Kinh tế

Bình Thuận: Tập trung tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp

Huỳnh Sang 06/09/2023 - 16:20

Trước mắt, để thu hút đầu tư bền vững, tỉnh Bình Thuận sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính nhanh, để tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp.

Tỷ lệ lấp đầy còn thấp

Hiện nay, Bình Thuận đã có sự “thay da đổi thịt” khi đã triển khai 9 Khu công nghiệp (KCN), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích hơn 3.000 ha, gồm 1 KCN chuyên ngành chế biến khoáng sản titan và 8 KCN đa ngành. Trong đó, có 6 dự án đã hoàn thành, 3 khu công nghiệp đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng gồm Sơn Mỹ I và II, Tân Đức.

Thu-tuong-Chinh-phu-xem-mo-hinh-khu-cong-nghiep-My-Son-1
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu xem mô hình khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 tại buổi lễ khởi công

Tính đến tháng 8/2023, các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thu hút được khoảng 88 dự án thứ cấp còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng và hơn 230 triệu USD. Diện tích đất công nghiệp cho thuê là hơn 270 ha và đạt tỷ lệ lấp đầy của các KCN đã đầu tư xây dựng khoảng 37%, trong đó có 66 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Trong đó KCN Phan Thiết 1 (giai đoạn 1) có tỷ lệ lấp đầy đầu tư đạt 100%, 2 khu công nghiệp trên 50%, 3 khu công nghiệp dưới 50%, còn lại 3 khu công nghiệp vẫn chưa triển khai dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, các cụm công nghiệp (CCN) cũng có tỷ lệ lấp đầy khá thấp. Theo thống kê, Bình Thuận có 36 CCN được phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích 1.183 ha. Trong đó 14/36 CCN có nhà đầu tư hạ tầng là doanh nghiệp, có 27 CCN thu hút, bố trí hơn 175 dự án đầu tư với tổng diện tích 270,63 ha, chiếm 35,9% diện tích đất công nghiệp của các CCN.

Ông Phùng Hữu Cư - Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Thuận cho biết: Tỷ lệ lấp đầy tại các KCN của tỉnh còn thấp, các dự án thứ cấp đa số có quy mô vừa và nhỏ, suất đầu tư không cao (với bình quân khoảng 42 tỷ đồng/ha) là do hạ tầng, nhất là giao thông đối ngoại trên địa bàn tỉnh trước đây chưa hoàn thiện; Nhưng nay đã khác vì những “điểm nghẽn” vừa nêu tại địa phương cơ bản đã được khơi thông.

Tích cực thu hút doanh nghiệp

Trong kế hoạch ngắn và trung hạn, tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng 6 KCN hiện có, đầu tư trên 70% khối lượng hạ tầng KCN Tân Đức, KCN Sơn Mỹ 1, KCN – Dịch vụ – Đô thị Hàm Tân – La Gi (giai đoạn 1).

Qua đó, tỉnh sẽ thu hút đầu tư, lấp đầy 100% diện tích đất cho thuê ở KCN Phan Thiết 2; 78% diện tích đất cho thuê ở các KCN Hàm Kiệm 1, KCN Hàm Kiệm 2; Đạt trên 30% diện tích đất cho thuê ở các KCN Tân Đức, KCN Tuy Phong, KCN Sông Bình, KCN Sơn Mỹ 1, KCN Sơn Mỹ 2.

Thu-tuong-Chinh-phu-xem-mo-hinh-khu-cong-nghiep-My-Son-1
Khi các điểm nghẽn về hạ tầng, giao thông được tháo gỡ đã mở ra những cơ hội mới để công nghiệp tỉnh Bình Thuận phát triển

Đến năm 2030, Bình Thuận sẽ đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng các KCN hiện có, thành lập một số KCN công nghệ cao. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ có phương án sắp xếp lại ngành nghề một số KCN theo hướng chuyên ngành, định hướng sản phẩm công nghệ cao, ngành nghề không ô nhiễm có chọn lọc, nhằm tạo điều kiện và môi trường đầu tư hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước…

Nếu tính tổng thể, với 6 KCN có hạ tầng hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động, Bình Thuận đang đứng trước thời cơ “vàng” thu hút nhà đầu tư vào các KCN; Đặc biệt là lấy lợi thế khi 2 cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo đưa vào vận hành.

Ngoài tuyến đường bộ cao tốc qua địa bàn tỉnh đã liền mạch, Bình Thuận còn có cảng nước sâu Vĩnh Tân, hiện chuẩn bị đầu tư sân bay Phan Thiết, cảng tổng hợp và kho cảng khí LNG Sơn Mỹ… Đây thực sự mở ra cơ hội và triển vọng mới để thúc đẩy kinh tế tỉnh này vươn lên.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, để hiện thực hóa kế hoạch thu hút đầu tư, địa phương này sẽ tiếp tục xác định lợi thế, phân tích tiềm năng, cơ hội nhằm kết nối đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh khi đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết – Vĩnh Hảo hoàn thành; Đổi mới, cải thiện công cụ xúc tiến đầu tư theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư; Phân tích những tồn tại, yếu kém để khơi thông những ách tắc trên các lĩnh vực có liên quan nhằm cải thiện môi trường đầu tư; Thường xuyên tổ chức gặp gỡ, làm việc, kết nối với các tổ chức đầu mối có chức năng xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước nhằm cung cấp thông tin, kêu gọi đầu tư vào các KCN Bình Thuận.

Ngoài ra, Bình Thuận sẽ tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhằm nâng cao vai trò trách nhiệm, đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Từ đó, tạo môi trường đầu tư lành mạnh để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, đi đến hoạt động sản xuất có hiệu quả.

Tại Hội thảo thảo xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp tại Bình Thuận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh, địa phương có lợi thế quỹ đất lớn để thu hút đầu tư, nhất là khi điểm nghẽn về hạ tầng, giao thông được tháo gỡ đã mở ra những cơ hội mới; Giúp kết nối Bình Thuận với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển bền vững và thu hút nhà đầu tư chiến lược ở các lĩnh vực tiềm năng, lợi thế, tạo động lực lớn để thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội và phát triển các khu công nghiệp của tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận: Tập trung tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp