Tin địa phương

Bình Thuận thúc đẩy đột phá trong ứng dụng khoa học, công nghệ

S.H 27/05/2025 13:54

Ngày 27/5, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội thảo khoa học, với chủ đề “Các giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Theo của Sở Khoa học và Công nghệ, Hội thảo nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

binh-thuan-khoa-hoc-cong-nghe-1.jpg
Bình Thuận thúc đẩy đột phá trong ứng dụng khoa học, công nghệ

Hoạt động này cũng nhằm cụ thể hóa Chương trình hành động số 102-CTr/TU ngày 21/02/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW và Kế hoạch số 677/KH-UBND ngày 25/2/2025 của UBND tỉnh Bình Thuận thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP và Chương trình hành động số 102-CTr/TU.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh địa phương đang đứng trước những cơ hội lớn để bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội nhờ lợi thế về vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên; Đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, du lịch biển, nông nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển.

Khoa học và công nghệ được xác định là động lực then chốt, chìa khóa để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh trong cả hoạt động quản lý nhà nước lẫn sản xuất kinh doanh.

Hội thảo thu hút sự tham dự của lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh; đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp…

binh-thuan-khoa-hoc-cong-nghe-4.jpg
binh-thuan-khoa-hoc-cong-nghe-3.jpg
binh-thuan-khoa-hoc-cong-nghe-2.jpg
Các chuyên gia trình bày tham luận tại Hội thảo khoa học, với chủ đề “Các giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”

Các bài tham luận tại Hội thảo đã cung cấp nhiều góc nhìn thực tiễn, giải pháp khoa học và đề xuất chính sách thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh, cụ thể: PGS.TS Đặng Xuân Cường - PGĐ Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp - Trường Đại học Công Thương TP. HCM giới thiệu mô hình nhà máy tích hợp công nghệ cao (công nghệ enzyme, AI, blockchain và NFT), chế biến phụ phẩm nông thủy sản thành sản phẩm giá trị gia tăng (viên nang, mặt nạ, vật liệu bao gói sinh học).

PGS. TS. Đỗ Phú Trần Tình - Viện trưởng Viện Phát triển chính sách ĐHQG-HCM chia sẻ kinh nghiệm quốc tế (Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Trung Quốc) trong thực thi chính sách khuyến khích doanh nghiệp và người dân ứng dụng công nghệ. Từ đó, đề xuất mô hình chính sách phù hợp cho Bình Thuận, nhấn mạnh vai trò hạ tầng số, đổi mới sáng tạo, ưu đãi tín dụng và đào tạo nguồn nhân lực số.

TS. Phan Công Kiên – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố trình bày các kết quả chuyển giao hàng loạt giống cây trồng mới (nho, táo, mãng cầu, nha đam), quy trình canh tác hữu cơ, ứng dụng nhà màng, tưới tiết kiệm và mô hình liên kết chuỗi sản xuất – tiêu thụ; các mô hình nông nghiệp tuần hoàn và VietGAP đã giúp tăng năng suất, giảm chi phí, nâng cao giá trị nông sản.

Công ty Cổ phần Công nghệ Nông nghiệp EDEN HUB mang đến nội dung về kinh nghiệm thực tiễn số hóa sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ như AI, IoT, nền tảng quản lý canh tác số và mã QR truy xuất nguồn gốc…

binh-thuan-khoa-hoc-cong-nghe-5.jpg
Ông Nguyễn Văn Đức - Đại diện doanh nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh chia sẻ việc áp dụng công nghệ vào sản xuất

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Võ Thành Công cho biết, trong khuôn khổ Hội thảo cũng sẽ diễn ra ký kết hợp tác giữa Công ty Cổ phần Công nghệ Nông nghiệp EDEN HUB (doanh nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh) và sàn thương mại điện tử Felix.

Việc ký kết hợp tác này là một mô hình hợp tác đổi mới sáng tạo – chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, mang nhiều ý nghĩa quan trọng, cả về mặt chiến lược, thực tiễn và lâu dài: Tăng cường đầu ra cho nông sản địa phương; nâng cao tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc;

Thúc đẩy nông dân chuyển đổi số và sản xuất theo chuỗi; góp phần xây dựng thương hiệu nông sản số hóa của tỉnh và Tạo tiền đề phát triển tài chính nông nghiệp số.

Ông Võ Thành Công cũng nhấn mạnh thêm, Hội thảo sẽ mở ra cơ hội tăng sự liên kết, hợp tác giữa các nhà khoa học với các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh;

Qua đó, nhận diện những thách thức cụ thể trong việc ứng dụng khoa học và công nghệ tại địa phương; gợi mở những định hướng, cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp để đưa khoa học và công nghệ vào thực tiễn đời sống, thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận thúc đẩy đột phá trong ứng dụng khoa học, công nghệ