Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vừa phê bình các sở, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, trong đó những hạn chế, yếu kém của các Ban Quản lý dự án chuyên ngành đã làm kéo giảm tỷ lệ giải ngân xuống thấp.
Cụ thể, khi kết luận trong cuộc họp diễn ra vào chiều 18/9 để nghe báo cáo tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đầu năm 2024 và các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian đến, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, Đoàn Anh Dũng đã biểu dương các sở, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên mức 50%; Đồng thời, phê bình nghiêm khắc các sở, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, trong đó những hạn chế, yếu kém của các Ban Quản lý dự án chuyên ngành đã làm giảm tỷ lệ giải ngân xuống thấp.
Chủ tịch Đoàn Anh Dũng đã nêu ra những tồn tại, hạn chế trong lãnh đạo chỉ đạo tổ chức thực hiện; Sự phối hợp trong triển khai nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương; Công tác chuẩn bị đầu tư dự án; Năng lực của các nhà thầu, đơn vị tư vấn; Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; Tình trạng sợ sai, né tránh trách nhiệm và năng lực quản lý dự án một số chủ đầu tư…
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương, các chủ đầu tư phải xác định công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ cấp bách ưu tiên hàng đầu; Phối hợp chặt chẽ, dồn sức thực hiện, quyết liệt tháo gỡ khó khăn vướng mắc để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Song song đó, các đơn vị cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ thực hiện gắn với bảo đảm chất lượng công trình, dự án.
Đối với nhóm dự án được bố trí vốn khởi công mới trong năm 2024 cần khẩn trương thực hiện hoàn thành các thủ tục để khởi công. Các chủ đầu tư khẩn trương rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án; Bên cạnh đó sẽ có chế tài, giải pháp quyết liệt đối với các đơn vị thi công chậm tiến độ hợp đồng đã ký.
Đối với các địa phương cần quyết liệt, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, trong đó, huy động sự vào cuộc của khối Mặt trận, đoàn thể, các tổ chức liên quan tuyên truyền vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng thi công thực hiện dự án.
Trước đó, trong khuôn khổ cuộc họp do UBND tỉnh tổ chức, các đại biểu đã nghe và thảo luận về kết quả giải ngân đầu tư công 8 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công thời gian tới; Đồng thời tập trung phân tích rõ nguyên nhân dẫn tới việc giải ngân đầu tư công còn chậm, nhất là những vướng mắc, khó khăn trong giải phóng mặt bằng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện.
Theo các đại biểu, việc triển khai một số dự án còn vướng đền bù, giải phóng mặt bằng, trọng tâm là xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư; Công tác chuẩn bị đầu tư dự án kéo dài do việc lập, thẩm định, phê duyệt, đấu thầu các dự án còn chậm, dẫn đến chưa có khối lượng để giải ngân...
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công của Bình Thuận hơn 4.630 tỷ đồng. Giá trị giải ngân đến ngày 13/9/2024 là hơn 1.528 tỷ đồng, đạt 33,01% so với kế hoạch; trong đó có hơn 2/3 chủ đầu tư giải ngân đạt dưới 50% kế hoạch vốn năm 2024 (06 chủ đầu tư giải ngân đạt trên 30%, 03 chủ đầu tư giải ngân đạt dưới 30%).