Lữ Mai, tên tuổi chẳng còn xa lạ trên thi đàn Việt Nam hiện đại. Những tác phẩm đã in của chị, không chỉ cho thấy sức viết dồi dào mà còn thể hiện phong cách viết độc đáo của một tác giả trẻ tài năng. Vực trắng, với 54 bài thơ chia làm 5 phần là khúc ca của người lữ hành lạc vào cõi mộng nhưng vẫn đầy những cảm xúc chân thực.
Thế giới trong thơ Lữ Mai là sự giao hòa giữa thực và mộng, là sự hình dung và tưởng tượng từ thực tại. Người lữ hành ấy dù là vùng núi sơn cước hay phố xá thành thị, làng quê bình dị hay vùng đất cổ kính, với người quen hay xa lạ, ta đều thấy ở đó một sự giao thoa, giao hòa giữa thiên nhiên và con người. Trong thế giới ấy, con người có thể cảm thấy bất định, bơ vơ, lạc lõng, không chắc chắn, mơ hồ nhưng vẫn luôn tin và hy vọng về một điều gì đó hồi sinh trong tương lai.
Lữ Mai bắt đầu chuyến khởi hành tưởng tượng của mình Từ núi: nơi bắt đầu của sự nguyên sơ, nguyên bản, là nơi khởi nguồn của các con sông, nơi vẫn tồn tại những điều gì đó hoang dại, nơi mà sức mạnh của thiên nhiên có ảnh hưởng rất nhiều lên mặt tâm linh của con người nơi đây. Từ núi, Lữ Mai nhận ra, có những giá trị tinh thần nảy sinh từ những khoảnh khắc tạm thời: “bọt nước vẽ hoa trắng”. Ở đó, có sự dung hòa giữa nội tâm và ngoại cảnh, giữa sự xao động của cuộc sống và khát vọng thanh tịnh: “thác âm ba tịnh độ chín tầng”; “suối đổ ầm ầm thung vắng”; “âm âm hương rừng”; “lời thề xưa vọng hang đá thâm trầm”. Chúng ta có thể hình dung được sự vang vọng của âm thanh khi đứng dưới vực sâu, trong hang, mỗi âm thanh phát ra nó đều được vang đi vang lại nhiều lần, cảm giác như nó vang vọng vào từng ngõ ngách, làm cho âm thanh có chiều sâu, chiều cao như cảnh giới của sự thanh tịnh. Trong thế giới ấy, con người luôn tìm cách đối diện và khám phá bản chất thật của bản thân, nhận ra, ngay cả những điều tưởng như tĩnh lặng nhất, cứng nhắc nhất cũng có thể chứa đựng sự sống: “sỏi đá reo tiếng mèo rừng”. Thiên nhiên cũng là một sinh linh giống như con người: biết vui, buồn, cũng có lúc kiêu hãnh, nhưng lại có lúc trầm mặc, lặng im, cũng nhiều nỗi niềm mà không biết tỏ cùng ai: “mỏm núi kia nhô ra một cái cây/ buồn mà không sao chết nổi”; những dáng cây buồn và kiêu hãnh/ chỉ núi thấu nổi tầng rễ sâu/ nhưng tán lá luôn thuộc về trời rộng”; “cây nói bằng im lặng/ người nói bằng niềm riêng”. Và con người nhận ra rằng, có những mất mát nhưng để chuyển hóa, giành không gian cho sự tái sinh: “lục sục đồi nương”, “non mềm mở búp nhập trinh nguyên”; “dẫu đến lúc tiếng chim chia mùa hạt/ gieo lòng sâu mọc nên mùa cây”.
Cuộc đời con người là sự đan xen giữa bi kịch và hy vọng, giữa những mất mát nỗi đau trong cuộc sống nhưng vẫn phải mạnh mẽ vượt qua, vẫn phải hy vọng về một tương lai. Có những sự phủ nhận những điều mình cho là đúng, có những vướng bận trong cuộc sống khiến con người rơi vào chết lặng, không thể “dỗ” được tiếng khóc của nỗi đau ấy: “sao có những đêm mòn đứt ruột/ con đường gần chẳng biết ngả về đâu/ cuối cùng tan vào nước/ mặt người giàn giụa sương/ người bỗng chốc ngằn ngặt rồi im bặt”- một sự bất định, đơn độc, không có chỗ bám víu trong cuộc sống. Con người rơi vào bi kịch vì chấp niệm, tin tưởng vào cái mình cho là duy nhất, nhưng đâu ngờ rằng, cái ta tin ấy nó mỏng manh, khó nắm bắt đến vậy: “chỉ ta chới với/ tin mãi một vầng mây/ tin mãi bầu trời ấy là duy nhất/ bình minh bất chấp quay về”.
Cuộc sống dường như buồn nhiều hơn vui, muốn buông xuôi, bỏ mặc “chuyến đi thoát cơn trầm mặc” nhưng vẫn phải bất chấp quay về khi bình minh- ngày mới mắt đầu. Dù những nỗi đau, sự tan vỡ và những ký ức trong quá khứ chồng chất, hiện lên mặt ta “từng mảng khăn xô/ ghép nên mặt ta/ rất rõ”, thì ta vẫn phải tiếp tục sống giống như cây lau tím lặng dưới vực sâu vẫn phất cờ tạo nên “vực trắng”, hòa với mây vẫn tạo nên không gian bao la tuyệt đẹp, hay việc ta chấp nhận thay vì họa bức tranh tĩnh vật, ta lại vẽ nên “sơn nữ cười/ giọt mật ban mai”. Bởi lẽ, suy nghĩ lại, ta sẽ thấy không có gì là tốt cả hay xấu cả, cứ bình tĩnh, chậm lại ta sẽ nhìn ra được điều mình chấp nhận được ngay trong cái mà ta tưởng rằng chẳng đã mất hết, đã không thể.
Cuộc sống vẫn có những thứ mật ngọt làm ta mê đắm, níu kéo ta, mời mọc ta đi tiếp với nó. Dù có thể khi ta trải qua rồi mới thấy mật ấy chẳng ngọt như ta hằng tưởng tượng, cũng đủ cả mặn, đắng, chát ngọt môi người: “róc rách bình yên thương vay/ mộng tưởng từ bi là mây trấng/ ngang trời”. Nhưng nhờ trải qua nó, con người ta mới nhận ra trước dòng chảy của thời gian, có những sự mất mát là không thể tránh khỏi, nhưng vẫn có những điều bình dị, tự nhiên vẫn kiên định tồn tại, không cần tuân theo những chuẩn mực hay sự sắp đặt của sự sống: “nắng đổi chiều theo những kẻ mải mê…/ em muôn đời vẫn thế/ trước con đường bụi đỏ/ lặng im thôi nắng gió sẽ e dè”.
Tình yêu trong Vực trắng không chỉ là tình yêu nam nữ, mà còn là tình người, tình bạn, tình mẹ, tình bạn thân quen, tình người xa lạ. Tình yêu ở đây không chỉ là khía cạnh lãng mạn, lý tưởng, mà là tình yêu song hành với cuộc sống: “mùa xuân sấm sét đì đùng/ người e ấp theo chồng/ mõ đồng loại đứt/ chớp xanh hàng cúc”. Đó là sự dang dở của tình yêu thời chiến tranh bom đạn “cánh đồng Mường Thanh còn tê tái hẹn hò”, “mãi là mùa hoa dang dở”, là tình bạn mấy mươi năm không gặp lại “uống rượu và say cùng bạn cũ/ bạn với con đường không phản bội ta”. Khi đã coi ai đó là tri kỉ, là bạn thực sự, dường như mọi “chát ngọt môi người” ta đều thấu cả “bạn rót trà/ rót cả bài ca chim núi/ tiếng hót tan chát ngọt môi người/ …mẹ bạn…niềm khúc khuỷu trũng buồn đáy mắt…/ vợ bạn tất bật…/ con trẻ khóc òa trong vắt”. Còn với người xa lạ, ta phải chấp nhận có được sẽ có mất, đó là cuộc sống “mưa trút xả thấu lòng người lạ/ làm sao giữ nổi dấu chân/ đành tự trổ lên mình thêm thương tích/ đành tự hòa rượu đắng ngót mươi năm”.
Quá khứ trong thơ Lữ Mai chưa bao giờ chết, giống như câu nói của nhà văn người Mỹ William Faulkner: “quá khứ không bao giờ chết, thậm chí nó còn chưa qua đi” (the past is never dead. It’s not even past)- nhấn mạnh sức ảnh hưởng lâu dài và bền bỉ của quá khứ với hiện tại và tương lai. Quá khứ làm cho con người khi nhìn lại giống như một huyền tích bí ẩn mà ta từng là nhân vật chính trong đó. Từ những phong tục tập quán của người vùng núi như tằng cẩu, dệt cửi, hương vị trà sơn cước đến những dấu vết bom đạn của một thời khói lửa với bia đá, với những địa danh như cánh đồng Mường Thanh, hình ảnh cầu Long Biên kiệt mình theo dòng chảy thời gian, là Hà Nội, Sài Gòn, là ký ức nhà mẹ, là Huế cổ kính, là chợ Hòe Nhai, là tình bạn mấy mươi năm ta gặp lại. Những ký ức đó có thể bị lãng quên, tưởng rằng đã quên nhưng bất chợt đâu đó nó vẫn luôn ẩn hiện trong cuộc sống thực tại mà ta không hề nghĩ đến.
Lữ Mai giành một mối ân tình đặc biệt cho Huế. Có chăng, vì đây là nơi duy nhất còn giữ lại một cách trọn vẹn một thời về quá khứ cổ kính vàng son, nơi vẫn giành được một không gian rộng lớn cho sự hồi sinh hương xưa cũ. Lữ Mai viết về Huế thủ thỉ như là một cuộc trò chuyện tri kỷ, tưởng rằng quen thân quá đổi mà hóa ra chỉ là vị khách xa. Con người Huế là vậy, bao năm vẫn nhỏ nhẹ, thân thương, mộc mạc, gần gũi “hòa lối sáng thuở sương/ khúc dạ thanh mở đường loan phụng”. Dù là thân quen hay xa lạ thì tiếng gọi đò ấy vẫn đưa con người ta vào cõi phiêu bồng, thoát tục “sương khói đành theo gót mỹ nhân”.Trong cảm nhận của người lữ khách “tinh thể chiều/ ly tách thẫm hơn lời cuối”- ta đã hòa vào cái u hoài, trầm mặc của Huế, thời gian và không gian xưa dường như đang trở về qua vị “thẫm” của ly cà phê muối. Huế không phải là nơi vội vã để lướt qua, mà cần thời gian để cảm nhận và khám phá. Chỉ khi thực sự sống chậm lại, chúng ta mới có thể cảm nhận được hết vẻ đẹp vàng son ấy. “Nhoi nhói trong tay”, “ai đốt lòng ta hóa lửa”, “chẳng lẽ tự ngàn xưa”- cảm giác nhói trong tim, sự nóng lòng muốn làm một điều gì đó trước sự thay đổi nhanh chóng của thời đại. Nhưng cũng rất nhanh, người khách ấy nhận ra “Huế bây giờ vẫn tím những ngày xưa”, một sự khẳng định: dù thời gian có trôi qua, Huế vẫn sẽ luôn giữ vẻ đẹp thâm trầm của mình, không lẫn vào đâu được, và chỉ ở Huế mới có: ngồi thuyền rồng trên sông Hương vừa thưởng thức trà nương, vừa nghe những câu hò Huế, tận hưởng không gian mùa thu xứ Huế…- một phần không thể xóa nhòa của ký ức và văn hóa Việt Nam. Câu thơ “nụ hôn nghìn năm vẫn lạ” như một sự phát hiện mới, một sự khẳng định về những giá trị mà Huế mang lại, và không ai khác có thể giữ được điều ấy ngoài sức mạnh của tình yêu: tình yêu giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, với những giá trị văn hóa tinh thần, và cả với chính bản thân mình nữa.
Đi trong tưởng tượng và trở về vào lúc bình minh nhờ những thanh âm của cuộc sống “chuông reo chuông reo”, là cảnh phố xá, ngõ quen, nhà mẹ, hương sen. Một khởi đầu mới, một hành trình mới. trong thời khắc chuyển giao ấy, dù biết là ánh sáng và bóng tối vẫn chưa phân định rõ ràng, vẫn có sự đan xen, nhưng trước mắt ta là một viễn cảnh mà ta có thể đặt niềm tin và hy vọng “sương vừa hé mắt/ ngàn hoa son sắt lưng trời”. Cuộc sống vẫn cứ bất chấp tiếp diễn “hỡi mùa mải miết lên xanh biếc” dù biết rằng trong thực có mộng, trong tĩnh có động, trong sáng có tối, trong hiện tại vẫn có hình bóng quá khứ, trong bóng dáng cỏ cây có hình bóng con người “thanh khiết đành buông/ mây trách tôi” như một sự mặc nhiên chấp nhận, nhưng không phải buông xuôi, phó thác, mà khi ta đã làm mọi cách tốt nhất có thể rồi và đó là điều còn lại.
Để chuyến khởi hành tưởng tượng được hoàn hảo, dòng thời gian trong thơ Lữ Mai không tuân theo quy luật của thực tế mà đan xen giữa quá khứ, hiện tại và ước vọng vô hình về tương lai. Không gian cũng lặng lẽ mơ màng như nằm trong giữa thực và mộng. “mùa hoa/ đã qua/ ban cuối trời mây xa/…/không say cũng trồn đêm chộn rộn/ đất nóng chung chiêng/ ký ức hùng thiêng/ trời nào xanh hơn mắt người nằm lại/ lúa đương thì con gái/ cánh đồng Mường Thanh còn tê tái hẹn hò/ mây mang bóng dáng tàn tro/ đàn chim thắp vệt ngày khói lửa/ mãi là mùa hoa giang giở/ hương xưa hồi sinh nhịp thở”…
Hình ảnh trong Vực trắng vừa mang tính biểu tượng, vừa lãng mạn mà đậm chất siêu thực. Mọi sinh vật đều có linh hồn, hòa quyện với nhau, có mối liên kết giữa thiên nhiên với không gian vô tận, mở ra một thế giới kì bí vừa thực vừa mộng, khó nắm bắt: “cỏ hoài thai trong vệt mây trời”, “nhập sợi vải no sáp ông mềm lựng”, “rút từng sợi bình minh se chỉ đỏ”,” mỗi trái hồng ngâm làm một mặt trời/ mùa thu vừa rơi vừa ngủ”, “khói xám vẩn vờ hẹn với sương giăng”, “mặt trời lấm lem lăn gốc dổi”,“rượu ngấm thủng mấy tầng đất ải/ mặt lá say đỏ dại sang chiều”, “mũi kim xuyên miền tím thẫm”, “mặt trời ngủ trong vòm dứa dại/ ánh sao chiều xuyên vệt lá chân chim”, “sóng đã tỏa vào hương/ cánh tàn nghìn năm bừng giấc”.
Bằng giọng thơ mộc mạc của mình, Lữ Mai đã đem đến sự tổng hòa của những cảm xúc gập ghềnh, quanh co, khúc khuỷu như trò ú tim tàn bạo, như những ngã rẽ bất ngờ vẫn xảy ra trong cuộc sống. Và dù cuộc sống có thế nào đi chăng nữa ta cũng không ngừng thôi mơ ước và hy vọng về tương lai. Và mỗi chúng ta nên nhớ rằng, trong hành trình đương đầu với những thử thách của cuộc sống, hãy biết xoa dịu tâm hồn mình bằng việc gần gũi với thiên nhiên cây cỏ, với những giá trị văn hóa, nhưng hương vị xưa cũ vẫn còn sống mãi với chúng ta qua ngàn thế hệ “hương xưa hồi sinh nhịp thở”.