UBND tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản gửi các đơn vị liên quan đề nghị tăng cường xử lý tình trạng mất an toàn giao thông trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây qua địa bàn tỉnh Bình Thuận...
Hàng loạt bất cập còn chậm khắc phục
Hai tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã được Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải quan tâm đầu tư xây dựng hoàn thành, đưa vào khai thác, bước đầu đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc kết nối, giao thương, rút ngắn khoảng cách, thời gian đi lại giữa các vùng miền và giảm áp lực lưu lượng phương tiện, hạn chế tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1; Tuy nhiên, quá trình khai thác đến nay ghi nhận liên tiếp 4 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng với 2 người tử vong.
Bên cạnh đó, hai tuyến cao tốc này còn có những bất cập như: Tiến độ thi công đường gom dân sinh, hệ thống thoát nước, hầm chui,… đang rất chậm, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Vì vậy, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo, tổ chức triển khai nhiều giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên 2 tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, do chưa có hệ thống camera giám sát giao thông cao tốc nên việc phát hiện, xử lý những tình huống và vi phạm về trật tự an toàn giao thông chưa kịp thời, nhất là vi phạm tốc độ, phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn, đi ngược chiều; Dừng, đỗ xe không đúng quy định hoặc xe bị sự cố, tai nạn giao thông chưa được cẩu kéo, di dời kịp thời; Có tình trạng xe cứu hộ, bơm vá, thay vỏ xe dừng, đỗ không có cảnh báo, biển báo theo quy định,... và thực tế những hành vi vi phạm trên là một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông nghiêm trọng trong thời gian qua.
Nhằm hạn chế các vụ tai nạn giao thông do phương tiện “đâm” vào đuôi xe ô tô đang dừng, đỗ chiếm phần đường xe chạy, UBND tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Cục Cảnh sát giao thông chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông trong quá trình tuần tra, kiểm soát phải kịp thời phát hiện nhắc nhở, xử lý nghiêm ô tô dừng, đỗ chiếm phần đường xe chạy nhưng không đặt biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe theo quy định (theo QCVN 41:2019/BGTVT phải sử dụng biển số W.247 để cảnh báo xe đỗ); Kịp thời yêu cầu giải tỏa, cẩu kéo các ô tô hư hỏng dọc đường đến vị trí an toàn trên các tuyến cao tốc, các tuyến quốc lộ.
Tiếp đến, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị Liên danh Công ty Cổ phần Quản lý và Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông 238 - Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam, Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (Vec-E) thường xuyên tổ chức kiểm tra, bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ để xử lý các tình huống xe dừng đỗ, bị sự cố giữa đường;
Đồng thời, nhắc nhở các đơn vị đang thi công các hạng mục trên tuyến phải có biện pháp thi công hợp lý, có đầy đủ biển báo hiệu đang thi công, tránh rơi vãi vật liệu trên đường… góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.
Đời sống, hoạt động sản xuất của người dân bị ảnh hưởng
Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện nay vẫn còn nhiều hạng mục trên tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh chưa hoàn thiện, tác động đến đời sống, hoạt động sản xuất của người dân như: Còn 10.703 m các tuyến đường gom dân sinh dọc hai bên cao tốc chưa thi công, 41 tuyến đường địa phương bị hư hỏng do nhà thầu vận chuyển vật liệu cho dự án chưa được sửa chữa, 11 hầm chui ngập nước, 14 cầu vượt trực thông (cầu dân sinh) chưa hoàn thiện, 27 ngôi nhà bị nứt chưa được bồi thường, 52 cống thoát nước ngang đường gom chưa được xử lý.
UBND tỉnh Bình Thuận đã có Công văn số 2631/UBND- ĐTQH ngày 19/7/2023 đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Ban Quản lý dự án 7, Ban Quản lý dự án Thăng Long và các nhà thầu thi công nghiêm túc thực hiện các nội dung sửa chữa và hoàn trả các tuyến đường địa phương bị hư hỏng do vận chuyển vật liệu cho cao tốc gây ra;
Đường gom dân sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, canh tác sản xuất, đề nghị khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các đoạn đường gom theo thiết kế được duyệt và bàn giao cọc giải phóng mặt bằng một số đoạn bổ sung đã được phê duyệt thiết kế.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án 7 và Ban quản lý dự án Thăng Long yêu cầu các nhà thầu khẩn trương khắc phục các ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất của người dân do thi công dự án.
Sở Giao thông vận tải sẽ có trách nhiệm phối hợp với UBND các huyện theo dõi, đôn đốc Ban Quản lý dự án 7, Ban Quản lý dự án Thăng Long khẩn trương khắc phục các vấn đề ảnh hưởng của dự án đến đời sống, hoạt động sản xuất, trồng trọt của người dân nêu trên. Trường hợp khó khăn vướng mắc, tổ chức họp các sở, ngành và các đơn vị có liên quan để thống nhất phương án giải quyết.