Mới đây, Bộ GD-ĐT đã có văn bản về việc triển khai nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin đối với các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm.
Theo đó, Bộ GD-ĐT hướng dẫn các học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm (gọi chung là cơ sở giáo dục đại học) tổ chức triển khai 6 nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, rà soát, kiện toàn bộ máy, đội ngũ chỉ đạo, tham mưu và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong đó cần:
Phân công một lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học phụ trách, chỉ đạo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin;
Phân công một đơn vị cấp phòng (ban) có chức năng tham mưu công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ sở giáo dục đại học;
Phân công một đơn vị sự nghiệp hoặc thành lập tổ/nhóm có nhiệm vụ quản lý, vận hành các hệ thống công nghệ thông tin của cơ sở giáo dục đại học; Phân định rõ nhiệm vụ của bộ phận tham mưu với bộ phận vận hành ứng dụng công nghệ thông tin.
Thứ hai, công tác quy hoạch và xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ công nghệ thông tin như rà soát, nghiên cứu, bổ sung, cập nhật nội dung tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hỗ trợ các hoạt động dạy – học, kiểm tra đánh giá và nghiên cứu khoa học vào chiến lược, quy hoạch phát triển của cơ sở giáo dục đại học.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Rà soát, xây dựng và ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trung hạn (5 năm) và kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin hàng năm phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển của cơ sở giáo dục đại học. Và thường xuyên đánh giá việc thực hiện kế hoạch và cập nhật, điều chỉnh kịp thời (nếu cần).
Thứ ba, xây dựng phương án tổng thể về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ sở giáo dục đại học đảm bảo tính kế thừa, khả năng kết nối, tích hợp, chia sẻ và liên thông và dùng chung dữ liệu giữa các hệ thống thông tin trong cơ sở giáo dục đại học; Đảm bảo đầu tư hiệu quả, tránh trùng lắp, tiết kiệm kinh phí và thời gian.
Thứ tư, triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, điều hành cần:
Triển khai sử dụng hệ thống thư điện tử, cổng thông tin điện tử, hệ thống website giáo dục và thực hiện công khai thông tin trên trang thông tin điện tử.
Triển khai văn bản điện tử, hệ thống quản lý hành chính điện tử (e-office); giao dịch văn bản điện tử với Bộ Giáo dục và Đào tạo qua tài khoản e-office của Bộ đã cấp.
Đồng thời, rà soát triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin quản lý chuyên ngành (quản lý đào tạo, quản lý người học, quản lý khoa học, quản lý nhân sự, quản lý tài chính, quản lý thư viện...) theo hướng tổng thể, các ứng dụng được kế thừa, chia sẻ, trao đổi và dùng chung tối đa dữ liệu, tuân thủ theo quy định kỹ thuật về dữ liệu của hệ thống cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục đại học do Bộ GD-ĐT ban hành.
Đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt các dịch vụ phục vụ người học, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục và các tổ chức, cá nhân khác.
Trong đó, tập trung triển khai các dịch vụ phục vụ người học như: Đăng ký học tín chỉ, tra cứu thông tin và kết quả học tập, các dịch vụ liên quan đến xác nhận của cơ sở giáo dục đại học, đóng học phí, dịch vụ liên quan đến thư viện, dịch vụ liên quan đến ký túc xá...;
Các dịch vụ phục vụ giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý như: Đăng ký đề tài, đăng ký công tác, đăng ký nghỉ phép, các dịch vụ liên quan đến xác nhận hồ sơ...
Triển khai, khai thác hiệu quả các hệ thống thông tin quản lý và cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thực hiện phục vụ quản lý chuyên môn và quản lý ngành như: Cổng thông tin tuyển sinh, hệ thống hỗ trợ quản lý tuyển sinh (lọc nguyện vọng đăng ký tuyển sinh ảo), đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh, điều kiện đảm bảo chất lượng, cơ sở dữ liệu đội ngũ...
Thứ năm, triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đổi mới nội dung, phương pháp dạy-học, kiểm tra đánh giá và nghiên cứu khoa học như đẩy mạnh việc triển khai giải pháp công nghệ thông tin hỗ trợ tổ chức đào tạo qua mạng; Các giải pháp về thư viện số, kho học liệu số dùng chung;
Xây dựng, phát triển nguồn học liệu mở (OER) phục vụ cơ sở giáo dục đại học và đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa (itrithuc.vn).
Hình thành mạng học tập mở trong cơ sở giáo dục đại học và liên kết giữa các cơ sở giáo dục đại học.
Cập nhật chương trình đào tạo và có các hình thức bồi dưỡng chuẩn bị cho người học những kỹ năng chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó chú trọng phổ cập kỹ năng số, kỹ năng bảo đảm an toàn, an ninh thông tin tối thiểu đạt trình độ cơ bản.
Tăng cường ứng dụng công nghệ đổi mới công tác khảo thí (xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa; Hệ thống và quy trình tổ chức thi, kiểm tra trên máy tính...).
Thứ sáu, tăng cường các điều kiện đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả nhằm đảm bảo hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin đồng bộ, cung cấp kết nối Internet không dây miễn phí phục vụ học tập, giảng dạy và nghiên cứu cho cán bộ và người học trong khuôn viên cơ sở giáo dục đại học;
Đầu tư các phòng IT Lab, phòng học đa chức năng phục vụ đổi mới phương pháp dạy - học, nghiên cứu khoa học;
Đảm bảo các giải pháp an toàn thông tin và an ninh mạng cho các hệ thống công nghệ thông tin theo quy định; Kết hợp việc đầu tư với thuê dịch vụ công nghệ thông tin có hiệu quả, phù hợp với điều kiện của cơ sở giáo dục đại học…
Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh,Thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học nghiêm túc triển khai thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản này và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị báo cáo kịp thời về Bộ GD-ĐT.