Báo Công lý nhận được đơn thư phản ánh có nhiều khuất tất khi bổ nhiệm bà Phạm Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc VCCI vào chức danh Tổng Thư ký (TTK) Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Theo đơn phản ánh, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI thông qua quyết định 1609/PTM-TCCB ngày 15-7-2011 bổ nhiệm bà Hằng làm TTK của VCCI là vi phạm những quy định, quy chế của chính... VCCI.
Việc bắt đầu từ ngày 14-7-2011, tại Hội nghị Ban chấp hành VCCI lần thứ 7, khóa 5, bà Hằng được giới thiệu là ứng cử viên HĐQT VCCI trong tư cách thay thế đại biểu đại diện cho một doanh nghiệp.
Thực tế, thời điểm đó đại biểu này đã không còn làm việc tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, VCCI lại không thực hiện thủ tục bổ sung ứng cử viên tại đề án các chức danh chủ chốt mà thực hiện luôn việc giới thiệu bà Hằng - vốn không phải người của doanh nghiệp - để thay thế.
Một cách đơn giản là VCCI đã giới thiệu "chui" ứng cử viên cho chức danh chủ chốt của mình. Vì thế, bà Hằng cũng đã "trúng cử" vào vị trí uỷ viên HĐQT VCCI theo đúng lối "cửa hậu" ấy.
Dĩ nhiên, cách giới thiệu này đã vi phạm quy định của chính VCCI. Cụ thể, Điều 19 Điều lệ VCCI quy định: “Người được cử thay thế chỉ được công nhận là thành viên HĐQT với sự chấp thuận của ít nhất 2/3 số thành viên HĐQT”. Nhưng thực tế Hội nghị này chỉ có 38/77 đại biểu (gồm cả các đại diện đi thay, không có tư cách đại biểu) - tức là chưa đủ 50% số đại biểu theo yêu cầu để đại hội được tiến hành, chứ chưa bàn tới việc bầu các chức danh.
Còn theo, theo mục 4, Điều 12 Điều lệ của VCCI thì hội viên của VCCI có quyền “Được đề cử hoặc ứng cử vào HĐQT của Phòng nếu là hội viên chính thức, hội viên thông tấn”. Thực tế là bà Hằng chưa phải là hội viên của VCCI. Có nghĩa, bà Hằng chưa đủ điều kiện cần để được ứng cử vào VCCI, chứ chưa bàn tới việc bổ nhiệm vào những chức danh khác, bao gồm cả chức danh TTK? Như vậy, việc giới thiệu ứng cử viên và bầu bà Hằng cũng lại vi phạm điều lệ của chính VCCI?
Cần nói rõ, do chưa là hội viên VCCI nên bà Hằng chưa bao giờ có tên trong danh sách quy hoạch cán bộ của VCCI. Cơ quan này cũng chưa bao giờ làm thủ tục cần thiết để đưa bà Hằng vào diện cán bộ được quy hoạch cho các chức danh chủ chốt. Như vậy thì khó có thể nói sự lựa chọn bà Hằng vào vị trí TTK VCCI là một quyết định đảm bảo tính công khai, minh bạch, chính xác.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI
Với mong muốn làm rõ nội dung tố cáo gửi Báo Công lý, PV đã có buổi làm việc với bà Hằng để rõ thực hư. Bà Hằng cho biết: Việc bổ nhiệm bà là dựa vào các quy định, quy chế của Nhà nước và Điều lệ của VCCI. Bà Hằng khẳng định Điều lệ VCCI không quy định phải là hội viên của VCCI thì mới được bầu vào Ban chấp hành và đương nhiên bà đủ tiêu chuẩn.
Bà Hằng “bật mí”, việc quy hoạch cán bộ chủ chốt, VCCI mới chỉ làm được từ Phó Tổng thư ký trở xuống, còn từ Tổng Thư ký trở lên thì chưa làm được, rồi “chốt” lại: Việc quy hoạch cán bộ theo quy định là vô cùng khó khăn, nói chung VCCI chưa có quy hoạch gì cả, không khả thi. Đó là điều lý giải vì sao bà Hằng dù không nằm trong diện quy hoạch vẫn ngồi ghế TTK ở VCCI.
Cuối cùng bà Hằng thừa nhận Hội nghị Ban chấp hành để bầu bà là TTK chỉ có 39/77 thành viên (không hợp lệ để tiến hành bầu như nói ở trên), tuy nhiên bà Hằng “đổ lỗi” vì: Từ xưa đến nay họp ở VCCI không bao giờ đầy đủ cả, những người dù không đi họp nhưng vẫn nói miệng là chúng tôi đồng ý và chấp hành nghị quyết của Ban chấp hành (!?).
Chúng tôi tôn trọng sự giải thích (dĩ nhiên là theo quan điểm cá nhân của bà Hằng), nhưng nếu điều đó là sự thật thì thông qua việc bổ nhiệm bà Hằng, đã “vỡ” ra nhiều điều về chuyện quy hoạch, quy trình bổ nhiệm nhân sự ở VCCI. Và nếu VCCI khăng khăng cho rằng bổ nhiệm bà Hằng là đúng thì có lẽ Điều lệ VCCI cần thay đổi một số điều để “phù hợp với thực tế”, hoặc cần phải làm sáng tỏ, tránh “mù mờ” trong điều khoản dẫn tới nghi kỵ, nói xấu, gây mất đoàn kết trong nội bộ VCCI, nơi được coi là “ngôi nhà” của các doanh nghiệp Việt Nam.
Tống Toàn