Từ ngày 22-24/5/2019, Bộ Tài chính Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức Hội nghị toàn thể lần thứ 8 của Mạng lưới Quản lý Chi tiêu Công tại châu Á (PEMNA).
Hội nghị được tổ chức tại Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh với chủ đề “Cơ cấu lại NSNN và quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững”.
Đây là một trong những trụ cột về tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, thể hiện ý chí quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế và góp phần thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ.
Thông qua Hội nghị này, Bộ Tài chính Việt Nam mong muốn được cùng chia sẻ, học hỏi những kinh nghiệm trong việc củng cố hoạt động tài khóa và quản lý nợ công, thiết thực cho việc chuẩn bị xây dựng Chiến lược tài chính giai đoạn 2021-2030 và xây dựng Kế hoạch tài chính – ngân sách giai đoạn 2021-2025.
Hội nghị toàn thể lần thứ 8 của Mạng lưới Quản lý Chi tiêu Công tại Châu Á (PEMNA) sẽ được tổ chức tại Quảng Ninh
Mạng lưới Quản lý Chi tiêu Công tại châu Á (The Public Expenditure Management Network in Asia - PEMNA) là mạng lưới học hỏi giữa các đồng nghiệp gồm cán bộ và chuyên gia về quản lý tài chính công (QLTCC) trong khu vực. Được thành lập từ năm 2012 theo sáng kiến của Ngân hàng thế giới, Bộ Tài chính và Chiến lược Hàn Quốc, với mục tiêu hỗ trợ các Chính phủ trong khu vực giải quyết các vấn đề liên quan đến tài chính công và nâng cao hiệu quả chi tiêu công, thông qua việc tạo ra diễn đàn trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về quản lý tài chính công giữa các quốc gia trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
PEMNA hiện có 14 quốc gia thành viên gồm: Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Philipin, Singapore, Thái Lan, Timor-leste và Việt Nam. Bên cạnh đó, PEMNA còn có các đối tác phát triển là Bộ Tài chính và Kinh tế Hàn Quốc (MOEF), Bộ Ngân sách và Quản lý Philippin (DBM), Bộ Tài chính Timor-leste, Viện Tài chính công Hàn Quốc (KIPF), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Ngân sách hoạt động của PEMNA chủ yếu được tài trợ bởi các đối tác phát triển, cùng với sự tham gia đóng góp theo khả năng của các quốc gia thành viên.
Các hoạt động của PEMNA được tổ chức xung quanh hai Cộng đồng hành nghề Ngân sách (B-CoP) và Kho bạc (T-CoP). Mỗi cộng đồng là tập hợp các chuyên gia, nhà quản lý trong cùng lĩnh vực để chia sẻ kinh nghiệm, quan điểm giữa các quốc gia thành viên và cùng nhau xác định các phản ứng chính sách đối với các thách thức mà các nước đang phải đối mặt. Các thành viên thuộc mạng lưới gặp mặt định kỳ thông qua hội nghị toàn thể, các hội nghị riêng của Cộng đồng hành nghề, các chuyến khảo sát và hội nghị trực tuyến được tổ chức trong suốt năm.
Những kiến thức và kinh nghiệm trao đổi qua từng hoạt động góp phần tăng cường năng lực chuyên môn của từng thành viên và được áp dụng trong hoạch định chính sách của từng quốc gia thành viên nói chung.
Ban chỉ đạo PEMNA (SC) bao gồm đại diện của các quốc gia thành viên và các đối tác phát triển, với vai trò giám sát hoạt động của mạng lưới nói chung và từng cộng đồng hành nghề nói riêng. Giúp việc cho Ban chỉ đạo là Ban Thư ký PEMNA đặt tại Viện Tài chính công Hàn Quốc, đóng vai trò là cơ quan thường trực của Mạng lưới.
Bộ Tài chính Việt Nam tham gia PEMNA ngay từ khi mạng lưới được thành lập và có những đóng góp tích cực đóng vào hoạt động của cả mạng lưới, cũng như từng cộng đồng hành nghề.