Phóng viên Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với luật sư Hoàng Ngọc Biên, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng Khen thưởng - kỷ luật Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
Bộ luật Hình sự năm 2015 ra đời đánh dấu một bước tiến quan trọng trong tiến trình hoàn thiện xây dựng pháp luật hình sự Việt Nam. Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Tòa án nhân dân, phóng viên Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với luật sư Hoàng Ngọc Biên, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng Khen thưởng - kỷ luật Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, để làm rõ hơn những điểm nổi bật đáng lưu ý sau thực tiễn hơn hai năm thực hiện.
Luật sư Hoàng Ngọc Biên
PV: Xin ông cho biết những điểm nổi bật, đáng lưu ý qua thực tiễn hơn hai năm thực hiện BLHS 2015?
Luật sư Hoàng Ngọc Biên: Thực tiễn sau hơn hai năm thực hiện, điểm nổi bật đáng lưu ý của BLHS 2015, đó là: Việc mở rộng áp dụng hình phạt theo hướng phạt tiền là hình phạt chính đối với nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng thì phạt tiền là hình phạt chính được áp dụng đối với cả tội rất nghiêm trọng; không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội tham ô, tội nhận hối lộ thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng (tại khoản 3 và 4 Điều 353, 354 BLHS 2015) nhằm khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là xử lý đến cùng tội phạm tham nhũng, đồng thời góp phần tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Việc trốn đóng bảo hiểm cũng sẽ bị xử lý hình sự, bởi nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động là nghĩa vụ bắt buộc của người sử dụng lao động (Luật BHXH 2014 nghiêm cấm hành vi chậm hoặc trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH cho người lao động), người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN ngoài cá nhân còn có thể là doanh nghiệp trốn nghĩa vụ đóng bảo hiểm từ 6 tháng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn tái phạm thì bị phạt tiền hoặc có thể bị phạt đến 7 năm tù; với doanh nghiệp có thể bị phạt đến 3 tỷ đồng, quy định tại Điều 216 BLHS 2015.
Lần đầu tiên quy định pháp nhân thương mại là chủ thể của tội phạm tại Chương XI, BLHS 2015. Điều 75 quy định pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ 4 điều kiện sau: Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại; chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại quy định tại Điều 76 BLHS 2015. Như vậy, khi pháp nhân thương mại bị điều tra, truy tố, xét xử về tội phạm được quy định tại Điều 76 đi cùng với đó là các chế tài có thể bị Tòa án áp dụng, gồm: Phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn. Ngoài ra, còn có thể bị áp dụng các biện pháp tư pháp theo quy định tại Điều 84 BLHS 2015.
Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự cũ. Mức phạt tiền căn cứ vào tính chất, mức độ phạm tội có xét đến tình hình tài sản nhưng không thấp hơn 1 triệu đồng đối với cá nhân phạm tội, với pháp nhân không thấp hơn 50 triệu đồng; cao nhất đối với cá nhân là 5 tỷ đồng, pháp nhân là 20 tỷ đồng.
Đây là điểm mới nổi bật, mang tính đột phá trong chính sách hình sự nước ta, làm thay đổi nhận thức truyền thống về tội phạm và hình phạt của BLHS 2015.
BLHS 2015 đã làm rõ khái niệm về “Chuẩn bị phạm tội” và liệt kê cụ thể các điều của Bộ luật này nếu có hành vi chuẩn bị phạm tội thì phải chịu trách nhiệm hình sự (kể cả những người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội quy định tại điều 123, điều 168 của Bộ luật này cũng phải chịu trách nhiệm hình sự).
Đây là những chế định nghiêm khắc, quyết liệt trong đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý một số loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, nhằm bảo vệ quyền cơ bản của con người và quyền công dân, bảo vệ an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa trong tình hình hội nhập quốc tế.
Điều 57 BLHS 2015 quy định về đường lối xử lý đối với các trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt cần phải được xem xét, quyết định theo từng điều luật tương ứng với hành vi, tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của từng hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và các tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng để lượng hình khi áp dụng hình phạt đối với loại tội phạm này.
BLHS 2015 quy định chỉ áp dụng hình phạt tử hình với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và một số trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình tại khoản 2 Điều 40 của Luật này. Hình phạt tử hình sẽ không áp dụng với người từ đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc xét xử; phạm nhân ở độ tuổi này cũng không bị thi hành án tử hình.
Với người bị kết án tử hình về tội Tham ô tài sản, tội Nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng hoặc lập công lớn cũng không bị tử hình mà sẽ được chuyển thành tù chung thân.
PV: Để BLHS 2015 triển khai, áp dụng vào thực tế một cách hiệu quả hơn nữa, cần chú trọng vào những vấn đề gì, thưa ông?
Luật sư Hoàng Ngọc Biên: Để tiếp tục triển khai, thi hành BLHS năm 2015 hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đã đặt ra, theo tôi cần chú trọng những vấn đề cụ thể sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, Nhà nước ta theo tinh thần đề cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm thông qua tuyên truyền giáo dục, cải tạo tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; tôn trọng và bảo đảm thực thi các quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến Pháp năm 2013.
Thứ hai, cần có sự điều chỉnh mạnh mẽ trong chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội theo hướng bảo đảm lợi ích tốt nhất cho các em. Thực tế cho thấy, những trường hợp trẻ em từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi tự mình thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là không nhiều, chủ yếu tập trung vào một số tội phạm thuộc nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, các tội xâm phạm sở hữu, còn lại phần lớn các trường hợp khác các em tham gia thực hiện tội phạm là do bị người lớn xúi giục, lôi kéo, mua chuộc, đe dọa. Bản thân các em không nhận thức được một cách đầy đủ về tính chất, mức độ nguy hiểm của loại tội phạm mà mình đã thực hiện. Vì vậy, việc xử lý hình sự đối với các em trong những trường hợp này có phần quá nghiêm khắc và ít có tác dụng giáo dục, phòng ngừa, giúp các em nhận ra và sửa chữa lỗi lầm của bản thân.
Thứ ba, cần tạo cơ sở pháp lý vững chắc nhằm khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là xử lý đến cùng tội phạm tham nhũng, đồng thời phải khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà thực hiện hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ thì cũng bị xử lý về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ theo quy định tại các điều 353, 354 của BLHS 2015.
Ngoài ra, người có hành vi đưa hối lộ hoặc môi giới hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước thì cũng bị xử lý về tội đưa hối lộ hoặc tội môi giới hối lộ theo quy định tại các điều 364, 365 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Quy định này nhằm góp phần tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đồng thời, cũng nhằm thực thi Công ước quốc tế mà nước ta là thành viên.
Thứ tư, các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan bảo vệ pháp luật ngoài việc trấn áp tội phạm, đồng thời phải tạo cơ sở pháp lý để người dân tự bảo vệ mình và góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong giai đoạn mới.
PV: Trân trọng cảm ơn ông.