Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trong trường học nhằm điều chỉnh cách ứng xử của các thành viên trong cơ sở giáo dục theo chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên. Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục.
Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2017 quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Năm 2018, Thủ tướng phê duyệt đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025".
Mục đích xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục nhằm điều chỉnh cách ứng xử của các thành viên trong cơ sở giáo dục theo chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc, phù hợp với đặc trưng văn hóa của địa phương và điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục; ngăn ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi tiêu cực, thiếu tính giáo dục trong cơ sở giáo dục.
Với quy tắc ứng xử chung, thông tư quy định cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người học và cha mẹ học sinh trong các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ công dân, công chức, viên chức, nhà giáo và người học. Mọi người thực hiện lối sống lành mạnh, tích cực, quan tâm chia sẻ và giúp đỡ nhau.
Về trang phục, tất cả phải sử dụng phù hợp với môi trường và hoạt động giáo dục, không dùng quần áo phản cảm. Nhân viên nhà trường sử dụng trang phục phù hợp với tính chất công việc; người học dùng quần áo sạch sẽ, phù hợp với lứa tuổi. Trong trường, mọi người không hút thuốc, sử dụng đồ uống có cồn, chất cấm và không tham gia tệ nạn xã hội.
Ảnh minh họa
Cán bộ quản lý, giáo viên, người học và phụ huynh không dùng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục.
Với cán bộ quản lý, giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu khi giao tiếp với người học phải có ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, yêu thương, trách nhiệm, bao dung; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, lắng nghe và động viên. Cán bộ quản lý không được xúc phạm, ép buộc, trù dập, bạo hành người học.
Người thầy cũng phải tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.
Quy tắc ứng xử trong cơ sở cũng nêu rõ các chuẩn mực ứng xử dành cho học sinh. Cụ thể, với thầy cô, học sinh phải kính trọng, lễ phép, trung thực, chia sẻ, tuân thủ kỷ luật; không bịa đặt thông tin; không xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm, bạo lực.
Với bạn bè, học sinh phải thân thiện, trung thực, hợp tác, giúp đỡ và tôn trọng sự khác biệt; không nói tục, chửi bậy, miệt thị, xúc phạm, gây mất đoàn kết; không bịa đặt, lôi kéo; không phát tán thông tin để nói xấu, làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm người học khác.
Bản quy tắc cũng yêu cầu các chuẩn ứng xử với cha mẹ học sinh, trong đó đáng chú ý, không được xúc phạm, bạo lực với học sinh; với giáo viên phải tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, chia sẻ; không bịa đặt thông tin; không xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm.
Đây chỉ là Bộ Quy tắc quy định chung cho các nhà trường, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, các nhà trường cần cụ thể hóa các quy định của các cấp lãnh đạo, xây dựng bộ quy tắc ứng xử riêng của mỗi nhà trường dựa trên quy định chung. Có như thế thì các quy định mới sát thực tế, phù hợp với điều kiện, yêu cầu giáo dục của mỗi nhà trường, địa phương.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 28/5/2019.