Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: Trình tự thủ tục giải quyết một số quy định có tính chất đặc thù

PV| 28/03/2017 16:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và phù hợp với quy định của các bộ luật, các luật khác, BLTTDS 2015 bổ sung về trình tự, thủ tục giải quyết một số quy định có tính chất đặc thù.

Thủ tục công nhận thuận tình ly hôn

Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu ly hôn, Thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ. Trước khi tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ, khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án; giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình; về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.

Trường hợp sau khi hòa giải, vợ, chồng đoàn tụ thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu của họ. Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành thì Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự khi có đầy đủ các điều kiện sau đây: Hai bên thực sự tự nguyện ly hôn;  Hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản chung, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con; Sự thỏa thuận phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, con.

Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành và các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết. Tòa án không phải thông báo về việc thụ lý vụ án, không phải phân công lại Thẩm phán giải quyết vụ án. Việc giải quyết vụ án được thực hiện theo thủ tục chung. 

Giải quyết yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu

Người có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu: Người lao động; Người sử dụng lao động; Tổ chức đại diện tập thể lao động, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền khi có căn cứ theo quy định của Bộ luật lao động.

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: Trình tự thủ tục giải quyết một số quy định có tính chất đặc thù

Một phiên tòa giải quyết việc ly hôn

Sau khi thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu, Tòa án có trách nhiệm gửi thông báo thụ lý cho người có đơn yêu cầu, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động và Viện kiểm sát cùng cấp. Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu là 10 ngày, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu là 15 ngày, kể từ ngày Tòa án thụ lý

Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn hoặc văn bản yêu cầu, nếu người yêu cầu rút yêu cầu thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết đơn, văn bản yêu cầu. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, Tòa án phải mở phiên họp để xét yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, Tòa án phải mở phiên họp để xét yêu cầu tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu. Khi xét đơn yêu cầu, Thẩm phán có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu.

Trường hợp chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán ra quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu. Trong quyết định này, Tòa án phải giải quyết hậu quả pháp lý của việc tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu.

Thủ tục xét tính hợp pháp của cuộc đình công

Về thời hạn yêu cầu đình công: Trong quá trình đình công; Trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt đình công.  Người yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công: Người sử dụng lao động, Tổ chức đại diện tập thể lao động

Thẩm quyền xét tính hợp pháp của cuộc đình công: TAND cấp tỉnh nơi xảy ra đình công có thẩm quyền xét tính hợp pháp của cuộc đình công. TAND cấp cao có thẩm quyền giải quyết kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định của TAND cấp tỉnh về tính hợp pháp của cuộc đình công trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

Thành phần Hội đồng xét tính hợp pháp của cuộc đình công: TAND cấp tỉnh xét tính hợp pháp của cuộc đình công bằng Hội đồng gồm ba Thẩm phán. Tòa án cấp cao giải quyết kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công bằng Hội đồng gồm ba Thẩm phán.

Những người tham gia phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công: Hội đồng xét tính hợp pháp của cuộc đình công do một Thẩm phán làm chủ tọa; Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên họp. Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp; Đại diện tổ chức đại diện tập thể lao động và người sử dụng lao động; Đại diện cơ quan, tổ chức theo yêu cầu của Tòa án;

Đình chỉ việc xét tính hợp pháp của cuộc đình công khi có một trong những căn cứ: Người yêu cầu rút đơn yêu cầu; Các bên đã thoả thuận được với nhau về giải quyết cuộc đình công và có đơn yêu cầu Tòa án không giải quyết; Người yêu cầu đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;

Thủ tục giải quyết đơn yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công: Ngay sau khi nhận đơn yêu cầu, Chánh án TAND cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng xét tính hợp pháp của cuộc đình công và phân công một Thẩm phán chủ trì việc giải quyết đơn yêu cầu.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu, Thẩm phán được phân công chủ trì việc giải quyết đơn yêu cầu phải ra quyết định mở phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công. Quyết định mở phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công phải được gửi ngay cho tổ chức đại diện tập thể lao động, người sử dụng lao động, Viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan, tổ chức liên quan.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công, Hội đồng xét tính hợp pháp của cuộc đình công phải mở phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công.

Trình tự phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công: Thẩm phán chủ trì phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công công bố quyết định mở phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công và tóm tắt nội dung đơn yêu cầu; Đại diện tổ chức đại diện tập thể lao động và đại diện của người sử dụng lao động trình bày ý kiến của mình; Thẩm phán chủ trì phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công có thể yêu cầu đại diện cơ quan, tổ chức tham gia phiên họp trình bày ý kiến;  Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc xét tính hợp pháp của cuộc đình công;

Ngay sau khi kết thúc phiên họp, Kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ việc dân sự;  Hội đồng xét tính hợp pháp của cuộc đình công thảo luận và quyết định theo đa số.

Trình tự, thủ tục giải quyết kháng cáo, kháng nghị quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công: Ngay sau khi nhận đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị đối với quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công, TAND cấp cao phải có văn bản yêu cầu Tòa án đã xét tính hợp pháp của cuộc đình công chuyển hồ sơ vụ việc để xem xét, giải quyết. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, Tòa án đã ra quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công phải chuyển hồ sơ vụ việc cho TAND cấp cao để xem xét, giải quyết.

Trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc, Chánh án TAND cấp cao quyết định thành lập Hội đồng phúc thẩm xét tính hợp pháp của cuộc đình công và phân công một Thẩm phán chủ trì việc nghiên cứu hồ sơ.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày TAND cấp cao nhận được hồ sơ vụ việc, Hội đồng phúc thẩm phải tiến hành xét kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công.  Quyết định của Hội đồng phúc thẩm xét tính hợp pháp của cuộc đình công của TAND cấp cao là quyết định cuối cùng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: Trình tự thủ tục giải quyết một số quy định có tính chất đặc thù