Bộ Công Thương chỉ đạo đối với những doanh nghiệp (DN) kinh doanh thua lỗ, tồn đọng tài chính kéo dài, không đủ điều kiện thực hiện cổ phần hoá phải kiên quyết thực hiện sắp xếp, sáp nhập hoặc phá sản theo quy định của Nhà nước.
Bộ Công Thương chỉ đạo đối với những DN kinh doanh thua lỗ phải kiên quyết thực hiện sắp xếp, sáp nhập hoặc phá sản. Ảnh minh họa
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ban hành chỉ thị số 05/CT-BCT về việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương giai đoạn 2017 - 2020. Cụ thể căn cứ Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước xây dựng kế hoạch, lộ trình sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước trong giai đoạn 2017 - 2020, báo cáo Bộ Công Thương phê duyệt trong tháng 5 năm 2017 theo thẩm quyền hoặc thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với 4 tập đoàn phải trình đề án tái cơ cấu gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, yêu cầu phối hợp với các đơn vị thuộc bộ để khẩn trương hoàn thiện đề án, báo cáo bộ Công Thương trước ngày 20 tháng 5 năm 2017.
Bộ Công Thương yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tổ chức triển khai công tác cổ phần hóa các đơn vị thành viên theo đúng kế hoạch và tiến độ đã được phê duyệt; tuân thủ các quy định hiện hành về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần. “
"Đối với những doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, tồn đọng tài chính kéo dài, không đủ điều kiện thực hiện cổ phần hoá phải kiên quyết thực hiện sắp xếp, sáp nhập hoặc phá sản theo quy định của Nhà nước”, chỉ thị nêu rõ.
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành công thương cũng chỉ đạo tăng cường công tác quản lý kiểm tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không có hiệu quả, hiệu quả thấp; có cơ chế kiểm soát phù hợp trong việc mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp, tránh lợi ích nhóm, thất thoát vốn và tài sản nhà nước.
Cùng với yêu cầu xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ thị “ xử lý nghiêm lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, người đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện hoặc thực hiện kém hiệu quả việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp”.
Bộ trưởng giao bộ phận đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do bộ Công Thương làm chủ sở hữu thực hiện rà soát các tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước theo quy định tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể bán phần vốn nhà nước trong giai đoạn 2017 - 2020.
Thường trực Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với vụ Tài chính và các đơn vị liên quan thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc bộ Công Thương về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 9091/VPCP-ĐMDN ngày 25 tháng 10 năm 2016 của Văn phòng Chính phủ về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước theo quy định của pháp luật
Liên quan đến việc sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, mới đây Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã ký văn bản 588/TTg-ĐMDN yêu cầu các Bộ, UBND cấp tỉnh, Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước căn cứ Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020, chủ động, đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước do mình quản lý và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện của cả giai đoạn 2017-2020, bảo đảm hiệu quả và không để thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.