Thực tiễn xét xử cũng như quan điểm hướng thiện, bảo vệ quyền con người, bảo vệ những người yếu thế trong xã hội bằng pháp luật hình sự đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung thêm các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Đồng thời, mở rộng phạm vi áp dụng đối với các trường hợp quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng. Mặt khác các vướng mắc trong áp dụng quy định của BLHS năm 1999 về các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự cũng đòi hỏi BLHS năm 2015 phải sửa đổi theo hướng minh bạch, rõ ràng để vừa tháo gỡ vướng mắc vừa thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật.
Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Chính vì vậy, Chương VIII BLHS năm 2015 về Quyết định hình phạt gồm 10 điều đã được thiết kế thành hai mục: (1) Quy định chung về Quyết định hình phạt, gồm 4 điều (từ Điều 50 đến Điều 53); (2) Quyết định hình phạt trong các trường hợp cụ thể, gồm 6 điều (từ Điều 54 đến Điều 59). So với BLHS năm 1999 thì số lượng các điều luật trong Chương VIII BLHS năm 2015 không thay đổi, chỉ được sắp xếp, thiết kế lại thành hai mục rõ ràng hơn.
Điều 51 BLHS năm 2015 quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự so với Điều 46 BLHS năm 1999 thì có nhiều sửa đổi, bổ sung. Bổ sung thêm các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự gồm: phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (điểm đ); phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra (điểm l); người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng (điểm p); người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ (điểm x). Sửa đổi tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm q khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 theo hướng tạo thêm cơ hội hơn cho người phạm tội được áp dụng tình tiết giảm nhẹ. Theo đó, tình tiết giảm nhẹ "người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm" tại điểm q khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 được sửa đổi thành "người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án" tại điểm t khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015.
Một số tình tiết giảm nhẹ được quy định ghép trong cùng một điểm của khoản 1 Điều 46 của BLHS năm 1999 đã gây tranh cãi và không thống nhất về nhận thức là một hay nhiều tình tiết giảm nhẹ. Để góp phần khắc phục bất cập này, khoản 1 Điều 51 của BLHS năm 2015 đã cố gắng tách riêng từng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và quy định thành những điểm khác nhau. Đối với một số ít các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định chung trong cùng một điểm thì Bộ luật đã sử dụng từ “hoặc” thay cho dấu phẩy trong quy định của BLHS năm 1999 để phân biệt.
Xét xử các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines)
Khoản 2 Điều 51 bổ sung thêm tình tiết "đầu thú", theo đó, khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, những phải ghi rõ lý do trong bản án. Việc bổ sung quy định này nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, khuyến khích những người phạm tội đang trốn tránh ra đầu thú để được hưởng khoan hồng, giúp Nhà nước tiết kiệm chi phí phục vụ cho việc điều tra, truy nã và sớm kết thúc vụ án. Đối với các tình tiết giảm nhẹ mới quy định tại các điểm đ, l, p, x của khoản 1 Điều 51 hoặc điểm k của khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 thì các Thẩm phán cần nghiên cứu thêm Luật người cao tuổi, Luật Người khuyết tật để hiểu sâu hơn về các quy định mới này.
Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
Điều 52 của BLHS năm 2015 quy định các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự có một số sửa đổi, bổ sung so với Điều 48 của BLHS năm 1999. Sửa cụm từ ‘phạm tội đối với trẻ em’ thành ‘phạm tội đối với người dưới 16 tuổi’; sửa ‘người già’ thành ‘người đủ 70 tuổi trở lên’ (điểm i). Bỏ các tình tiết phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng vì đây là các tình tiết định tội, định khung hình phạt mang tính chất định tính và trừu tượng. Các tình tiết này đã được lượng hóa cụ thể trong các tội phạm và khi đã là tình tiết định tội, định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng nữa.
Bổ sung đối tượng bị xâm hại là "người khuyết tật hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức" vào tình tiết tăng nặng quy định tại điểm k khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015. Theo đó, người phạm tội nếu phạm tội đối với người khuyết tật hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức sẽ bị coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Bỏ tình tiết xâm phạm tài sản của Nhà nước; tuy nhiên, trong Phần thứ hai “Các tội phạm” tình tiết này vẫn là tình tiết định tội, định khung hình phạt của một số tội. Ví dụ, tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (Điều 179 BLHS năm 2015). Một số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định ghép trong một điểm của khoản 1 Điều 48 của BLHS năm 1999 được tách ra và quy định thành các điểm riêng trong khoản 1 Điều 52 của BLHS năm 2015. Ví dụ như các tình tiết: phạm tội 2 lần trở lên (điểm g); tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm (điểm h); dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội (điểm m); dùng thủ đoạn hoặc phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội (điểm n). Sửa tình tiết: “Xúi giục người chưa thành niên phạm tội” thành “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” (điểm o).
Khác với các tình tiết giảm nhẹ, Tòa án không được coi các tình tiết khác là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Ví dụ: Bị cáo quanh co, chối tội, không chịu nhận tội, không thành khẩn khai nhận tội, không ăn năn, hối cải hoặc không khai báo thì Tòa án không được coi đó là thái độ “ngoan cố” để tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Về cơ bản, nội dung của các tình tiết giảm nhẹ hoặc các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đã được hướng dẫn tại điểm c Mục 5 hoặc Mục 6 của Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 4/8/2000 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Các tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự là một trong những căn cứ để quyết định hình phạt, do đó áp dụng thừa, thiếu, không đúng nội dung của các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ sẽ dẫn đến quyết định hình phạt không chính xác và sẽ đặt bản án vào nguy cơ bị sửa, thậm chí bị hủy nếu việc áp dụng các tình tiết này tùy tiện, không có căn cứ.
Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt
Điều 54 BLHS năm 2015 quy định về Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng có một số sửa đổi, bổ sung. Nội dung quy định tại khoản 1 Điều 54 cơ bản kế thừa Điều 47 của BLHS năm 1999 nhưng có chỉnh sửa về mặt kỹ thuật cho rõ hơn theo hướng: “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật này”.
Bổ sung mới khoản 2 Điều 54 quy định về trường hợp Tòa án quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung liền kề. Theo đó, “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể”. Đây là một quy định rất mới nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn xét xử của Tòa án đối với những trường hợp người phạm tội lần đầu là người giúp sức, có vai trò không đáng kể trong vụ án đồng phạm, nhưng bị truy tố và xét xử ở khung hình phạt nặng cùng với các đồng phạm khác. Theo quy định tại Điều 47 BLHS năm 1999, thì dù có xem xét, khoan hồng tối đa, Tòa án cũng chỉ được phép áp dụng hình phạt trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn khung hình phạt được áp dụng và hình phạt đó vẫn là quá nghiêm khắc. Tuy nhiên, khi áp dụng khoản 2 Điều 54 cần lưu ý là người được áp dụng cũng phải thỏa mãn điều kiện quy định tại khoản 1 của điều luật tức là họ cũng phải có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS năm 2015.
Khoản 3 Điều 54 được thiết kế trên tinh thần tách quy định tại đoạn cuối Điều 47 BLHS năm 1999 về việc Tòa án quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang loại hình phạt khác nhẹ hơn, nhưng cụ thể và rõ ràng hơn: “Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này, nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án”.