Bộ Công Thương cho biết dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng trên 13% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 7-8%).
Bộ Công Thương dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt khoảng 200 tỷ USD. Ảnh minh họa
Thông tin về dự kiến tăng trưởng năm 2017, tại cuộc họp báo thường kỳ 6 tháng năm 2017 diễn ra mới đây, Bộ Công Thương cho biết dự kiến chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm tăng trên 8%, giá trị gia tăng của ngành tăng trên 7%.
Đối với nhóm ngành khai khoáng, dự báo chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của ngành khai khoáng bằng 92,9% so với năm 2016 và giá trị gia tăng (VA) của nhóm bằng khoảng 92% so với năm 2016. Dự kiến sản xuất các nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo sẽ đạt mức kế hoạch đề ra, tính chung chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo năm 2017 sẽ tăng khoảng 12-12,5%.
Đối với nhóm ngành sản xuất và phân phối điện, phấn đấu đạt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2017 của ngành tăng khoảng 11,5%, giá trị gia tăng (VA) của ngành tăng khoảng 11,5%.
Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho hay, dự báo, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng trên 13% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 7-8%). Nhập khẩu năm 2017 dự báo đạt 205 tỷ USD, tăng trên 17% so với cùng kỳ. Nhập siêu dự tính khoảng 5 tỷ USD, bằng khoảng 2,5% kim ngạch xuất khẩu (thấp hơn mức do Quốc hội giao là 3,5%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả năm 2017 dự kiến đạt khoảng 3.881 nghìn tỷ đồng, tăng trên 10% so với năm 2016, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.
19 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD
Báo cáo về tình hình xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2017, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2017 vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 97,7 tỷ USD, tăng 18,8% so cùng kỳ. Việc xuất khẩu có mức tăng trưởng cao, một mặt do giá các mặt hàng xuất khẩu tăng (nhóm nhiên liệu và nông sản...), bên cạnh đó một số nhóm hàng xuất khẩu đạt tăng trưởng về lượng (công nghiệp chế biến chế tạo, khoáng sản...).
Tính đến hết tháng 6/2017, có đến 19 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu ở mức trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD (điện tử, điện thoại và linh kiện, Dệt may, Da giầy).
Nhiều mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu tăng cao, tăng 19,1% so cùng kỳ, ước đạt 78,56 tỷ USD. Trong đó, ghi nhận sự tăng trưởng cao và ổn định của các ngành nhóm ngành có quy mô xuất khẩu lớn như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 45,8%; Điện thoại các loại và linh kiện tăng 14,9%; Giầy dép các loại tăng 12,2%…
Xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản 6T/2017 có mức tăng 16,7%, ước đạt 12,1 tỷ USD, trong đó nổi bật là sự tăng trưởng cao của nhóm rau quả (tăng 43,5%), thủy sản (tăng 16,7).
“Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng xuất khẩu chủ đạo (chiếm 72,1% Tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước) và có mức tăng trưởng cao hơn doanh nghiệp trong nước, tăng 20,4% (kể cả XK dầu thô)” Bộ Công Thương lưu ý.
Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt 100,5 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu khối doanh nghiệp trong nước đạt 39,8 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu 60,66 tỷ USD, tăng 28,4%.
“Tuy kim ngạch nhập khẩu có mức tăng cao nhưng tập trung chủ yếu ở nhóm hàng cần nhập khẩu, gồm máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu của nhóm cần nhập khẩu đạt 89,7 tỷ USD, chiếm 89,2% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 25,5% so với cùng kỳ”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm, nhập siêu cả nước ước đạt 2,78 tỷ USD, chiếm 2,8% kim ngạch XK, đây là mức thấp hơn chỉ tiêu do Quốc hội thông qua.
Ba nguyên nhân nhập siêu trong 6 tháng đầu năm được chỉ ra là do nhập khẩu phục vụ các dự án sản xuất tăng; Theo thông lệ hàng năm thì xuất khẩu bắt đầu từ tháng 6 trở đi mới vào chu kỳ tăng trưởng, đặc biệt là các mặt hàng có kim ngạch lớn như đồ gỗ, dệt may, giày dép... nên thời gian trước đó các doanh nghiệp tập trung nhập khẩu nguyên phụ liệu, máy móc... để sản xuất các đơn hàng xuất khẩu; Mặt bằng giá thế giới đang có xu hướng tăng (giá dầu tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, kéo theo đó là sự tăng giá nhập khẩu của nhiều mặt hàng nhiên liệu, nguyên liệu cho các ngành công nghiệp cơ bản như xăng dầu, khí đốt, hóa chất, chất dẻo nguyên liệu...).