Theo Bộ Tài chính, do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên cân đối NSNN 8 tháng tiếp tục có thặng dư. Tổng chi NSNN tháng 8 ước đạt 124,49 nghìn tỷ đồng; lũy kế chi 8 tháng đạt 901,35 nghìn tỷ đồng, bằng 55,2% dự toán.
Thu ngân sách 8 tháng tăng 12,4% so với cùng kỳ
Bộ Tài chính cho biết, trong 8 tháng năm 2019, thu ngân sách nhà nước (NSNN) duy trì tiến độ ổn định; Chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, theo đúng dự toán và tiến độ triển khai thực hiện của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng các yêu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, quản lý nhà nước, quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội. Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên cân đối NSNN 8 tháng tiếp tục có thặng dư.
Tổng thu NSNN thực hiện tháng 8 ước đạt 100,4 nghìn tỷ đồng. Ảnh minh họa
Cụ thể, tổng thu NSNN thực hiện tháng 8 ước đạt 100,4 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế thu NSNN 8 tháng ước đạt 997,6 nghìn tỷ đồng, bằng 70,7% dự toán, tăng 12,4% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó thu nội địa tháng 8 ước đạt 81,8 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế thu nội địa 8 tháng ước đạt 808,8 nghìn tỷ đồng, bằng 68,9% dự toán, tăng 13,9% so cùng kỳ năm 2018 (đạt 64,6% dự toán, tăng 17,1%); Thu từ dầu thô tháng 8 ước đạt 4,6 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở giá dầu thanh toán bình quân đạt khoảng 66 USD/thùng, sản lượng thanh toán ước đạt 1 triệu tấn. Lũy kế 8 tháng ước đạt 38,78 nghìn tỷ đồng, bằng 87% dự toán; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 8 ước đạt 26,5 nghìn tỷ đồng.
Sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 13,2 nghìn tỷ đồng, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 13,3 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 8 tháng đạt thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 147,2 nghìn tỷ đồng, bằng 77,8% dự toán, tăng 10,3% so cùng kỳ năm 2018, trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 233,1 nghìn tỷ đồng, bằng 77,6% dự toán, tăng 15,7% so cùng kỳ năm 2018; Hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 85,9 nghìn tỷ đồng, bằng 77,2% dự toán.
Các nhiệm vụ chi ngân sách trong tháng 8 và 8 tháng năm 2019 được quản lý chặt chẽ, theo đúng dự toán. Tổng chi NSNN tháng 8 ước đạt 124,49 nghìn tỷ đồng, luỹ kế chi 8 tháng đạt 901,35 nghìn tỷ đồng, bằng 55,2% dự toán, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó chi đầu tư phát triển đạt 161,27 nghìn tỷ đồng, bằng 37,6% dự toán, giảm 8,8%; Chi trả nợ lãi đạt 76,76 nghìn tỷ đồng, bằng 61,5% dự toán, tăng 1,6%; Chi thường xuyên đạt 649,89 nghìn tỷ đồng, bằng 65% dự toán, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Về phát hành Trái phiếu Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, tổng số đã phát hành được 152 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn bình quân là 13,48 năm, lãi suất bình quân là 4,89%/năm. Việc chủ động điều hành việc phát hành Trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công.
Kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính hơn 2.406 tỷ đồng
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết lũy kế 8 tháng đầu năm 2019, toàn ngành Tài chính đã thực hiện 315.954 cuộc thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính hơn 2.406 tỷ đồng; Số tiền đã thu nộp NSNN hơn 7.046 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 8 năm 2019, cơ quan Thuế đã thực hiện kiểm tra gần 280 nghìn hồ sơ khai thuế và tiến hành 55,7 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra thuế tại doanh nghiệp, trên cơ sở đó kiến nghị xử lý khoảng 32,7 nghìn tỷ đồng, trong đó yêu cầu nộp vào NSNN 8,92 nghìn tỷ đồng (số thực nộp đến nay 5,74 nghìn tỷ đồng), giảm khấu trừ gần 1,4 nghìn tỷ đồng, giảm lỗ 22,39 nghìn tỷ đồng.
Về công tác phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, lũy kế từ ngày 16/12/2018 đến 15/8/2019, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng 11.640 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính gần 2.036 tỷ đồng, số thu NSNN đạt hơn 212 tỷ đồng; Cơ quan Hải quan đã ban hành 26 quyết định khởi tố, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 65 vụ.
Đối với công tác về quản lý tài chính doanh nghiệp và cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; trong 8 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã phối hợp các bộ, ngành và địa phương tập trung rà soát, đánh giá việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Công tác quản lý giá, thị trường, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan chức năng liên quan triển khai thực hiện các biện pháp quản lý, điều hành giá cả hàng hóa và dịch vụ công thiết yếu Nhà nước quản lý giá (dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, điện, xăng dầu) nhằm kiểm soát tốt các yếu tố hình thành giá và mặt bằng giá cả thị trường, ngăn ngừa việc tăng giá đột biến, bất hợp lý; Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá, hoạt động đăng ký, kê khai giá của doanh nghiệp. Chủ động có giải pháp xử lý kịp thời các mặt hàng biến động mạnh về giá theo chu kỳ mùa vụ (như: dịch vụ giáo dục khi bước vào năm học mới, mặt hàng bánh kẹo khi bước vào mùa trung thu...). Qua đó, góp phần giữ ổn định giá cả hàng hóa, dịch vụ trong nước...