm, biện pháp thu hồi nợ đọng thuế…
Về vấn đề đền bù cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí cho biết đã chuyển 3.000 tỷ đồng tiền tạm ứng cho 4 địa phương để thực hiện bồi thường thiệt hại cho ngư dân bị ảnh hưởng.
Theo đó, tổng số tiền tạm ứng đã được chuyển khoản về tài khoản địa phương từ ngày 4/10 và đến cuối ngày 10/10, tất cả 4 địa phương đã nhận được tiền. Trong đó, số tiền chuyển cho tỉnh Quảng Bình là 1.100 tỷ đồng, Hà Tĩnh là 1.000 tỷ đồng, Quảng Trị 500 tỷ đồng và Thừa Thiên - Huế là 400 tỷ đồng.
Số tiền này được chuyển cho các địa phương để tạm ứng trước cho người dân 50% tiền bồi thường thiệt hại do Formosa gây ra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan đến vấn đề giải ngân tiền bồi thường cho ngư dân, ông Đào Xuân Tuế, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách (Bộ Tài chính) cho biết Bộ Tài chính đã hướng dẫn các địa phương mở tài khoản có mục đích để chuẩn bị cho công tác thực hiện giải ngân tiền bồi thường thiệt hại. Bộ Tài chính cũng đã có các công văn hướng dẫn quy trình, thủ tục cấp phát tiền rất chi tiết, cụ thể. Ông Tế khẳng định, tất cả mọi thủ tục đều hướng đến mục đích “ đảm bảo nhanh gọn và đơn giản” cho người dân và “ đảm bảo việc đền bù được công khai, minh bạch”.
Bộ Tài chính khẳng định không tính nhầm thuế xăng dầu. Ảnh: Internet
Một vấn đề cũng làm nóng buổi họp báo của Bộ Tài chính và cách tính thuế xăng dầu. Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi cho biết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội về vấn đề này, và mỗi sắc thuế có một mục tiêu điều chỉnh khác nhau.
Không chỉ riêng Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới đã ban hành những sắc thuế như vậy. Cụ thể, hiện tại đối với mặt hàng xăng: khi nhập khẩu, doanh nghiệp sẽ phải nộp thuế nhập khẩu, sau đó phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt tiếp đến là nộp thuế GTGT tại khâu nhập khẩu. Xăng dầu còn phải chịu thêm thuế bảo vệ môi trường (3.000 đồng/lít), quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng/lít và cuối cùng là thuế GTGT 10% giá bán.
Theo đó, tỷ trọng thuế với mặt hàng xăng là 41,5% trong giá thay vì hơn 50% như một số thông tin đưa ra trước đó. Ông Phạm Đình Thi cho biết tỷ trọng này thấp hơn một số nước, ví dụ tại Hàn Quốc, các loại thuế chiếm tỷ lệ 73% giá bán, hay Lào có tỷ trọng thuế chiếm 56% trong giá.
Về thuế GTGT, ông Phạm Đình Thi thông tin, hiện nay Việt Nam là một trong số các quốc gia có mức thuế GTGT thấp nhất. Chúng ta có mức thuế xuất khẩu 0%, mức thuế thấp là 5% và mức thuế phổ thông là 10%. Trong khi đó Trung Quốc 0% thuế xuất khẩu, mức thấp nhất là 13% và mức phổ thông là 17%. Một số quốc gia có thuế GTGT rất cao như: Đan Mạch có một mức thuế là 25%, Ý 19%, Pháp là 19%...
Với các mức thuế nêu trên, Bộ Tài chính cho biết, giá bán lẻ mặt hàng xăng tại Việt Nam hiện là 0,74 USD/lít. Mức giá này thấp hơn một số nước như Trung Quốc (0,94 USD/lít), Lào (1,09 USD/lít), Singapore (1,34 USD/lít), Thái Lan (1,91 USD/lít)...
Nói thêm về cách tính thuế xăng dầu, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí khẳng định không có chuyện Bộ Tài chính tính nhầm mà là tính đúng những gì pháp luật quy định.
Cũng tại cuộc họp báo, Bộ Tài chính cho biết, tính đến 15/9/2016, Cơ quan Thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 48.562 doanh nghiệp và kiểm tra 586.733 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Số thuế xử lý tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là hơn 8.065 tỷ đồng. Số thuế đã nộp NSNN là hơn 3.814 tỷ đồng; Thanh tra Bộ Tài chính đã thực hiện 26 cuộc thanh tra, kiểm tra; đã lưu hành 37 kết luận thanh tra. Qua thanh tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính hơn 15.208 tỷ đồng.